Quá thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông bị xử lý thế nào?

Để không bị quá thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông, người vi phạm phải tiến hành nộp tiền phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông

Theo Điều 78 luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Như vậy, thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông để không bị phạt là 10 ngày.

Hiện nay, ngoài nộp phạt qua Kho bạc Nhà nước, người vi phạm có thể nộp phạt bằng nhiều hình thức khác.

Thứ nhất, nộp vi phạm giao thông trực tuyến bằng cách truy cập cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, nộp phạt tại chỗ cho cảnh sát giao thông.

Áp dụng đối với trường hợp người vi phạm giao thông bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (theo khoản 1 Điều 56 và khoản 1 Điều 57 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt.

Thứ ba, nộp phạt tại ngân hàng thương mại: Người vi phạm có thể nộp phạt cho một số ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt.

Thứ tư, nộp phạt tại bưu điện: Từ năm 2016, Chính phủ đã cho phép thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện.

Bị cưỡng chế nộp phạt nếu quá thời hạn

Nếu quá thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Biện pháp thứ nhất, khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm.

Biện pháp thứ hai, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Biện pháp thứ ba, thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Biện pháp thứ tư, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế được thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Chậm nộp phạt vi phạm giao thông bị phạt thế nào?

Ngoài việc bị cưỡng chế nộp phạt, người vi phạm còn bị phạt. Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Số tiền này đồng thời thu cùng số tiền nộp phạt.

Số tiền nộp phạt = Số tiền phạt chưa nộp + (Số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp)

Theo hướng dẫn tại Thông tư 153/2013/TT-BTC thì số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt.

Người điều khiển ô tô chậm nộp phạt thì xe không được đăng kiểm

Nếu xe ô tô không tiến hành nộp phạt vi phạm giao thông thì sẽ bị cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định và không thể thực hiện được kiểm định.

Cụ thể, theo hướng dẫn tại Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, đơn vị đăng kiểm không được kiểm định xe khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.

Hiện nay, mức phạt đối với xe ô tô quá hạn kiểm định khá cao, tối đa đến 16 triệu đồng nếu tổ chức quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng.