Quán cháo "rẻ như cho" giữa Sài Gòn, 20 năm không tăng giá: Khách ra vào tấp nập, tên gọi nghe rất thân thương

CTV
Quán cháo với cái tên “mời gọi” thực khách của vợ chồng ông Thái Công Minh (66 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kim Phượng (55 tuổi) tại quận 6, TP.HCM được nhiều người ghé đến vì có giá “rẻ nhất Sài Gòn”, mỗi tô cháo chỉ từ 1.000 đồng.

“Về đây em” là cái tên thân thương và quen thuộc đối với người dân sống trong con hẻm 221, đường Phan Văn Khỏe, phường 5, quận 6, TP. HCM. Cứ 16h - 21h hằng ngày, quán cháo “Về đây em” lại tấp nập xe ra vào. Thực khách của quán đa số là người dân sống xung quanh khu vực, có người là khách quen suốt 20 năm. Cũng có thực khách vì tò mò với cái tên “độc lạ” và mức giá “rẻ như cho” nên mới đến trải nghiệm.

"“Về đây em” nghe nó thân thuộc, như tiếng vợ gọi chồng, anh gọi em, giờ đặt tên quán rồi thì nó là tiếng gọi chung. Tôi thấy nó cũng hay hay, đọc cho nó tình cảm. Tiếng Việt mình nó có nhiều cái hay lắm", ông Minh lý giải về cái tên đặc biệt, và chia sẻ rằng đây là cái tên mà mình yêu thích, muốn đặt cho “đứa con” của mình từ lâu.

Tất cả đồ của quán đều do chính tay ông Minh thiết kế, được bài trí theo phong cách cũ xưa, ấm cúng. Quán cháo “Về đây em” nằm ở địa chỉ 221/10 đường Phan Văn Khỏe, Phường 5, Quận 6, TP.HCM.

Bà Phượng cho biết, thời điểm những ngày đầu mở quán, lượng khách hàng rất ít. Mỗi ngày hai vợ chồng chỉ bán được tổng cộng khoảng 50.000 đồng, mãi về sau khi nhiều người biết đến, thu nhập mới tăng lên 70.000 - 80.000 đồng/ngày. 20 năm trước, một tô cháo có giá 500 đồng, sau vì tờ mệnh giá 500 đồng không còn phổ biến, hai vợ chồng tăng lên 1.000 đồng/tô.

Một phần ăn của khách chỉ vỏn vẹn 6.000 đồng.

“Nếu mà ăn cháo tô 1.000 đồng thì người ta sẽ ăn được nhiều món khác. Ai thích ăn nhiều cháo thì ăn 2.000 đồng sẽ được một tô đầy. Cũng có người ăn được 3 tô 2.000 đồng là tổng cộng 6.000 đồng cháo”, ông Minh kể.

Các món ăn đa dạng ăn kèm cháo như kho quẹt, cá bống kho, tôm rang có giá dao động từ 3.000- 10.000 đồng/món

Cháo trắng 1.000 đồng được ông Minh nấu nhừ với độ đặc vừa phải, bán kèm với các món thức ăn khác như kho quẹt, cá bống kho tiêu, tôm rang, hột vịt muối, cải xá bấu xào,... có giá dao động từ 3.000 - 10.000 đồng/món. Ngoài ra, “Về đây em” còn bán các thức ăn vặt quen thuộc khác như mì tôm trẻ em, rong biển cháy tỏi, hột vịt lộn, nước sâm,...

Khách đến đây thích ăn nhiều nhất là cháo trắng với kho quẹt, món thứ hai là ruột vịt hoặc các loại khô cá nướng được lấy từ chợ Bình Điền. Đối với các loại khô có giá dao động từ 5.000 - 30.000 đồng tùy loại.

Hai vợ chồng ông bà chưa có ý định tăng giá cháo dù mọi nguyên liệu, đồ ăn đều đã tăng mạnh giữa thời “bão giá”.

