Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua (từ ngày 3/11 đến hết ngày 9/11) ghi nhận giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao.
Theo đó, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 2.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm 60 ca so với tuần trước đó (2.590/0).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là Hà Đông 186 ca, Thanh Oai 185 ca, Đống Đa (164), Quốc Oai (152), Thanh Xuân (139), Bắc Từ Liêm (129) và Chương Mỹ (121).
Số ổ dịch ghi nhận trong tuần là 79 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã; giảm 28 ổ dịch so với tuần trước (107 ổ dịch). Trong đó, Đống Đa 12 ổ dịch; Hai Bà Trưng 10 ổ dịch; Bắc Từ Liêm 7 ổ dịch; Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín 6 ổ dịch; Chương Mỹ, Hoàn Kiếm 4 ổ dịch…
Tính từ đầu năm 2023 đến hết ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận 31.013 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó có 4 ca tử vong); bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; tổng số ổ dịch là 1.757, hiện còn 176 ổ dịch chưa kết thúc hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã.
Trước số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng mặc dù sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm do thời tiết chuyển mùa, lạnh nhưng người dân không nên chủ quan.
“Hiện là thời điểm thời tiết không ủng hộ muỗi hoạt động, dịch tự nhiên sẽ giảm và hết. Tuy nhiên, tôi cho rằng người dân không nên lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác không đề phòng sốt xuất huyết”, BS.Thiệu nói.
Theo vị bác sĩ, mặc dù hiện nay thời tiết lạnh hơn, muỗi ít hơn nhưng khi đi ngủ vẫn cần phải mắc màn và thực hiện các biện pháp chống muỗi theo khuyến cáo.
Ngoài ra, không ít trường hợp người mắc sốt xuất huyết thường tự ý truyền dịch tại nhà, BS.Thiệu khuyến cáo người bệnh không tự ý truyền dịch tại nhà.
Giữa tháng 9/2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị cho một số bệnh nhân sốt xuất huyết rất nặng. Trong đó, có trường hợp nữ bệnh nhân 32 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội bị sốt xuất huyết Dengue nhập viện trong tình trạng tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp. Kết quả chiếu chụp phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều. Trước đó, bệnh nhân truyền dịch trong 3 ngày đầu.
Xét nghiệm máu có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao hơn 8000U/L. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, để xác định người bệnh có bị biến chứng cô đặc máu hay không, cần phải vào viện kiểm tra mới có thể biết chính xác.
Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị kịp thời.
“Đặc biệt, không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. Cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch”, BS.Thiệu chia sẻ.
Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước do Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế nêu rõ giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng như: Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.
Có thể có các biểu hiện sau:
Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan. Vật vã, lừ đừ, li bì. Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau. Nôn ói.
Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ).
Xuất huyết ( Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím;
Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu;
Xuất huyết nặng: Chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận)...)
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não.
Theo Bộ Y tế, phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Cần xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).
Hoàng Thị Bích