Theo Báo cáo tài chính mới công bố của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), hoạt động chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tại quý II/2023 giảm đến 19% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 6.294 tỷ đồng.
Trong đó, thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng có dấu hiệu tăng trưởng 32%, chi phí lãi vay và các khoản chi phí tương tự cũng tăng đột biến, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối tháng 6, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt hơn 12.800 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ của ngân hàng lại tăng nhẹ 381 tỷ đồng lên 3.963 tỷ đồng chủ yếu đến từ mức tăng của thanh toán và tiền mặt chiếm 80% tỉ trọng, tuy nhiên dịch vụ hợp tác bảo hiểm và bảo lãnh phát hành chứng khoán cùng môi giới kinh doanh chứng khoán lại lao dốc lần lượt 52%, 70%, 65%.
Hoạt động chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 85%, ghi nhận chỉ còn hơn 45 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động kinh doanh ngoại hối của Techcombank cũng nhận khoản lỗ thuần 240 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi dương 1,2 tỷ đồng.
Đi cùng với thu nhập, chi phí hoạt động của ngân hàng cũng giảm 10%, còn khoản dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 2 lần đã khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Techcombank giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9.040 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2023, tổng nợ xấu tại nhà băng này đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 65% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nợ nhóm 3 và 4 tăng mạnh nhất, với lần lượt tăng 78% và 50%. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 0,72% đầu năm lên 1,07%. Nợ khó đòi đã xử lý tại ngày 30/06/2023 là 48.567 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với đầu năm.
Tính riêng quý II, ngân hàng đã dùng 807 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 93% so với cùng kỳ, do đó lãi sau thuế của ngân hàng cũng giảm 23% về 4.503 tỷ đồng.
Năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu thu về 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 14% so với năm 2022. Như vậy, sau nửa năm, nhà băng này đã hoàn thành hơn 51% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Techcombank nhích nhẹ 4,7% lên 732.470 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là cho các hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm tới gần 32% tổng dư nợ). Số dư cho vay kinh doanh bất động sản này đã tăng hơn 41% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận hơn 153.692 tỷ đồng.
Với con số này, Techcombank tiếp tục dẫn đầu toàn hệ thống về chỉ tiêu cho vay bất động sản tính tới thời điểm hiện tại. Kế đến là dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng hơn 10% lên 460.753 tỷ đồng. Song tiền gửi và cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác lại giảm 14% xuống mức 71.193 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của Techcombank tăng nhẹ so với cùng kỳ lên 732.470 tỷ đồng, lượng tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 6,4% lên 381.936 tỷ đồng, còn lại 153.625 tỷ đồng là tiền gửi và cho vay các tổ chức kinh tế.
Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng đã tăng 7% so với đầu năm, đạt gần 381.947 tỷ đồng. Trong đó, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) tăng từ 32% cuối quý I lên 34,9% vào cuối quý II - đảo chiều tăng trở lại sau 4 quý giảm. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 248.600 tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm.
PV