Những sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2020

Lịch sử thế giới sẽ ghi nhớ 2020 là một năm đầy biến động với khủng hoảng do đại dịch COVID-19; diễn biến canh thẳng trong bầu cử Tổng thống Mỹ; Anh rời EU, đạt thoả thuận hậu Brexit; căng thẳng Mỹ - Trung Quốc...

1, Khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng lây nhiễm từ người sang người gây đại dịch trên khắp thế giới. Ngay lập tức, Chính phủ các quốc gia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Dịch COVID-19 kéo lùi nền kinh tế của nhiều quốc gia

Tới cuối tháng 12/2020, dịch đã tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 81 triệu người với gần 1,8 triệu ca tử vong. Các chuyên gia ước tính, đại dịch đã đẩy thêm 88 triệu người vào cảnh cùng quẫn, khiến GDP toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD.

Một số nước ban đầu kiểm soát dịch thành công nhờ những biện pháp phong tỏa và giới hạn nghiêm ngặt, nhưng các làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục càn quét nhiều nơi, khiến kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái kéo dài. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng nguy hiểm, vaccine là cơ hội tốt nhất để chấm dứt thảm họa.

Cuối 2020, nhiều nước bắt đầu rục rịch xúc tiến tiêm phòng diện rộng vắc-xin, làm dấy lên hy vọng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường vào 2021.

2, Bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới về COVID-19 và làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng khắp nước.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 với những diễn biến căng thẳng

Do đại dịch COVID-19, phương thức bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm đã lên ngôi, khiến tỉ lệ cử tri bỏ phiếu đạt mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ năm 1900.

Với hơn 81 triệu phiếu bầu, ông Joe Biden là ứng viên nhận số phiếu nhiều nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump cũng nhận được hơn 74 triệu lá phiếu, vượt qua cả số phiếu kỷ lục cho ông Barack Obama là 69,5 triệu trong năm 2008.

Quá trình kiểm phiếu trở nên rất căng thẳng và mãi tới ngày 7/11, các hãng truyền thông lớn của Mỹ mới xướng tên ông Joe Biden là người chiến thắng.

Tuy nhiên, ông Donald Trump nhất quyết không nhận thua và cáo buộc bầu cử có gian lận, đồng thời đâm đơn kiện ở nhiều bang chiến địa song đều thất bại.

Dự kiến, ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Cùng với đó, bà Kamala Harris sẽ là nữ Phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

3, Biểu tình sắc tộc tại Mỹ

Vụ việc người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát da đè chân lên cổ đến chết ngày 25/5, đã khiến các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng nổ và lan khắp nước Mỹ. Dù những cảnh sát liên quan đã bị truy tố nhưng không ngăn được sự phẫn nộ của nhiều người. Biểu tình tiếp tục nổ ra, từ ôn hòa biến thành bạo loạn, cướp bóc và đốt phá.

­Người dân Mỹ tuần hành tại thành phố Columbia (bang Nam Carolina).

Hàng chục thành phố của Mỹ phải áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy. Làn sóng này sau đó vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan tới nhiều nước khác như Canada, Anh và Đức, khiến các nhà chức trách phải dốc sức cân bằng giữa việc cấp phép biểu tình và phòng chống COVID-19 lây lan do tụ tập đông người.

Tính đến ngày 1/6, cuộc biểu tình lan ra hơn 200 thành phố trên toàn thế giới, ủng hộ những người đòi lại công lý cho Floyd cũng như lên tiếng phản đối tệ nạn cảnh sát bạo hành, còn được gọi phong trào Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen cũng đáng giá).

4, Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở nhiều lĩnh vực, không chỉ về thương mại mà còn ở cả công nghệ, an ninh, ngoại giao, cách xử lý COVID-19 và truyền thông.

Hai bên đã nỗ lực cải thiện thương chiến bằng cách ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng đại dịch đã thổi bùng mâu thuẫn song phương.

Mỹ-Trung Quốc có một năm cực kỳ căng thẳng

Mâu thuẫn tới đỉnh điểm với việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston. Bắc Kinh trả đũa, yêu cầu Washington đóng lãnh sự quán ở Thành Đô. Cũng trong năm 2020, Mỹ thẳng thừng bác bỏ các yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với Biển Đông, tăng cường tàu chiến và máy bay tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này.

5, Ký kết Hiệp định RCEP

Sau 8 năm đàm phán, đến ngày 15/11, lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Sự kiện này đã mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp.

Với quy mô 2,2 tỉ dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, tổng GDP 26.200 tỉ USD, tương đương gần 30% GDP toàn cầu, việc ký kết Hiệp định RCEP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi đi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên.

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định RCEP chính thức được ký kết

Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP cũng góp phần quan trọng cho việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19. Việc ký kết RCEP còn được coi là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm.

6, Anh rời EU, đạt thoả thuận hậu Brexit

Sau thời gian dài đàm phán, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận lịch sử ngày 24/12, khi chỉ còn 7 ngày là kết thúc giai đoạn chuyển giao Brexit.

Tuy nội dung của thỏa thuận chưa được công bố chính thức, nhưng cả hai bên đều ca ngợi đây là kết quả tích cực và cho phép Anh rời liên minh cùng với những cam kết đảm bảo lợi ích tối đa có thể.

