Cuộc sống có yêu ắt có ghét, có tốt hẳn có xấu, có thật chắc chắn có giả, triết học gọi đó là hai mặt của một vấn đề. Tuy nhiên giả cũng có cái hay, nhờ nó ta biết thêm giá trị của cái thật. Song “lộng giả hành chân” sẽ làm đảo lộn các giá trị đạo đức vốn là nền tảng của xã hội, vì thế đừng có tiền giả. Tiền giả còn gây hại cho cá nhân, nền kinh tế quốc gia. Tiền giả làm mất tin của dân chúng với đồng tiền, lớn hơn nó sẽ gây mất lòng tin với thể chế và khi sóng lừng thì thể chế chính trị ấy sẽ bị sóng cuốn phăng.
Thế nên từ xưa người ta đã dùng nhiều cách để ngăn chặn tiền giả, chẳng hạn trên mặt giấy bạc Đông Dương mệnh giá 5 đồng, 20 đồng và 100 đồng phát hành ngày 21/1/1875 có ghi dòng chữ: “Lart. 139 du code pénal punit des travaux forcés ceux qui auront contrefait ou fal- sifié les billets de banques autorisées par la loi” (Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định những kẻ làm giả giấy bạc, phát hành bởi các ngân hàng được pháp luật cấp phép, sẽ nhận hình phạt lao động khổ sai). Việc ghi dòng chữ cảnh báo cũng đồng nghĩa giấy bạc có thể làm giả được.
Ở Việt Nam, tiền giả từng xuất hiện trong đời vua Lê Hiển Tông, tiền Cảnh Hưng bị đúc trộm, rồi Hiển Tông cho phép các tỉnh cũng được đúc, lại không quản lý, không theo quy chuẩn bởi vậy có tỉnh đúc mỏng, tỉnh lại đúc nhỏ, đó chẳng phải tiền giả sao?
Có một lịch sử tiền thật thì cũng có một lịch sử tiền giả. Khi các nước phương Tây thay tiền kim loại bằng chất liệu giấy và các ngân hàng được quyền phát hành họ đã không ngừng hoàn thiện chất lượng, tăng độ bảo an, tuy nhiên vẫn có tiền giả. Giấy in tiền được cho tốt nhất thế giới hiện nay do Anh, Mỹ và một vài quốc gia khác sản xuất.
Nguyên liệu để làm ra loại giấy đó là một loại bông trồng ở Ấn Độ, sợi của bông này có nhiều ưu điểm vượt trội so với bông trồng ở các quốc gia khác. Ngoài sử dụng loại giấy đặc biệt thì công nghệ bảo an đồng tiền cũng rất tinh vi nhưng “anh có nghề thì tôi có nghiệp”, đồng đô la Mỹ, bảng Anh, đô la Canada, Úc... vẫn bị làm giả ở mức khó phát hiện bằng mắt thường.
Vì sao có tiền giả? Rất đơn giản, vì làm tiền giả là một nghề. Trong kinh tế, phàm cái gì ngoài vòng pháp luật, luôn đối diện với nguy cơ mắc tội hình sự thì tiền kiếm được nhiều hơn.
Sau khi Pháp tái chiếm Việt Nam năm 1946, chính quyền Pháp đã cấm sử dụng tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa ở những tỉnh thành họ kiểm soát, lại cho in tiền giả để tung vào vùng tự do. Ở Nam Bộ, Hoa kiều Chợ Lớn in giả tiền kháng chiến ở nhiều tỉnh rồi dùng nó vơ vét hàng hóa.
Trong hồi ký của ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ kháng chiến, về tiền giả ông viết: “Hiện nay thực dân Pháp tung giấy bạc giả ra rất nhiều, nhất là xung quanh vùng bị tạm chiếm. Chúng mua vật thực của ta, vừa mua vừa phá giá”.
Chính quyền Pháp in tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa giả rất dễ dàng vì đồng tiền đơn giản, bảo an sơ sài. Nhưng kẻ khôn mấy cũng có lúc khờ, Pháp in trên giấy tốt, lại đẹp hơn so với tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa vì thế dân chúng thấy tờ tiền đẹp biết ngay do Pháp in đã đem đốt bỏ.
Năm 1964, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc bằng không quân, dân lành vô tội bị bom Mỹ giết hại. Nhưng thâm độc hơn, Mỹ đã in tiền giả mệnh giá 1 đồng, 2 đồng và 5 đồng rải xuống miền Bắc.
Đối phó với tình trạng này, chính quyền kêu gọi dân chúng ai nhặt được phải mang nộp cho công an, ai cố tình dùng nó mua bán sẽ bị xử tù nên âm mưu phá hoại miền Bắc của Mỹ bị vô hiệu hóa. Trong những câu chuyện tiền giả ở Việt Nam có vụ án CM.12 chấn động dư luận trong nước một thời.
Thập niên 80 thế kỷ 20, Mai Văn Hạnh và Mai Quốc Túy cầm đầu tổ chức “kháng chiến” chống lại Nhà nước Việt Nam cộng sản. Tổ chức này có tên là Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam. Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cùng các chiến hữu mang theo vũ khí và tiền giả nhưng in đúng như tiền thật xâm nhập vào tỉnh Cà Mau.
