Câu chuyện thứ nhất: Cát và đá
Ảnh minh họa (Internet)
Có hai người bạn đang bước đi trên sa mạc trong một chuyến đi dài ngày. Hai người nói chuyện với nhau, rồi xảy ra cuộc tranh cãi gay gắt về một vấn đề gì đó. Không giữ được bình tĩnh, một người kia đã tát vào mặt người bạn mình. Cảm thấy rất đau nhưng người bạn không nói gì.
Anh ta chỉ lặng lẽ viết lên trên cát một dòng chữ rất to: "HÔM NAY, NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA TÔI ĐÃ TÁT VÀO MẶT TÔI".
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và nghỉ mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý đã trượt chân rơi xuống một vũng lầy và dần dần lún sâu xuống. Nhưng người kia đã kịp thời cứu được anh.
Ngay sau khi được cứu, anh đã khắc ngay lên một tảng đá gần đó dòng chữ: "HÔM NAY, NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA TÔI ĐÃ CỨU SỐNG TÔI".
Người bạn kia thấy vậy liền hỏi: "Tại sao khi tôi tát cậu, cậu lại viết chữ lên trên cát còn bây giờ cậu lại khắc chữ lên một tảng đá?".
Và câu trả lời anh ta nhận được là:
Khi ai đó làm chúng ta đau đớn thì chúng ta nên viết điều đó lên trên cát, nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan đi những nỗi trách hờn. Còn khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc điều ấy lên đá, nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.
Câu chuyện thứ 2: Người bạn nhỏ, tác động lớn
Ảnh minh họa (Internet)
Vào một ngày nóng nực, sư tử mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn, nó nằm ngủ dưới một tán cây. Một chú chuột nhắt đi ngang qua, thấy sư tử ngủ say liền nhảy múa đùa nghịch trên lưng sư tử.
Sư tử thức giấc, giận dữ vì bị đánh thức, nó túm lấy chuột nhắt mắng.
"Con vật bé nhỏ kia, sao ngươi dám đánh thức chúa tế rừng xanh? Ta sẽ nghiền nát ngươi bằng móng vuốt của ta".
Chuột nhắt sợ hãi van xin "xin ngài tha cho tôi, tôi sẽ không bao giờ quên ơn và tôi sẽ trả ơn ngài vào một ngày nào đó".
Sư tử thấy rất buồn cười với lời nói của chuột nhắt, nhưng nó cũng thấy tội nghiệp và thả cho chuột nhắt đi.
Chuột nhắt mừng quá vội vã chạy đi.
Vài tháng sau, khi đang săn mồi trong rừng, sư tử vướng vào lưới của thợ săn và nó không thể nào thoát được. Sư tử gầm lên kêu cứu "Cứu với, cứu với", vang động khắp khu rừng.
Chuột nhắt được sư tử tha mạng lần trước, nghe thấy tiếng sư tử gầm, nó vội chạy đến xem sao. Thấy sư tử mắc trong lưới, nó bảo "ông đừng lo, tôi sẽ giúp". Chuột lấy hết sức gặm đứt các dây lưới để sư tử chạy thoát. Sư tử mới thấy rằng làm điều tốt cho người khác sẽ luôn được nhớ công ơn.
Câu chuyện thứ 3: Hoa khôi lớp xấu xí
Ảnh minh họa (Internet)
Các sinh viên nữ công khai bỏ phiếu bầu chọn hoa khôi của lớp, Tiểu Mai là người có dung mạo bình thường nhưng cô đa đứng ra nói mọi người rằng: “Nếu như tôi được chọn, qua vài năm sau, các chị em ngồi ở đây có thể tự hào mà nói với chồng của mình rằng, ‘hồi em học đại học, em còn xinh đẹp hơn cả hoa khôi trong lớp cơ đấy!’”.
Kết quả là cô ấy đã được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối.
Gợi ý nhỏ:
Thuyết phục người khác ủng hộ bạn, không nhất định là phải chứng minh rằng bạn xuất sắc hơn người khác như thế nào, mà là cần để cho người ta biết được rằng nhờ có bạn mà họ mới trở nên ưu tú hơn và có nhiều thành tựu hơn.
Câu chuyện thứ 4: Người tiều phu và học giả
Ảnh minh họa (Internet)
Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.
Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:
"Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?".
Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.
"Tôi cũng không biết!", tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:
"Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi." Học giả vô cùng sửng sốt.
Bài học rút ra:
Trong cuộc sống, nhiều người hay tỏ vẻ là mình trí tuệ, thông minh hơn người và tỏ vẻ coi thường những người ít học, học thấp hơn họ. Tuy nhiên đôi lúc, sự tự phụ quá tự tin của họ sẽ khiến họ bị lâm vào những tình huống "dở khóc dở cười". Họ không biết một điều rằng "thông minh sẽ hại thông minh", người quá thông minh và tinh tướng nhiều khi sẽ tự hại lấy mình vì quá tự cao. Lẽ vậy ở đời, đừng sợ kẻ thông minh, hãy sợ kẻ ngốc mà tưởng mình thông minh. Và hãy làm một người khiêm tốn đáng được tôn trọng. Truyện cực ngắn về người tiều phu khiến chúng ta phải suy nghĩ về đức tính khiêm tốn.
Trúc Chi (sưu tầm)