Chiến tranh thương mại được xem là một đặc trưng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng. Nhưng mức thuế mới nhất của ông đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào ngày 4/2, có thể mở rộng quy mô của các xung đột. 3 quốc gia này chiếm hơn 1/3 sản phẩm được đưa vào Mỹ, hỗ trợ hàng chục triệu việc làm cho người Mỹ.
Theo các sắc lệnh hành pháp được công bố ngày 1/2, tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico sẽ phải chịu mức thuế 25%, ngoại trừ các sản phẩm năng lượng của Canada sẽ phải chịu mức thuế 10%. Các sắc lệnh này cũng áp dụng mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Theo các nhà kinh tế tại S&P Global, các ngành ô tô và thiết bị điện ở Mexico cũng như chế biến khoáng sản ở Canada dễ bị ảnh hưởng nhất do thuế quan mở rộng. Tại Mỹ, rủi ro lớn nhất là đối với nông nghiệp, đánh bắt cá, sản xuất kim loại và ô tô.
Sau bao lâu thì giá cả sẽ tăng?
Một số công ty có thể cố gắng chuyển chi phí cho khách hàng của mình bằng cách tăng giá. Những công ty khác có thể chọn cách chịu chi phí thuế quan. Các công ty cũng có thể cố gắng buộc các nhà cung cấp nước ngoài phải chịu gánh nặng bằng cách đàm phán giá thấp hơn cho sản phẩm của họ.
Khi ông Trump áp thuế đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, các nghiên cứu kinh tế phát hiện ra rằng hầu hết các chi phí đó được chuyển cho người tiêu dùng Mỹ. Theo các chuyên gia, kịch bản này có khả năng sẽ diễn ra một lần nữa. Điều đó có nghĩa là giá cả cao hơn ở các cửa hàng tạp hóa, tại các đại lý ô tô và tại trạm xăng.
Khoảng 60% lượng dầu mà Mỹ nhập khẩu đến từ Canada. Thuế quan đối với năng lượng của Canada, mặc dù thấp hơn so với các mặt hàng nhập khẩu khác, có thể thúc đẩy giá tăng tại các trạm xăng, đặc biệt là ở vùng Trung Tây, nơi các nhà máy lọc dầu biến dầu của Canada thành xăng và dầu diesel.
Cũng có lo ngại về áp lực lạm phát trên diện rộng. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết nếu ông Trump tiến hành áp dụng thuế quan trên diện rộng, giá cả ở Mỹ sẽ tăng và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán rằng các rào cản thương mại mới có thể dẫn đến một đợt bùng nổ lạm phát cao tạm thời.
Người tiêu dùng có thể thấy giá cả tăng nhanh đối với các mặt hàng không bền, bao gồm hàng tạp hóa. Hầu hết bơ ở Mỹ được nhập khẩu từ Mexico và chúng có thể trở nên đắt hơn trong vòng vài tuần sau khi thuế quan có hiệu lực. Giá dưa chuột và cà chua cũng có thể tăng đột biến. Giá hàng hóa bền, như ô tô, có thể mất nhiều thời gian hơn để tăng do lượng hàng tồn kho hiện có hoặc nếu các công ty kỳ vọng thuế quan chỉ là tạm thời.
Ông Peter Simon, giáo sư kinh tế tại Đại học Northeastern, ngày 1/2 nhận định rằng vẫn chưa biết các công ty sẵn sàng và có khả năng tăng giá nhanh như thế nào.
Trong khi một số đợt tăng giá có thể là phản ứng phù hợp của các doanh nghiệp đối với chi phí tăng, thì cũng có nguy cơ định giá theo cơ hội, nghĩa là các công ty có thể sử dụng thuế quan làm cái cớ để tăng giá thậm chí còn cao hơn mức cần thiết, ông Simon cho biết.
Theo giáo sư Simon, lạm phát tăng là "kết quả không thể tránh khỏi" của thuế quan.
Nhà kinh tế trưởng của EY Greg Daco ước tính GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm 1,5% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2026 nếu thuế quan có hiệu lực vì chúng sẽ "làm giảm" chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Lạm phát sẽ tăng khoảng 0,7% trong quý đầu tiên, ông Daco dự đoán.
"Sự gia tăng bất ổn về chính sách thương mại sẽ làm tăng sự biến động của thị trường tài chính và gây sức ép lên khu vực tư nhân, bất chấp lời lẽ có lợi cho doanh nghiệp của chính quyền... Phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang cũng sẽ rất quan trọng. Nếu thuế quan đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao hơn, Fed có thể cảm thấy áp lực phải duy trì lãi suất hạn chế trong thời gian dài hơn, thắt chặt các điều kiện tài chính và gây sức ép lên đà tăng trưởng", ông Daco cho biết trong một lưu ý với khách hàng.
Nguy cơ trả đũa qua lại
Sau khi nhậm chức, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với Canada và Mexico vì các nước láng giềng này đang cho phép "một lượng lớn người nhập cư và fentanyl vào". Những lập luận của ông kể từ ngày nhậm chức rằng các hình phạt là cần thiết để ngăn chặn dòng người di cư và ma túy vào Mỹ diễn ra sau nhiều tháng đe dọa tương tự trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Ông Trump đã ban hành các sắc lệnh hành pháp theo luật có tên là Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, mở rộng phạm vi của tình trạng khẩn cấp quốc gia mà ông đã tuyên bố vào ngày đầu tiên nhậm chức liên quan đến "làn sóng người nhập cư bất hợp pháp và ma túy bất hợp pháp".
Canada và Mexico đã ra tín hiệu có thể trả đũa. Chính phủ Canada đã lập kế hoạch nhắm vào nước cam từ Florida, rượu whisky từ Tennessee và bơ đậu phộng từ Kentucky, trong khi Tổng thống Mexico, bà Claudia Sheinbaum, cho biết đất nước của bà đã chuẩn bị đáp trả bằng thuế quan trả đũa.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trên mạng xã hội vào ngày 31/1 rằng: "Nếu Mỹ hành động, Canada sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức".
Tuy nhiên, các sắc lệnh hành pháp của ông Trump nhằm hạn chế khả năng phản kháng của các chính phủ bị ảnh hưởng. Mỹ có thể tăng thuế quan nếu các quốc gia trả đũa bằng cách áp thuế nhập khẩu của riêng họ hoặc thực hiện các biện pháp khác, theo một điều khoản trong các sắc lệnh.
Trước thông báo của ông Trump vào ngày 1/2, các công ty Mỹ dường như không vội vã đưa hàng từ Mexico và Canada vào, mặc dù có dấu hiệu tăng.
Những nỗ lực đưa hàng vào trước khi áp thuế có thể đã góp phần làm tăng container vận chuyển trên khắp Bắc Mỹ bằng đường sắt trong 4 tuần đầu tiên của năm, so với cùng kỳ năm 2024.
Dữ liệu được công bố trong những tuần trước lệnh hành pháp của ông Trump vào thứ Bảy cho thấy khối lượng hàng hóa vận chuyển trên đường bộ và đường sắt tăng nhẹ. Các chuyên gia vận tải cho biết đối với các công ty đường sắt và xe tải, tình hình khác với năm 2021 và 2022, khi một lượng lớn hàng nhập khẩu tràn ngập chuỗi cung ứng, khiến chi phí vận chuyển tăng vọt và góp phần thúc đẩy lạm phát tăng tốc nhanh chóng.