Nhu cầu dầu thô giảm, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nhập khẩu từ Nga

Lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã tăng từ gần 400.000 thùng/ngày năm 2011 lên 2,0 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2022.

Một nguồn tin cho biết Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu dầu thô đợt đầu tiên cho năm 2023, chủ yếu dành cho các nhà máy lọc dầu độc lập, 4 nguồn thạo tin cho biết hôm 8/10.

Được biết, hạn ngạch được giao là khoảng 20 triệu tấn (tương đương 146 triệu thùng). Thông tin này được đưa ra sớm hơn gần 3 tháng so với thường lệ, nhằm khuyến khích các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh sản xuất.

Hồi tháng 9, Bắc Kinh đã cấp hạn ngạch nhập khẩu 2,89 triệu tấn dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tư nhân trong đợt phân bổ thứ ba năm 2022. Tổng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô ngoài quốc doanh của Trung Quốc do đó tăng lên 164,61 triệu tấn trong năm nay, tăng nhẹ so với 162,25 triệu tấn năm 2021.

Nhu cầu dầu của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới sau khi Bắc Kinh ban hành các khoản hỗ trợ thương mại cho phép ngành công nghiệp lọc dầu khổng lồ của họ nhập vào nhiều dầu thô hơn và xuất khẩu nhiều nhiên liệu hơn.

Các nhà máy lọc dầu và thương nhân địa phương đã được giao hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho những tháng còn lại của năm 2022 và đầu năm 2023, cũng như hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu 15 triệu tấn, công ty tư vấn hàng hóa Trung Quốc JLC cho biết.

Thế giới - Nhu cầu dầu thô giảm, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nhập khẩu từ Nga             Các bồn chứa dầu và khí đốt tại một kho dầu ở Chu Hải, Trung Quốc. Ảnh: Al Jazeera

Các nhà giao dịch cho biết, để sử dụng hết hạn ngạch của mình, các nhà nhập khẩu có thể vận chuyển thêm hàng hóa chặng ngắn đến đây vào cuối tháng 12, hoặc mua dầu thô từ Nga hoặc Iran, các nguồn hàng bị người dùng phương Tây và một số nước châu Á xa lánh.

Trong quý II/2022, Trung Quốc chế biến lượng dầu thô ít nhất kể từ quý I/2020, trong bối cảnh đại dịch Covid có ảnh hưởng mạnh nhất đến hoạt động kinh tế của quốc gia này, khiến nhu cầu dầu thô giảm mạnh.

Sự bùng phát trở lại của đại dịch hồi tháng 3/2022 và chính sách hạn chế di chuyển nội địa là nguyên nhân khiến nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc giảm sút, dẫn đến lượng dầu thô chế biến ở quốc gia này chạm đáy trong quý II/2022.

Một nguyên nhân nữa khiến Trung Quốc không muốn đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô là vì hạn ngạch xuất khẩu xăng dầu thành phẩm đã bị cắt giảm từ khoảng nửa cuối năm 2021.

Do những yếu tố này, nhập khẩu ròng dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống còn 10 triệu thùng mỗi ngày trong quý II, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đặc biệt thấp trong tháng 6 và tháng 7 năm nay, ở mức 8,8 triệu thùng/ngày. Con số này thấp hơn 2 triệu thùng/ngày so với hồi tháng 5, và thấp nhất kể từ tháng 7/2018. Trong tháng 9, lượng nhập khẩu tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày, tăng 8,1% so với tháng 7 nhưng vẫn thấp hơn 9,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm trong những tháng gần đây, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng từ gần 400.000 thùng/ngày trong năm 2011 lên khoảng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021, và 2,0 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2022. Tỉ trọng nhập khẩu dầu thô của Nga của Trung Quốc là 20% vào tháng 6 và 19% vào tháng 7 năm nay.

Thế giới - Nhu cầu dầu thô giảm, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nhập khẩu từ Nga (Hình 2).      Tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc từ 2011-2022. Ảnh: Hellenic Shipping News

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây theo sau cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm giảm nhu cầu dầu thô Nga, khiến Nga phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế. Trong khi đó, châu Âu cũng tìm kiếm các nguồn cung dầu thô khác, khiến giá dầu Brent tăng. Do đó, Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu dầu từ Nga.

Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ cũng giảm 63% trong giai đoạn tháng 6-8 do nhu cầu dầu thô ở châu Âu tăng cao, khiến các nhà xuất khẩu Mỹ chuyển hướng.