Cảnh nóng và bạo lực đang tràn lan màn ảnh Việt (Ảnh: Fanpage phim)
Đề tài nhạy cảm, không thiếu cảnh "nóng"
Gần đây, khán giả xôn xao với bộ phim "Quỳnh búp bê", một bộ phim khai thác đề tài mại dâm và nạn buôn bán phụ nữ. "Quỳnh búp bê" kể về một cô gái bị bắt đem bán lạc vào "động quỷ" với đầy rẫy những "sự thật" về vấn nạn nhức nhối này. Vốn khai thác đề tài nhạy cảm, ngay từ những tập đầu, những cảnh nóng, bạo lực dã man tràn ngập màn ảnh. Đây cũng là bộ phim Việt đầu tiên gắn mác 18+ được phát trên Đài truyền hình Việt Nam, phát sóng vào khung giờ vàng.
Trước đó, bộ phim đình đám "Người phán xử" cũng thu hút nhiều sự chú ý khi khai thác về cuộc sống của giới giang hồ, cùng với đó là cuộc chiến của những "ông trùm máu mặt", đầy rẫy những cảnh máu me, bạo lực.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng dường như những bộ phim này gây chú ý hơn hẳn những bộ phim cùng thời điểm. Bởi vậy, nó khiến nhiều người đặt câu hỏi, những cảnh nóng, cảnh bạo lực trong phim là cách lột tả chân thực những góc khuất hay chỉ là chiêu trò để thu hút sự chú ý?
"Táo bạo" nên hay không?
Người phản đối, người lại gật gù khen ngợi phim Việt đã thoát ra khỏi vùng an toàn cũ kĩ. Sau nhiều tranh cãi, bộ phim bị gắn mác 18+ khi chiếu trên VTV.
Chia sẻ với Lao Động, diễn viên Thanh Hương (đóng vai Lan "gái làng chơi" trong "Quỳnh búp bê") cho rằng, những cảnh quay gây tranh cãi trong phim nhằm để khán giả có cái nhìn khách quan, chân thực về cuộc sống, bởi không phải lúc nào cũng chỉ có những điều tốt đẹp.
Về vấn đề này, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nhà Tâm lý học - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng: "Tôi đồng ý, nếu lạm dụng bạo lực, có xu hướng nhấm nháp khai thác sâu những phân cảnh rùng rợn đem lại cảm giác mạnh thì không được. Nhưng còn tùy vào dòng phim, những dòng phim phản ánh xã hội đen thì tỷ lệ màu sắc bạo lực, táo bạo phải nhiều, phim lãng mạn thì cắt bớt đi. Nó chính là công cụ thể hiện cho bộ phim.
Những cảnh bạo lực hợp lý, hãy xem nó là một phần của bộ phim, bởi vì đó là cách phản ánh chiều cạnh mặt trái đời sống của thế giới ngầm – một thế giới ngầm đểu giả".
Trong khi đó, chuyên gia tâm lí Trần Thành Nam lại bày tỏ quan điểm: "Khía cạnh đạo diễn khai thác bạo lực có thể muốn mang lại những điều chân thực của cuộc sống. Vì thế, có thể cách làm đó không sai nhưng mục tiêu của nghệ thuật phải hướng đến các giá trị nhân văn, gợi lên những điều tốt đẹp.
Nếu mục tiêu của sự táo bạo chỉ là câu khách thì đáng lên án. Cuối cùng, nếu các cảnh là cần thiết vì mục tiêu nghệ thuật thì cũng phải có khuyến cáo cha mẹ về nội dung không phù hợp với trẻ em".
Theo Nguyễn Linh – Thảo Anh/Lao Động