Lựa chọn sinh con và nuôi dạy con ở một đất nước xa lạ, đối với nhiều cặp bố mẹ Việt Nam là quyết định khó khăn. Dĩ nhiên trên hành trình đó, không có sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người thân, họ sẽ phải đối diện với không ít thử thách.
Thế nhưng ngược lại, được lớn lên ở một đất nước phát triển, con trẻ sẽ có nhiều cơ hội trưởng thành tốt hơn. Là mẹ bỉm ở trong hoàn cảnh này, nữ đạo diễn trẻ với nickname Gà Tây Tây (33 tuổi, tên thật Nguyễn Cẩm Tú) có lẽ là người hiểu rõ nhất.
Gà Tây Tây và ông xã người Hà Nội hiện tại đang nuôi dạy cậu con trai Kungfu, 2 tuổi rưỡi bên Mỹ. Được biết cả gia đình nữ đạo diễn xinh đẹp đã sống ở đất nước cờ hoa được 10 năm. Quý tử của cặp đôi mang song tịch Việt - Mỹ.
Gà Tây Tây sở hữu kênh Youtube với hơn 100 nghìn người theo dõi, thường xuyên chia sẻ cuộc sống ở Mỹ thu hút sự quan tâm. Đặc biệt là đoạn vlog quay lại hành trình nữ đạo diễn trẻ "tậu" xế hộp Porsche ở Mỹ khiến cộng đồng mạng choáng ngợp.
Nữ đạo diễn, vlogger Gà Tây Tây.
Lý do nào khiến chị và ông xã quyết định sang Mỹ sống?
Cả mình và ông xã đều là du học sinh qua Mỹ du học, sau đó có duyên gặp nhau. Sau khi học xong cả hai có cơ hội làm việc tại Mỹ, nên quyết định cùng xây dựng gia đình nhỏ của mình ở đây.
Chị đã trải qua hành trình mang thai và sinh con tại Mỹ. Liệu có điều gì đặc biệt trong câu chuyện chào đời của em bé?
Hành trình mang thai và sinh con tại Mỹ của mình thật sự rất đặc biệt và đầy thử thách. Dù đã chuẩn bị tâm lý cho một ca sinh thường, mình đã phải trải qua gần 40 tiếng đồng hồ chuyển dạ mà em bé vẫn chưa chịu ra. Cuối cùng, mình buộc phải thực hiện phẫu thuật mổ lấy em bé.
Trong suốt quá trình sinh, cơ thể mình lại không phản ứng với thuốc tê, dẫn đến việc mình phải thực hiện gây tê màng cứng hai lần. Bác sĩ cho rằng hai lần gây tê đầu tiên có thể đã bị lệch kim. Đến lần thứ ba, mình được gây tê tuỷ sống để chuẩn bị cho ca mổ, nhưng đáng tiếc là thuốc vẫn không có tác dụng, khiến mình vẫn cảm nhận được cơn đau.
Em bé mang quốc tịch Mỹ hay Việt Nam?
Em bé nhà mình mang song tịch, cả quốc tịch Việt Nam và Mỹ.
Hành trình làm mẹ, chăm con mọn của chị ở Mỹ có gặp nhiều khó khăn?
Hành trình làm mẹ ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vì ở Mỹ mặc dù y khoa rất hiện đại và kỹ càng trong việc theo dõi thai kỳ, nhưng phần hậu sinh thì không được nhiều dịch vụ chăm sóc tận tình như ở Việt Nam. Nên đó cũng là điều mình cảm thấy hơi tiếc nuối khi sinh bé ở Mỹ. Tuy nhiên vì hoàn cảnh công việc của hai vợ chồng nên mình quyết định sinh bé ở Mỹ để gia đình cả 3 người được ở gần nhau trong suốt quá trình mang thai, sinh và chăm sóc bé.
Chị có nhận sự hỗ trợ từ ai khác, hay hoàn toàn tự bản thân chăm bé?
Trộm vía 2 tháng đầu hai vợ chồng cũng được ông bà nội qua giúp đỡ những tháng ngày đầu bỡ ngỡ. Và cũng may mắn là ông xã mình được phúc lợi của công ty về ngày nghỉ thai sản tốt, nên được nghỉ tới 12 tuần để trọn vẹn chăm sóc mình và bé sau sinh. Ông xã mình còn được làm việc từ xa tại nhà, nên mặc dù khi quay trở lại làm việc thì anh vẫn có thể hỗ trợ mình được.
Được biết, chị là một đạo diễn, công việc này hẳn sẽ rất bận rộn. Chị cân bằng giữa sự nghiệp và chăm con trai ra sao?