Kết cục 126 biệt kích từ nước ngoài về bị bắt cùng 132.278 kg vũ khí và 14 tấn tiền giả (299.750.000 đồng). Khi tiền giả in như thật, nó không phải là kiếm lời mà có mục đích chính trị vì để in như thật giá thành 1 tờ tiền khá cao. Việc đó chắc chắn phải có một quốc gia nào đó bảo kê.
Đại tá Phạm Thị Nhàn, nguyên Trưởng phòng thuộc cục Kinh tế tổng hợp bộ Công an kể rằng, đầu thập niên 90 khi phát hiện ra tiền giả lưu hành trên thị trường, đơn vị của bà đã tiến hành điều tra, bắt giữ kẻ in giả.
Nhưng tiền giả ngoài thị trường nhiều hơn nên năm 1993, bộ Công an đã lập chuyên án TG.93 (TG là tiền giả, 93 là năm 1993). Không chỉ tiền bị in giả trên thị trường còn xuất hiện cả tín phiếu giả.
Năm 1994, tờ tín phiếu 1 triệu đồng bị làm giả hàng triệu tờ buộc Ngân hàng Nhà nước phải ra lệnh thu hồi. Theo Đại tá Nhàn, năm 1995 bắt đầu xuất hiện tiền giả từ nước ngoài tuồn vào trong nước. Thân gái dặm trường, bà Nhàn lên biên giới phía Bắc, nằm sương ngủ rừng phục kích, bám đối tượng. Kẻ tham gia vận chuyển tiền giả chẳng phải ngu, chúng lì lợm và liều lĩnh.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiệt, nguyên Cục trưởng cục An ninh kinh tế tổng hợp kể, ông suýt bỏ mạng ở một tỉnh biên giới khi bị kẻ buôn tiền giả tấn công. Nhưng “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, bà Nhàn trực tiếp bắt nhiều vụ, với chiến công đó bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Vì sao tiền giả ồ ạt vào Việt Nam? Thiếu tướng Hiệt chia sẻ, sau khi bắt được kẻ vận chuyển tiền giả người Trung Quốc tên là Trần Phương Bình, nhiều lần phía Việt Nam gửi công văn đề nghị hợp tác nhưng không nhận được hồi âm. “Không có lửa, sao có khói”, đây là nguyên nhân dẫn đến tiền giả được tuồn vào Việt Nam nhiều hơn trong những năm cuối thập niên 90.
Theo báo cáo tiền giả 1999 - 2004 của đơn vị an ninh tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, năm 1999, trong 1 triệu tờ tiền có hơn gần 500 tờ tiền giả, trên cả báo động, ở mức nguy hiểm. Lại có thời kỳ tiền giả “qua mặt” được máy soi, lọt cả vào kho bạc và các tổ chức tín dụng.
Tiền giả chủ yếu tiêu thụ ở các vùng quê, vùng sâu vùng xa, những nơi mà dân trí hạn chế đã gây ra hậu quả đau lòng. Sinh thời ông Dương Đức Quảng kể rằng, lúc ông làm Vụ trưởng Vụ báo chí Văn phòng chính phủ chứng kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở khi nghe được câu chuyện có bà cụ ở quê mang rau muống nhà trồng ra thị xã bán, cả gánh rau nặng ê vai được hơn chục bạc. Bán hết gánh rau bà đong vài cân gạo, lúc trả tiền thì người bán gạo phát hiện tiền bà trả là tiền giả đã lôi ra đồn công an. Dù khai số tiền đó là tiền bán rau nhưng bà cũng bị nhốt 1 đêm ở đồn công an.
Tiền giả hành hoành trên thị trường khiến chính phủ quyết tâm thay thế chất liệu cotton bằng polymer. Tuy nhiên không phải cái đúng không phải lúc nào cũng được ủng hộ. Nhưng cuối cùng chính phủ đã quyết định và chỉ khi tiền polymer phát hành thì tiền giả mới giảm. Đánh giá về khả năng chống giả của tiền polymer Việt Nam, Viện Khoa học hình sự, bộ Công an năm 2005 đã nhận định: “So sánh với các mệnh giá tiền cot- ton cũ của Việt Nam và các loại tiền cot- ton của các nước trong khu vực, tiền polymer 50.000 đồng, 100.000 đồng và 500.000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những ưu điểm vượt trội cả về chất liệu, công nghệ in ấn và khả năng chống giả”.
Song cái giả không bao giờ mất, chỉ là ít hay nhiều. Trung tướng Vũ Hải Triều cho biết, tiền polymer giả chủ yếu làm ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Họa sĩ Trần Tiến bảo sau khi tiền polymer phát hành, việc của ông là nín thở theo dõi tiền giả polymer thế nào, song gần 20 năm trôi qua ông hoàn toàn yên tâm, có tiền giả nhưng rất ít và phát hiện cực dễ dàng.