Khi được hỏi về lý do tại sao tô cháo 1.000 đồng vẫn không tăng giữa thời “bão giá”, bà Phượng cho biết: “Mình bán nhiều thứ, mỗi thứ một ít, gom lại cũng đủ xoay sở trong nhà, đủ nuôi 2 đứa con. Mặt khác, quán bán rẻ là vì nhờ có mặt bằng nhà, mình không tốn tiền mướn, mọi thứ cũng hai vợ chồng tự tay làm hết, từ cái bảng hiệu cho tới đồ ăn, mình không đặt người ta làm vì không thích rập khuôn.

Hồi xưa kho quẹt này 3.000 đồng nhiều lắm, giờ bán ít lại hơn chút. Giá tăng thì mình bớt lại chút đỉnh, chứ không tăng giá”, bà Phượng cho biết đây đã là mức giá cố định và không có ý định tăng giá trong tương lai.

Hằng ngày, quán sẽ bán từ 16h đến khoảng 21h, nhưng thường 15h30 đã có khách tới ăn và tầm 20h là vắng khách. Với những ngày mưa hay ngày Tết lượt khách sẽ ít hơn. Mỗi ngày, ông Minh sẽ nấu khoảng 4kg gạo thành cháo để bán cho khách.

Cứ độ 16h chiều mỗi ngày, “Về đây em” luôn tấp nập khách đến ăn.

Khách hàng đa số là học sinh, sinh viên hay những người lao động nghèo. “Về đây em” cũng không bán thêm bia hay kinh doanh theo mô hình quán nhậu.

Cầm cuốn sổ ghi lại thông tin các mạnh thường quân góp tiền, góp gạo trên tay, ông Minh hào hứng nói: “Mình nghĩ sao mình bán vậy thôi, vừa bán vừa cho cháo, tôi thấy có nhiều người nghèo tội nghiệp. Lâu lâu cũng có các nhà hảo tâm đến cho gạo với cho tiền, vì biết tôi ở khu này nên rành, thế là họ nhờ tôi nấu cháo để cho mấy người bán vé số”.

Cuốn sổ “Thiện - Tâm - Nhân” ghi lại thông tin mạnh thường quân góp gạo, góp tiền được ông Minh ghi chép cẩn thận

Anh Thiện, một khách quen thường xuyên ăn, nhà ở đối diện cho biết: “Mình ở đối diện, cứ ngày nào thèm là ra đây ăn, món mà mình thích nhất là ruột vịt có giá 6.000 đồng. Ăn riết rồi quen, cứ chiều là thèm”.

“Chồng là dân gốc ở đây, còn tôi ở Sa Đéc. Cưới chồng lúc ổng 42 tuổi. Lúc chưa mở quán thì tôi đi làm mướn, có mấy chục nghìn một ngày, còn ổng làm phụ hồ. Tại vì mình nghèo, nên bán đại thôi. Hồi đó má tôi đâu có chịu gả nhưng mình cứ ưng đại, sướng khổ mình chịu. Từ ngày bị tai biến đến giờ tay chân cũng yếu, nên làm ít hơn hồi xưa”, bà Phượng nhớ lại những ngày đầu khi gặp chồng và quyết định mở quán.

Với niềm vui giản đơn vì được gặp gỡ nhiều người khách, niềm vui đến từ việc lao động, cứ độ 15h30 chiều, “Về đây em” lại bắt đầu tấp nập người ra vào. “Bán cho nhiều người ăn no, giá rẻ, rồi họ ngồi đây nói chuyện qua lại, chọc ghẹo mình là mình thấy vui rồi. Người ta ăn thấy cái nào dở thì mình làm lại, mình cũng nêm nếm có đều đâu. Quán của mình nên thời gian cũng linh động, khỏe hơn là đi làm mướn. Nào mệt quá thì nghỉ một hai hôm, vậy đó”, ông Minh cười.