Nơi phụ nữ khoét môi để đeo những chiếc đĩa "khổng lồ", đĩa càng to thì càng nhận nhiều của hồi môn

Dù phải chịu nhiều đau đớn nhưng các cô gái tại bộ tộc này chấp nhận phương pháp làm đẹp kinh dị để có được vị thế cao trong xã hội.

Ngày nay, hầu hết phụ nữ trên khắp thế giới sử dụng nhiều biện pháp chỉnh sửa những bộ phận khác nhau trên cơ thể để làm đẹp, chẳng hạn như xỏ khuyên, chỉnh hình, làm trắng... Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta đã bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đeo một chiếc đĩa lớn trên môi và cho rằng đó là trò lừa bịp. Trên thực tế, đây là phong tục đeo đĩa môi của một số bộ lạc ở Sudan, Eritrea và Ethiopia.

Tục đeo đĩa môi đã có từ hơn 8.000 năm trước Công nguyên và được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới với những hình thức khác nhau. Người Ethiopia và người Nubia cổ đại, cũng như một số dân tộc bản địa ở Nam Mỹ, đều phát minh ra đĩa môi.

Tại Ethiopia, tộc người Mursi nổi tiếng nhất với những chiếc đĩa môi khổng lồ. Phong tục của họ thu hút cả khách du lịch và các nhà xã hội học từ khắp nơi trên thế giới. 

Người Mursi cư trú chủ yếu tại khu vực Debub Omo và Vùng Các dân tộc Phương Nam gần biên giới Nam Sudan. Họ là một trong những bộ tộc cuối cùng vẫn mặc quần áo và phụ kiện truyền thống.

Không rõ phong tục kỳ lạ này ra đời như thế nào. Theo Medical Bag, một giả thuyết cho rằng việc đeo đĩa môi bắt nguồn từ việc cố tình làm phụ nữ và các cô gái trẻ biến dạng, kém hấp dẫn hơn để họ không lọt vào tầm ngắm của những kẻ buôn nô lệ. Tuy nhiên, lập luận này về sau đã bị bác bỏ.

Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng kích thước đĩa môi là dấu hiệu thể hiện vị thế xã hội hoặc sự giàu có trong bộ tộc. Một phân tích khác chỉ ra kích thước đĩa càng lớn thì của hồi môn cô dâu nhận được trong ngày cưới càng nhiều. Truyền thống đeo đĩa môi được cả bố mẹ và các cô gái coi trọng vì nó gián tiếp thể hiện số của hồi môn mà cô ấy có được khi lập gia đình. Bất kỳ người đàn ông nào muốn kết hôn với một phụ nữ Mursi đều phải giàu có. Của hồi môn dành cho phụ nữ tại đây thường vào khoảng 40 con gia súc (dành cho đĩa môi nhỏ) và 60 con (đĩa môi lớn).

Còn những người khác thì cho rằng đeo đĩa môi chỉ là một vật trang trí tượng trưng cho sức mạnh và lòng tự trọng của phụ nữ. Tục lệ này là dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt xã hội, báo hiệu cô gái đã đến tuổi sinh sản, có đủ tư cách để trở thành một người vợ.

Khi các cô gái bước sang tuổi 15, 16, môi dưới hoặc môi trên, hay thậm chí cả 2 môi được rạch ra và lấp đầy bằng một cái chốt bằng gỗ. Nghi lễ này được mẹ hoặc một người bà con là nữ thực hiện. Cho đến khi vết rạch lành lại, mất khoảng 3 tuần, các cô gái sẽ đeo vào những chiếc đĩa gỗ lớn dần, kéo rộng môi. Quá trình kéo căng này sẽ tiếp tục đến khi môi có đường kính khoảng 4 cm. Tại thời điểm này, tấm đĩa môi bằng đất sét đầu tiên được đưa vào. Để thích ứng với tấm đĩa môi, các cô gái phải nhổ ít nhất 2 hoặc 4 răng cửa.

Mỗi người phụ nữ sẽ tự chế tạo những chiếc đĩa môi cho riêng mình và trang trí chúng với niềm tự hào của bản thân. Quá trình kéo rộng môi sẽ tiếp tục cho đến khi nhét vừa những chiếc đĩa rộng khoảng 10-15 cm. Toàn bộ thời gian để hoàn thành việc này mất khoảng vài tháng. Bởi vì đeo đĩa môi gây khó khăn cho việc nói chuyện nên phụ nữ chỉ đeo chúng khi ở bên đàn ông. Lúc ngủ hoặc chỉ có phụ nữ, trẻ nhỏ ở bên nhau, họ sẽ tháo đĩa môi ra.

Quá trình đau đớn này được xem là một biện pháp làm đẹp của phụ nữ Mursi. Ngoài ra, đĩa môi đánh dấu cam kết của người phụ nữ với chồng. Nếu chồng chết, người phụ nữ sẽ bỏ đĩa môi ra. Người Mursi quan niệm vẻ đẹp của người phụ nữ sẽ phai nhạt sau khi chồng mình qua đời.

Cuối cùng, chiếc đĩa môi là một dấu ấn trực quan và mạnh mẽ về bản sắc của người Mursi. Nếu không có nó, họ có thể bị nhầm là thành viên của bộ tộc khác. Đây cũng là vật biểu trưng cho địa vị xã hội của người phụ nữ trong bộ tộc. Qua nhiều năm, những chiếc đĩa lớn chèn vào khiến môi căng ra. Đĩa môi càng lớn thì giá trị của người phụ nữ trước khi lấy chồng càng cao. Các cô gái chưa chồng và phụ nữ mới cưới thường đeo đĩa môi nhiều hơn so với những phụ nữ lớn tuổi đã lập gia đình và có con.

Người ta đồn rằng trong văn hóa đương đại, các cô gái Mursi từ 13 đến 18 tuổi có thể tự đưa ra quyết định xem có nên đeo đĩa môi hay không. Nhiều cô gái trẻ bắt đầu chọn không đeo đĩa vì quá trình này họ phải nhổ răng, có thể gặp chấn thương.

BẢO LINH