Phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền”

"Phải trao quyền và trách nhiệm cho người dân để phát huy tối đa vai trò của họ trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường"

Bảo vệ môi trường và những giải pháp

Những năm gần đây, nhiều quốc gia đang thúc đẩy "kinh tế xanh" và coi đây là tương lai thế giới, một tiêu chí để đánh giá sự bền vững của một nền kinh tế.

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường cần được tiến hành đồng bộ, phối hợp giữa nhiều cơ quan ban ngành. Giải pháp quan trọng nhất phải bắt đầu từ con người, phải trao quyền và trách nhiệm cho người dân để phát huy tối đa vai trò của họ trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Tuyên truyền, vận động người dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh...

Giải pháp thứ hai là không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách về tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn. Xác định và phân rõ trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể địa phương, sai phạm xảy ra tại địa phương nào cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đó.

Muốn làm được vậy, chúng ta phải có nguồn lực tài chính và sự phối hợp đồng bộ. Ngoài nguồn ngân sách, cần tận dụng tối đa các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư; phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tạo nguồn thu bổ sung đầu tư ngược lại cho công tác xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải…

Môi trường - Phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền”

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Giải pháp tiếp theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ đề cập đến là cần phải đẩy mạnh khoa học và công nghệ.

Theo ông Sỹ, Việt Nam ta đang thiếu nhất là công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...; công nghệ canh tác nông nghiệp đủ an toàn và bền vững về môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải.

Tránh việc ra quy định "con"

Để có cái nhìn thực tế về việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp, Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa xoay quanh vấn đề này.

PV: Là một tỉnh nằm ở vị trí huyết mạch của đất nước, địa hình đa dạng, bao gồm cả trung du, đồng bằng và hơn 100km bờ biển. Xin ông cho biết tình hình triển khai công tác bảo vệ môi trường tại Thanh Hóa?

Ông Cao Văn Cường: Mới đây, sau khi ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản hướng dẫn tuyên truyền bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước. Tiếp đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn số 23-HD/BTGTU ngày 12/8/2021 tuyên truyền bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước. Sở đã yêu cầu tất cả các tổ chức cấp ủy, chi bộ đơn vị nhấn mạnh nội dung trên trong tất cả các cuộc họp.

PV: Cụ thể thì Sở đã thực hiện việc này như thế nào?

Ông Cao Văn Cường: Hiểu rõ được tầm quan trọng, bảo vệ môi trường gắn liền với chiến lược tăng trưởng xanh bền vững của quốc gia. Công tác tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi hội đàm, hội thảo, họp giao ban trực tuyến...qua đó, nội dung này sẽ dần được thấm nhuần vào tư duy của từng cán bộ, người dân.

Ngoài ra, chúng tôi xây dựng và triển khai kế hoạch kế hoạch hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2021, tỉnh Thanh Hóa”. Yêu cầu Chi cục Thủy sản phối hợp với đơn vị quan trắc môi trường lấy mẫu nước tại các vùng cửa sông, biển. Từ đó phân tích và thông báo các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến công tác nuôi trồng thủy sản cho các xã ven biển, các cơ sở nuôi trồng thủy sản biết để có phương án tổ chức sản xuất phù hợp, kịp thời.

Sở đã triển khai tuyên truyền trên hệ thống cổng thông tin điện tử, báo chí và rải tờ rơi xuống từng địa bàn dân cư. Tiến hành treo băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, poster; phát thanh truyền hình; tổ chức hơn 100 cuộc toạ đàm để phổ biến kiến thức.

PV: Kết quả đạt được ra sao, thưa ông?

Ông Cao Văn Cường: 42.490m cống rãnh được khơi thông; 47,47 tấn rác thải được xử lý. Trồng mới 6.292 cây xanh và dọn quang hơn 100.000m2 địa bàn công cộng, bãi biển.

Lực lượng Kiểm lâm đã triển khai thực hiện gần 100 cuộc tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 01 vụ vi phạm về vận chuyển trái phép động vật rừng, tịch thu và tiêu hủy 25kg sản phẩm động vật rừng (Lợn rừng), thu nộp ngân sách Nhà nước 10 triệu đồng.

PV: Sở có gặp khó khăn và vướng mắc gì trong quá trình triển khai những công tác vừa nêu?

Ông Cao Văn Cường: Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai công tác của các đơn vị phải tuân thủ quy định phòng chống dịch, chưa tổ chức được nhiều các buổi sinh hoạt chuyên đề dành riêng. Trước tình hình đó, Sở đã linh hoạt chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền.

Hoạt động bảo vệ môi trường cần những công tác triển khai đồng bộ để đạt được kết quả thực tế nhưng phần kinh phí còn eo hẹp nên chưa bố trí được nhiều cho nội dung này.

Sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn nhiều nơi còn mang tính chất tập tục, tự phát. Chưa ý thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường nên còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng xã, từng thôn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất những chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm.

Môi trường - Phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Hình 2).

PV: Các doanh nghiệp, nhà máy thường có quy mô sản xuất lớn và liên tục, rất dễ gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường. Sở đã có biện pháp cụ thể gì nhằm ngăn chặn những vi phạm?

Ông Cao Văn Cường: Muốn giữ gìn được môi trường, lực lượng này phải là lực lượng tiên phong nên chúng tôi đã tăng cường xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về phân bón tại các địa phương. Đồng thời kết hợp với các công ty phân bón, thuốc BVTV…tổ chức hội thảo cho người dân về sử dụng phân bón, thuốc BVTV đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.

Song song với đó là cơ chế khích lệ, động viên kịp thời các cá nhân, tổ chức có kiến nghị, giải pháp khoa học- công nghệ mang tính chất đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh, bền vững.

PV: Nhưng vẫn có những trường hợp vi phạm, Sở NN-PTNT tỉnh có dự kiến ban hành các quy định mang tính chất mệnh lệnh hành chính bắt buộc?

Ông Cao Văn Cường: Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, tinh thần là không có vùng cấm. Về chế tài pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trước mắt, chúng tôi sẽ vận dụng linh hoạt và sáng tạo các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (hiệu lực từ ngày 01/1/2022), các Nghị định và Thông tư hướng dẫn để tránh việc ra những quy định “con”, vô tình gây khó cho người dân và doanh nghiệp.

Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ căn cứ chức năng nhiệm vụ và các quy định hiện hành, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện.

PV: Xin cám ơn ông!

Theo Người Đưa Tin