Theo cục Y tế dự phòng, điều kiện môi trường mùa Đông rất dễ gây mắc các bệnh cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi…), đặc biệt là với trẻ em.
Trong khi đó, một số bậc cha mẹ chưa chú ý được việc giữ ấm cho trẻ em như để trẻ mặc không đủ ấm, khi đưa trẻ đi ra ngoài. Thậm chí khi đưa trẻ đi tiêm chủng cũng chưa đảm bảo giữ ấm cho trẻ, để trẻ bị nhiễm lạnh, dễ dẫn đến mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Viêm họng
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm họng là do nhiễm virus. Một số trường hợp là do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Chẳng hạn như trẻ nhỏ đi từ bên trong nhà có nhiệt độ cao ra bên ngoài trời giá rét một cách đột ngột.
Để phòng tránh căn bệnh này, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Đồng thời phải giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là phần cổ họng. Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, bạn có thể cho súc miệng bằng nước muối loãng mỗi ngày và cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, súp.
Cảm cúm
Cảm cúm là căn bệnh rất phổ biến và có nhiều điểm tương đồng với cảm lạnh. Tuy nhiên, bệnh cúm thường xảy ra đột ngột, nặng hơn và kéo dài lâu hơn.
Vì vậy, cầm giữ ấm cơ thể cho trẻ, nếu cho trẻ ra ngoài nên đeo khẩu trang và mặc ấm hoàn toàn.
Bệnh viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch non yếu, làn da trẻ mỏng manh dễ bị tác động. Thống kê số trường hợp viêm da dị ứng tại Việt Nam cho thấy, có khoảng 30% trẻ mắc bệnh này. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa thu đông, có thể chấm dứt khi trẻ 5 tuổi nhưng số ít trường hợp kéo dài đến khi trưởng thành.
Phòng ngừa viêm da dị ứng ở trẻ bằng cách vệ sinh nhà cửa, chăn gối, đồ chơi của trẻ sạch sẽ, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng; dưỡng ẩm cho trẻ, che chắn cẩn thận cho trẻ khi ra ngoài; bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Bệnh viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản do vi khuẩn Hemophilus influenzae gây ra. Bệnh phát sinh do môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, do nhà cửa ẩm thấp và cơ địa trẻ yếu hoặc do trẻ đang mắc cúm, ho gà, sởi.
Để phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ nên vệ sinh sạch sẽ khu vực tai, mũi, họng mỗi ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Với trẻ sơ sinh, mẹ cần cho bú sữa mẹ cho đến 12 tháng tuổi, không để trẻ bị lạnh, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với các mầm bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, bỏ bú hoặc có yếu tố như dưới 3 tháng tuổi... mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Bệnh viêm mũi mùa Đông
Vào mùa Đông, trẻ dễ mắc phải bệnh viêm mũi nên nếu không điều trị dứt điểm sẽ khiến bệnh tái phát nhiều lần, dẫn tới những biến chứng như viêm tai giữa, viêm tai, viêm phổi, viêm xoang cấp.
Để phòng tránh bệnh viêm mũi cho trẻ, bố mẹ cần: Giữ ấm vùng đầu, cổ và mũi cho trẻ. Không nên để trẻ xoa mũi hay ngoáy mũi khi lạn. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng để giúp trẻ nhanh hồi phục.
Cần hạ sốt bằng phương pháp lau mát và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi trẻ sốt cao hơn 38 độ. Mẹ nên dùng dung dịch nước muối loãng, nhỏ 3 đến 4 lần mỗi ngày cho đến lúc trẻ hết chảy nước mũi; Dùng khăn bông nhúng nước ấm để lau mát cho trẻ.