Phụ huynh bị tẩy chay vì không đóng quỹ: Học đường không phải “chiến trường” đo độ dày của ví

Mới đây, một nữ phụ huynh ở trường THPT Trương Định (Hà Nội) đã bị cho ra khỏi nhóm chat chung, bị cha mẹ học sinh khác lăng mạ, xúc phạm danh dự khi từ chối đóng khoản tiền tự nguyện trong buổi họp đầu năm khiến nhiều người phẫn nộ. Từ bao giờ chuyện tiền bạc đã len lỏi vào học đường và là thước đo cho tình người, sự quan tâm của bố mẹ cho con trẻ? Từ bao giờ các phụ huynh sẵn sàng móc hầu bao vung tiền có quyền nhục mạ người không cùng quan điểm ứng xử như họ?

Trong những ngày qua, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh xôn xao bàn tàn câu chuyện một người mẹ bị thóa mạ trong nhóm trao đổi chung của lớp do từ chối đóng khoản tiền tự nguyện do hội phụ huynh đưa ra. Người mẹ này có con trai đang học lớp 10 tại Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội.

Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội - nơi xảy ra việc phụ huynh tẩy chay nhau vì không đóng quỹ tự nguyện.

Trong buổi họp đầu năm, hội phụ huynh của lớp đề nghị các phụ huynh đóng 1,5 triệu đồng tiền quỹ mỗi em. Tuy nhiên, một số phụ huynh đã phản đối vì cho rằng số tiền này quá cao. Vì thế, hội đã đi đến thống nhất sẽ thu tiền quỹ là 700 nghìn đồng đồng.

Trong số các khoản được hội phụ huynh liệt kê, phụ huynh này cho rằng có những khoản không đúng với những tiêu chí dành cho học sinh của lớp như: Đại hội Đoàn, sinh hoạt dưới cờ,... Người mẹ này cũng đã xin giải trình nhưng không nhận được câu trả lời. Vì vậy, chị từ chối tham gia đóng góp vào quỹ này, mà chỉ đóng 237 nghìn đồng (bao gồm 100 nghìn đồng tiền photo và 137 nghìn đồng cho tiền sinh hoạt lớp). Hội phụ huynh cũng đã đồng ý trả lại cho chị 500 nghìn đồng.

Tuy nhiên, hôm sau khi đi học, con chị lại bị các bạn trêu chọc vì “chỉ đóng hơn 200 nghìn đồng tiền quỹ”. Phản ánh tới ban phụ huynh, chị yêu cầu nếu 137 nghìn đồng không để làm gì thì sẽ lấy lại.

Một số khoản thu của trường THPT Trương Định được phụ huynh chia sẻ.

Chị cũng từ chối các hoạt động tập thể dùng đến tiền quỹ không phải do nhà trường tổ chức.

Trước phản hồi này, phụ huynh nói trên đã bị xóa tên khỏi nhóm chung của lớp, đồng thời bị nhiều phụ huynh khác lăng mạ, mỉa mai: “Đừng biến mình thành con rắn độc lên mặt dạy đời ai”, “Hãy giữ cho con mình chút sĩ diện còn lại, đừng cướp mất tuổi thơ của chúng nó vì sự ngông cuồng của mình”, “Thật ghê tởm cho con người đó”,… Sự việc sau khi được đăng tải nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều.

Cho con đi học, ai cũng muốn con mình thành công. Câu “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” luôn đúng. Sự quan tâm, kính trọng và tỏ lòng biết ơn của phụ huynh, học sinh với thầy cô giáo chính là thước đo thành công của một nền giáo dục trọng đạo làm người.

Tuy nhiên, học đường không phải là “chiến trường” đo độ dày chiếc ví của các bậc phụ huynh.

Nhà trường cho các học sinh mặc đồng phục chính là để không phân biệt sang, hèn, giàu nghèo, không phân biệt và không có khoảng cách về tiền bạc trong môi trường giáo dục.

Ai dám chắc những người bỏ ra nhiều tiền sẽ có con thành tài hơn những người không đóng quỹ vì thấy nó vô lý?

Lâu nay, việc đóng học phí, các loại quỹ XYZ đầu năm học luôn là gánh nặng nan giải và nỗi niềm của các bậc phụ huynh, của cả xã hội. Tuy nhiên xử lý thế nào cho khéo không phải ai cũng làm được. Chuyện ồn ào này cũng làm nhiều người suy ngẫm.

Việc lạm thu ở trường học đã trở thành đề tài cho nhiều người bàn tán. Việc “tẩy chay” của số đông phụ huynh cho khoản tiền quỹ tự nguyện làm nhiều người thấy sợ hãi. Tại sao một em học sinh lớp 10 lại bị dè bỉu, mỉa mai vì mẹ của mình chỉ đóng hơn 200 nghìn đồng tiền quỹ? Chuyện tiền bạc, chuyện học phí là của người lớn, sao lại kéo nạn nhân vô tội vào chịu trận?

Sau khi những thông tin này lùm xùm trên mạng xã hội, Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng THPT Trương Định (Hoàng Mai - Hà Nội) có phát biểu: “Vừa là quản lý, vừa là người có con đi học, tôi luôn nói với phụ huynh việc ủng hộ phải hoàn toàn là tự nguyện, ai có 100 nghìn đồng thì ủng hộ, không có tiền thì ủng hộ sức người... Không có bất kỳ quy định bắt buộc phụ huynh phải đóng từng này, từng kia. Trong tập thể lớp, chỉ cần một phụ huynh không đồng ý, tuyệt đối không được thu. Hội phụ huynh không được phép thu tiền ủng hộ theo kiểu đa số thắng thiểu số”.

Vậy sao những phát biểu này, ông không nói trong buổi họp phụ huynh đầu năm, để tất cả cha mẹ học sinh nắm bắt được tinh thần của nhà trường, mà để đến khi chuyện vỡ lở, học sinh mỉa mai nhau, phụ huynh chế giễu, lăng mạ nhau, ông mới nói khiến cho hình ảnh nhà trường bị ảnh hưởng và phụ huynh bị tổn thương nghiêm trọng. Sao ông không nói sớm hơn?

Việc ông trả lời: Chỉ cần một phụ huynh không đồng ý thì tuyệt đối không được thu, nhưng vì sao hội phụ huynh lộng quyền hơn cả hiệu trưởng và vẫn tiến hành thu quỹ và làm “nhục” một phụ huynh không cùng quan điểm?

Nhiều phụ huynh thẳng thắn cho rằng, việc ban phụ huynh thu hay không thu quỹ phụ thuộc vào “luật ngầm” giữa nhà trường và họ. Thậm chí có ý kiến cho rằng, ban phụ huynh như một “công cụ” để tiến hành các phần việc mà nhà trường không nhúng tay vào.

Bởi thế, nếu một số giáo viên chủ nhiệm không “bật đèn xanh” thì ban phụ huynh nào dám thu những khoản như: Phí tổ chức Đại hội Đoàn, sinh hoạt dưới cờ... Do đó, sự việc ồn ào vừa qua ở trường Trương Định, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường không thể không liên quan.

Chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, mọi thông tin không thể giấu giếm được, chỉ cần vài phút là mọi chuyện có thể bị phơi bày và hàng triệu người biết. Vì thế ứng xử thế nào, nhất là ở học đường khiến nhiều người quan tâm. Trường học là nơi dạy chữ, học làm người, đừng biến nó thành “chiến trường đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” và dùng tiền làm thước đo người khác…

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!