Quy định mới về phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm xe cơ giới

Thông tư 67/2023/TT-BTC đã có quy định mới về phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm đối với bảo hiểm xe cơ giới.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Nghị định 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, quy định mới về phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm đối với bảo hiểm xe cơ giới.

Phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm đối với bảo hiểm xe cơ giới

Điều 25 Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn về phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm đối với bảo hiểm xe cơ giới.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chủ động áp dụng phương pháp tính phí bảo hiểm xe cơ giới phù hợp, bảo đảm đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau:

Phí bảo hiểm được xây dựng bảo đảm tuân thủ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Phí bảo hiểm bao gồm phí bảo hiểm thuần, các chi phí triển khai sản phẩm và lợi nhuận dự kiến. Phí bảo hiểm thuần, các chi phí triển khai sản phẩm bảo hiểm và lợi nhuận dự kiến được xây dựng theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 25 Thông tư 67/2023/TT-BTC.

Áp dụng các yếu tố liên quan đến rủi ro sau đây làm cơ sở tính phí bảo hiểm, bao gồm: Loại xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; Mục đích kinh doanh (xe kinh doanh, xe không kinh doanh); Mục đích sử dụng xe cơ giới (xe chở người, xe chở hàng, xe chuyên dùng); Năm sản xuất của xe cơ giới.

Trường hợp áp dụng bổ sung các yếu tố liên quan đến rủi ro khác ngoài các yếu tố nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bảo đảm có số liệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Thông tư 67/2023/TT-BTC.

Thực hiện đăng ký cụ thể các trường hợp và căn cứ tăng, giảm phí bảo hiểm.

Việc tăng phí bảo hiểm phải căn cứ trên các yếu tố làm tăng rủi ro được bảo hiểm.

Việc giảm phí bảo hiểm phải bảo đảm trong mọi trường hợp phí bảo hiểm sau khi giảm phí không thấp hơn phí bảo hiểm thuần và căn cứ trên một hoặc một số các yếu tố làm giảm, phân tán, chia sẻ rủi ro hoặc giảm chi phí triển khai sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, bao gồm quy mô số phương tiện được bảo hiểm, lựa chọn mức khấu trừ, mức miễn thường, lịch sử bồi thường, hình thức phân phối sản phẩm và các yếu tố khác (nếu có), trường hợp giảm phí bảo hiểm do bán hàng trực tiếp, mức phí bảo hiểm được giảm không vượt quá tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 51 Thông tư 67/2023/TT-BTC;

Phí bảo hiểm của các điều khoản bảo hiểm bổ sung bảo đảm tương ứng với điều kiện, trách nhiệm bảo hiểm; trường hợp điều khoản bổ sung mở rộng phạm vi bảo hiểm thì phải tăng phí bảo hiểm, trường hợp điều khoản thu hẹp phạm vi bảo hiểm thì phải giảm phí bảo hiểm nhưng trong mọi trường hợp không được giảm hơn phí thuần.

Phí bảo hiểm thuần là mức phí bảo hiểm nhằm bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với bên mua bảo hiểm, tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài xây dựng phí bảo hiểm thuần cho thời hạn bảo hiểm 1 năm của sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu sau:

Phí bảo hiểm thuần được xác định trên số liệu thống kê thực tế triển khai của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bảo đảm tính quy mô và liên tục theo chuỗi thời gian tối thiểu trong 5 năm liên tiếp.

Trường hợp số liệu thống kê không bảo đảm tính quy mô và liên tục, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể sử dụng các nguồn sau: Phí bảo hiểm thuần do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố; Số liệu thống kê công khai, chính thức do các tổ chức có thẩm quyền trong nước công bố để xác định phí bảo hiểm thuần; Phí bảo hiểm thuần do công ty mẹ hoặc doanh nghiệp tái bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm cung cấp; trong trường hợp này doanh nghiệp, tổ chức tái bảo hiểm phải được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s hoặc Fitch, “B++” theo A.M.Best, “Baal” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm nộp hồ sơ đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm và phải có kinh nghiệm khai thác tái bảo hiểm đối với loại rủi ro này tại thị trường Việt Nam hoặc Châu Á.

Trường hợp có điều chỉnh phí bảo hiểm thuần của nhà tái bảo hiểm nước ngoài (tăng hoặc giảm), doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải có giải trình lý do.

Việc sử dụng phí bảo hiểm thuần do các doanh nghiệp, tổ chức tái bảo hiểm cung cấp phải bảo đảm phù hợp với các quyền lợi bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dự kiến cung cấp tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm.

Phí bảo hiểm thuần được xác định cụ thể cho từng rủi ro hoặc cho một số rủi ro sau đây: đâm, va (bao gồm cả va chạm vào vật thể khác); lật, đổ, chìm, rơi; bị các vật thể khác rơi vào; cháy, nổ; thiên tai; mất cắp; và các rủi ro khác (nếu có).

Phí bảo hiểm thuần ngắn hạn (dưới 01 năm) hoặc dài hạn (trên 01 năm) được xác định trên cơ sở phí bảo hiểm thuần cho thời hạn bảo hiểm 01 năm và phải có giải trình về các giả định phân bổ rủi ro tương ứng với thời hạn bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bảo đảm các giả định về chi phí và lợi nhuận tính vào phí bảo hiểm không vượt quá 50% phí bảo hiểm.

Tài liệu giải trình phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 67/2023/TT-BTC.

Hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng

Theo Điều 5 Thông tư 67/2023/TT-BTC thì hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng bao gồm:

Cổng/Trang thông tin điện tử với tên miền đã đăng ký theo quy định pháp luật hiện hành, website thương mại điện tử bán hàng hoặc các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép bên sử dụng dịch vụ hoặc bên mua bảo hiểm truy cập vào Cổng/Trang thông tin điện tử, website thương mại điện tử bán hàng;

Hoặc các ứng dụng cài đặt trên Cổng/Trang thông tin điện tử, website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng thương mại điện tử do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thiết lập để phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng.

Cổng/Trang thông tin điện tử với tên miền đã đăng ký theo quy định pháp luật hiện hành, website thương mại điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép bên sử dụng dịch vụ hoặc bên mua bảo hiểm truy cập vào Cổng/Trang thông tin điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử do doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm thiết lập để phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng.

Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

Tuệ Minh