Họ kết hôn đã được hơn 20 năm. Trừ những năm đầu tiên say mật ngọt tình yêu, những năm sau đó, cuộc sống hôn nhân của họ chỉ toàn là cãi vã. Mà lý do cũng chỉ xuất phát từ những chuyện vụn vặt, không đầu không đuôi, chẳng ai chịu nhường ai. Thế là họ cãi nhau tối ngày sáng đêm, năm này qua tháng nọ.
Tình yêu họ dành cho nhau sâu đậm lắm. Lúc nào cũng quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, nhưng chỉ có điều mỗi người đều bảo thủ, cố giữ quan điểm, không chịu nhường nhịn nhau nên dẫn đến tranh cãi liên tục.
Suốt 20 năm trời sống trong mâu thuẫn triền miên, đến tuổi trung niên, họ quyết định ly hôn để mỗi người được sống cuộc sống thoải mái, tự do, không phải nặng đầu vì cãi vã linh tinh nữa. Thủ tục xong xuôi, họ chính thức không còn là vợ chồng nữa. Tuy vậy, ông vẫn muốn mời bà đi ăn tối, một bữa tối thân mật cuối cùng của cả hai.
Cũng chẳng có hận thù, hiềm khích gì, bà nhanh chóng đồng ý và cùng ông đến nhà hàng quen để thưởng thức bữa tối.
Đến nhà hàng, thức ăn được dọn ra, ông nhẹ nhàng gắp một miếng cá to vào chén của bà rồi từ tốn bảo: “Em ăn đi, em thích nhất món cá nấu giấm mà”. Cứ ngỡ bà sẽ cảm động vì hành động của ông, nhưng bà lại khóc và nói: “Anh vẫn vậy, tự quyết định mọi thứ, luôn cho mình đúng, không quan tâm đến ý kiến và cảm xúc của em. Mình ở với nhau hơn 20 năm, em ghét nhất cá nấu giấm mà anh cũng không biết hả?”.
“Đây là tấm lòng của anh. Em vẫn không cảm nhận được tấm lòng của anh hả? Lúc nào anh cũng quan tâm đến việc khiến em vui. Anh luôn lấy điều mình thích nhất để dành cho em, em không hiểu sao? Anh thích ăn món này nhất đấy”, ông nghẹn ngào giãi bày với bà.
Dùng bữa tối xong, ông và bà chia tay nhau. Họ giao ước trong vòng một tháng, không được gọi điện hay dùng bất kì cách thức liên lạc nào khác với đối phương. Vậy là đôi người đôi ngả…
Đi chưa được bao xa, bỗng ông thấy số máy bà gọi đến nhưng nhớ đến lời giao ước, ông do dự một lúc rồi không nghe máy. Về đến nhà, suy nghĩ về mọi chuyện, nhớ về cuộc điện thoại của bà, trong lòng ông xuất hiện bao cảm xúc lạ. Cứ bồi hồi, nuối tiếc, đau đớn và có chút gì đó xót xa, bất an.
Trăn trở mãi không ngủ được, ông quyết định nhấc máy gọi cho bà. Điện thoại đổ chuông mãi mà chẳng ai nghe máy. Nghĩ bụng bà đã ngủ, ông định tắt máy nhưng chợt đầu dây có tiếng đàn ông vang lên: “Alo”. Lòng xót xa nghĩ đến cảnh bà vừa chia tay ông đã có người khác ngay, ông định cúp máy nhưng người đàn ông kia đã níu ông lại: “Anh là chồng của cô này à? Trên điện thoại hiện chữ ông xã này”.
“Vâng. Tôi là chồng cô ấy. Anh là ai?”, ông bối rối trả lời. “Tôi là bác sĩ. Vợ anh bị tai nạn, đang được cấp cứu. Anh đến bệnh viện ngay đi”. Chẳng đợi bác sĩ nói hết câu, ông lập tức lao đến bệnh viện, lòng như bị lửa đốt.
Hóa ra sau khi hai người chia tay nhau, bà đi trên đường như người mất hồn, không để ý đến xung quanh nên đã bị một chiếc ô tô đụng phải. Trước khi ngất xỉu và rơi vào trạng thái hôn mê, bà cố lấy điện thoại gọi cho ông nhưng ông lại không nghe máy. Trong ông lúc này chỉ tràn ngập nỗi ân hận, tự trách bản thân và liên tục cầu nguyện mong bà bình an, vượt qua được nguy hiểm.
“Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vợ anh bị thương quá nặng, có thể không qua khỏi sáng mai. Anh có thể đến thăm lần cuối, trò chuyện với vợ”, lời bác sĩ chia sẻ đã chấm dứt mọi hy vọng trong ông. Ông không thể ngờ rằng người phụ nữ ông yêu thương cả đời lại có kết thúc đau đớn như vậy.
Lê từng bước chân nặng nhọc vào phòng bệnh, ông đau đớn nhìn thấy bà bị quấn đầy băng gạc, chỉ thấy được mắt và miệng của bà mà thôi. Ông bật khóc nức nở, miệng không ngừng nóii: “Anh xin lỗi, anh xin lỗi”. Và bà cũng khóc, hai hàng nước mắt đã thấm ướt băng gạc quấn trên mặt bà.
Nhìn thấy bà muốn nói gì, ông kê sát tai vào miệng bà, lặng nghe những lời thều thào yếu ớt: “Em… gọi cho anh… muốn nói… trong tủ lạnh có bánh bao… két sắt có sổ tiết kiệm… mật khẩu… sinh nhật anh… Em thích anh làm mì sợi, em… yêu…” rồi bà trút hơi thở cuối cùng. Ông khóc òa lên như một đứa trẻ, cứ thế ôm bà thật chặt và khóc…
Một tháng sau ngày bà mất, ông mới dám mở két sắt lấy quyển sổ tiết kiệm ra. Mở quyển sổ, một tờ giấy rơi ra: “Chồng yêu. Khi anh thấy quyển sổ này thì mình đã không còn gặp nhau nữa. Cho dù chúng ta có ra sao, em chỉ muốn anh biết tình yêu em dành cho anh chưa bao giờ thay đổi. Cả đời này em chỉ muốn chăm sóc anh thôi. Giờ em không thể thì số tiền này sẽ thay em chăm sóc anh. Em sẽ luôn dõi theo anh”.
Một lần nữa, ông lại cảm thấy hối hận khi nghĩ đến 20 năm chung sống với bà. Ông yêu nhưng chẳng bày tỏ, cứ cho rằng vợ chồng thì không cần bày vẽ. Ông yêu bà nhưng lại để cái tôi quá lớn che mờ mắt, khiến họ bao lần cãi vã, khiến bà phải khóc trong tủi thân.
Phật dạy 3 yếu tố giữ nhân duyên vợ chồng vững bền truyền kiếp
Vợ chồng muốn bên nhau hạnh phúc suốt đời, suốt kiếp, hãy nhớ 3 điều này:
1. Trong quá trình chính thức là vợ chồng của nhau, hai người phải chung thuỷ với nhau.
2. Một trong hai người chết trước thì trước khi chết phải cam kết là “Tôi sẽ chờ đợi anh (em)” và điều đó sẽ được khắc sâu ở trong tâm của người này.
3. Người đi sau phải tiếp tục giữ sự độc thân và cam kết là phải đi tìm gặp người đang chờ mình.
Theo Phật giáo giảng, để có thể trở thành vợ chồng kiếp này của nhau, cả hai đều phải có duyên tiền định, tức là có mối quan hệ nhân duyên từ các đời trước trong sự tái sinh luân hồi của con người.
Duyên nợ vợ chồng kiếp này có được nhờ mối quan hệ nhân quả từ các đời trước mang đến cho đời này.
Trong đạo Phật thì các kiếp trước và kiếp này là một chuỗi thời gian có liên hệ đến nhau, đó là sự hoán đổi liên tục từ cảnh giới này sang cảnh giới khác đi kèm với đức và nghiệp của mỗi người.
Điều này được giải thích từ việc con người ta sinh ra ai cũng mang theo một lượng đức và nghiệp nhất định, lượng đức và nghiệp này được tích lại do những hành động của mỗi người trong các đời trước.
Nếu vợ chồng bạn sống bình yên bên nhau, hẳn là các kiếp trước hai bạn có thiện duyên với nhau, người này đã làm những việc tốt cho người kia và ngược lại.
Nếu vợ chồng bạn đời này thường xuyên xung đột với nhau, người chồng hay lấn át, bắt nạt vợ hoặc ngược lại, thì đó là do trong kiếp trước một trong hai bạn đã gây ác duyên với người kia, và đến kiếp này thì hoán đổi lại.
Người xưa có câu "đức năng thắng số", do đó, hãy dùng tất cả thiện tâm của mình để đối đãi với vợ/chồng. Có như vậy, duyên vợ chồng mới vững bền trọn kiếp và tạo ra lương duyên.
Min (TH)/Khoevadep