Anh đạt thỏa thuận hậu Brexit. Ảnh: AP

Sự kiện Anh chính thức rời khỏi EU, việc di chuyển tự do của người dân, hàng hóa, dịch vụ và vốn giữa quốc gia này và khối trên cũng sẽ chấm dứt. Liên minh châu Âu và Anh sẽ trở thành hai thị trường có không gian pháp lý và cách quản lý hoàn toàn riêng biệt. Như vậy sẽ tạo ra nhiều rào cản cho các hoạt động thương mại và dịch vụ.

7, Căng thẳng Mỹ - Iran

Ngày 3/1, máy bay không người lái của Mỹ phóng tên lửa hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khi đoàn xe chở ông và các chỉ huy dân quân Iraq vừa rời khỏi sân bay Baghdad. Tehran ngày 8/1 đã phát động hai đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Ain al-Asad của Mỹ ở Iraq để trả đũa. Mối quan hệ giữa hai nước liên tục bị kéo căng với nhiều sự kiện đáng chú ý trong suốt cả năm.

Căng thẳng lắng xuống khi Tổng thống Donald Trump cho rằng Iran đã “xuống nước”, và rút quyết định tấn công Iran vào phút chót.

Trong suốt cả năm 2020, mối quan hệ giữa hai nước luôn trong trạng thái căng thẳng, với các vụ Iran vô tình bắn hạ máy bay Ukraina, bắt tàu chở dầu Iran ở Vùng Vịnh, tập trận…

Mỹ và Iran tiếp tục có một năm đầy căng thẳng

Hôm 20/12, đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq bị tấn công bằng nhiều quả tên lửa do một nhóm “ngoài vòng pháp luật” tiến hành. Hầu hết các quả tên lửa đều bị hệ thống phòng không của Mỹ phá hủy giữa không trung. Đại sứ quán Mỹ trong một tuyên bố sau đó nói rằng, vụ tấn công trên chỉ gây ra một số thiệt hại nhỏ về vật chất. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một thông cáo đưa ra sau đó tố “các tay súng nổi dậy được Iran hậu thuẫn” đã tiến hành vụ tấn công trên.

8, Châu Á "gồng mình" chống thiên tai

Châu Á phải hứng chịu hàng loạt thảm họa thiên nhiên đã xảy ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp diễn. Với lũ lụt ở Trung Quốc và Ấn Độ gây thiệt hại hơn 40 tỷ USD, làm hàng trăm người thiệt mạng.

Khu dân cư thuộc huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây ngập trong nước lũ, ngày 9/7. Ảnh: CGTN.

Năm 2020, người dân Trung Quốc phải chứng kiến thảm họa kinh hoàng với hơn 20 trận lũ lụt. Mưa lớn đổ xuống 27 trong số 31 tỉnh của nước này, làm hơn 37 triệu người bị ảnh hưởng, khiến ít nhất 141 người chết hoặc mất tích, gây thiệt hại lên tới 32 tỷ USD. Tại Ấn Độ, chỉ trong vòng vài tháng, lũ lụt trầm trọng ở Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người, hàng triệu người mất nhà cửa và thiệt hại ước tính lên tới 10 tỷ USD.

9, Nổ kho hoá chất ở cảng Beirut, Lebanon

Ngày 4/8, một vụ nổ lớn đã xảy ra ở một nhà kho tại cảng của thành phố Beirut, Lebanon, làm hàng nghìn người thương vong. Phần lớn khu vực cảng bị san phẳng, nhiều cao ốc khắp Beirut bị hư hại, mặt đất rung chuyển. Viện Khoa học địa chất GFZ của Đức cho biết, vụ nổ tương đương với một trận động đất 3,5 độ Richter.

Một phần cảng Beirut bị thổi bay, khiến nước biển tràn vào sau vụ nổ. Ảnh: Twitter

Thống đốc Beirut Marwan Abboud nói với tờ Telegraph, khoảng 300.000 người dân đã trở thành người vô gia cư, do vụ nổ gây hư hại nhiều công trình trong thành phố. Theo AP, dù Lebanon từng nhiều lần rơi vào tình trạng bất ổn trong quá khứ, nhưng người dân nước này vẫn có thể duy trì cuộc sống của họ. Tuy nhiên, có vẻ như vụ nổ đã ‘quét sạch’ mọi thứ.

10, Israel bình thường hoá với 4 quốc gia Arab

Ngày 13/8, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo bình thường hóa quan hệ ngoại giao và tạo dựng một mối quan hệ mới - một động thái được cho là sẽ định hình lại trật tự chính trị Trung Đông.

Israel gần đây đã bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain, Sudan và Morocco. Ảnh: Reuters.  

Chỉ trong vòng 4 tháng sau đó, Israel lần lượt ký kết các thoả thuận hoà bình lịch sử với Bahrain, Sudan và Morroco, mang lại cục diện mới cho hoà bình Trung Đông. Tất cả các thoả thuận này đều do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian và cũng được xem là một thành tựu về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của vị Tổng thống Mỹ thứ 45.

(*) Những sự kiện này do PV Phụ nữ & Pháp luật bình chọn