Quy định về vạch kẻ đường mắt võng, tài xế cần biết tránh bị xử phạt

Hiện nay, vạch kẻ đường mắt võng rất phổ biến nhưng không phải tài xế nào cũng hiểu rõ ý nghĩa loại vạch này. Vậy, cách đi cho chuẩn khi gặp vạch mắt võng là gì?

Các loại vạch mắt võng

Căn cứ Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT về Báo hiệu đường bộ có giải thích vạch mắt võng là vạch kẻ đường được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Tùy theo sự cần thiết mà có thể sử dụng vạch kẻ kiểu mắt võng ở các vị trí thích hợp.

Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Cũng theo Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ thì vạch mắt võng được phân loại như sau:

- Vạch mắt võng kiểu đơn giản: gồm vạch chéo trong lòng hình chữ nhật, màu vàng, bề rộng nét vẽ 20 cm - 40 cm (xem minh họa trên Hình G.38 và G.39).

- Vạch mắt võng kiểu thông thường: vạch có nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng vạch 20 cm. Vạch mắt võng bên trong nghiêng 45° so với vành ngoài, vạch rộng 10 cm khoảng cách đường chéo 1 m - 5 m.

Gặp vạch kẻ mắt võng, đi như nào cho chuẩn?

Căn cứ khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Theo những quy định nêu trên, khi thấy vạch kẻ mắt võng, người điều khiển phương tiện giao thông không được dừng lại trong vạch này.

Tuy nhiên, việc đi qua vạch mắt võng chia thành những trường hợp sau:

- Vạch mắt võng không đi cùng mũi tên chỉ hướng:

+ Nếu đèn tín hiệu xanh, lái xe đi thẳng qua vạch mắt vòng thì không vi phạm luật;

+ Nếu gặp đèn đỏ mà lái xe dừng tại vạch mắt võng thì xem là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường;

- Trên vạch kẻ mắt võng là mũi tên xác định hướng phải đi:

+ Những người đi theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua;

+ Những người đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên vẫn sai luật.

Ví dụ: Mũi tên trên vạch mắt võng chỉ hướng rẽ phải. Nếu xe đi qua vạch kẻ mắt võng sau đó đi thẳng thì dù đèn xanh vẫn vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.

Lỗi không chấp hành hiệu lệnh của vạch mắt võng bị xử phạt thế nào?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức xử phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường của người điều khiển phương tiện giao thông như sau:

Phương tiện

Mức phạt tiền

Phạt bổ sung

Ô tô

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

(Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

(Điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Xe máy

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

(Điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

(Điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Máy kéo, xe máy chuyên dùng

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

(Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

(Điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Xe đạp

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

(Điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

 

 

Tuệ Minh/Người đưa tin