Vì những năm tháng đầu đời của con rất quan trọng, và cũng vì muốn dành thời gian hồi phục cơ thể trọn vẹn nên mình đã tạm gác lại công việc 1 năm sau sinh. Khi bé được 1 tuổi thì mình trở lại với công việc, nhưng lúc đó bé nhà mình cũng đi nhà trẻ nên mình vẫn có thể cân bằng giữa sự nghiệp và chăm sóc bé. Vì thật ra bé từ 15 tháng tuổi trở đi cũng nên bắt đầu đi nhà trẻ rồi, để giúp bé phát triển được toàn diện hơn.
Trong gia đình, bố hay mẹ là người có ảnh hưởng đến con trai hơn?
Gia đình mình hai vợ chồng rất hay dành thời gian tìm hiểu và trao đổi với nhau về cách nuôi dạy bé, nên có lẽ bé ảnh hưởng từ cả bố lẫn mẹ. Trộm vía bé khá hợp tác với các phương pháp nuôi dạy của bọn mình, nên hai vợ chồng cũng hay đùa nhau là chắc Kungfu (tên ở nhà) thấy bố mẹ bên Mỹ có một mình nuôi con nên không muốn bố mẹ vất vả thêm (cười).
Ông xã trong mắt chị là người chồng, người bố thế nào?
Mình thường hay nói với ông xã mình là "nếu không có anh làm cùng thì một mình em chắc không nuôi nổi con". Thực sự mà nói sự đồng hành của chồng mình trong suốt quá trình mang thai cho tới hiện tại bé được hơn 2 tuổi, mọi thứ đã thể hiện thấy anh ấy là một người chồng, người bố chu đáo. Có lẽ là sẽ hơi quá khen nếu dùng từ tuyệt vời, nhưng chắc đúng là không có sự đồng hành của anh thì có lẽ một mình mình sẽ không làm tốt được.
Chị cảm thấy bản thân đã thay đổi ra sao kể từ khi làm mẹ?
Từ khi làm mẹ, mình đã nhận ra rằng "thì ra có thêm một người nữa trên thế giới này khiến mình yêu nhiều đến vậy", mọi hành động, suy nghĩ của mình bây giờ đều hướng về em bé. Đấy có lẽ là điều mình thay đổi nhất, trở thành người có trách nhiệm hơn, bớt vô tư vô lo hơn.
Chị cảm thấy nuôi dạy con ở Mỹ khác với Việt Nam ra sao?
Hai môi trường văn hoá và phong cách giáo dục khác nhau rất nhiều. Mặc dù sống ở Mỹ 10 năm, nhưng đến khi có con, ở đây cũng có nhiều điều khiến mình bị sốc văn hoá.
Ví dụ như phong cách nuôi dạy trẻ bên này rất tự do, phóng khoáng chứ không bảo bọc như ở Việt Nam. Bé nhà mình phần lớn thời gian ở lớp là các hoạt động ngoài trời dù nóng hay lạnh, các bé tự do thoải mái khám phá môi trường như chơi đất, chơi cát cả ngày.
Còn chưa kể có những hôm mưa hơi phùn phùn, các con cũng đi ủng, trùm áo mưa giữa mùa đông chơi ngoài trời. Đó là một trong những điều khiến mình khá sốc khi thời gian đầu cho con đi học. Thế nên mình và ông xã cũng hay đùa nhau là, có khi vì thế mà trẻ em Tây lại khỏe hơn Châu Á (cười).
Xa quê hương, vậy chị làm thế nào để con trai có thể kết nối, xây dựng mối quan hệ thân thiết với ông bà nội ngoại ở Việt Nam?
Mặc dù ở nước ngoài lâu năm, nhưng vợ chồng mình luôn hướng về truyền thống gia đình và văn hoá cội nguồn. Bọn mình cũng luôn quan niệm rằng dù con có sinh ra ở đâu, có bao nhiêu quốc tịch thì con vẫn luôn là người Việt. Nên bé nói tiếng Việt với gia đình mình là điều bắt buộc. Và vì khoảng cách địa lý nên để gắn kết với gia đình và ông bà nội ngoại thì hầu như nhà mình ngày nào cũng có thói quen gọi video, để con được nói chuyện với ông bà, cô và cậu.
Gần đây nhất là khi bé được 1 tuổi, bọn mình có đưa con về Việt Nam. Về vấn đề tài chính để đưa con đi lại giữa Mỹ - Việt thì cũng trong khả năng kinh tế của hai vợ chồng, nên bọn mình cũng không thấy tốn hơn các chuyến du lịch thông thường.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!