Sản lượng khách quốc tế qua đường hàng không tăng gần 500%: Thị trường du lịch đang đà bứt phá

Mới đây, Quốc hội thông qua việc nâng thời hạn visa lên 90 ngày, đây là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Khách quốc tế qua đường hàng không tăng gần 500% trong 6 tháng đầu năm

Dân Việt dẫn nguồn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng vận chuyển/khai thác về chuyến bay và hành khách tại các cảng hàng không trong 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận sự hồi phục tốt, đặc biệt đối với thị trường quốc tế.

Cụ thể, sản lượng hạ cất cánh đạt 364.894 lượt/chuyến, chiếm 47% kế hoạch năm 2023, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng hành khách đạt 56.891.590 khách, chiếm 48,2% kế hoạch năm 2023, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, hành khách quốc tế đạt 14.492.730 khách, chiếm 45,3% kế hoạch năm, tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022. Hành khách trong nước đạt 42.398.861 khách, chiếm 49,3% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ 2022.

Sản lượng hàng hóa, bưu kiện đạt 576.467 tấn, chiếm 42,6% kế hoạch năm, giảm 20,8% so với cùng kỳ 2022.

Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt đánh giá 6 tháng đầu năm 2023, thị trường hàng không đã có sự phục hồi tốt, nhất là đối với sản lượng hành khách quốc tế tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Sự hồi phục này là do chính sách mở cửa của các quốc gia, trong đó có hồi phục của thị trường Đông Bắc Á. Trong khi đó, sản lượng hành khách trong nước chỉ tăng 2% so với cùng kỳ 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không đã được nâng cao rõ rệt. Đán chú ý, các cảng hàng không nhất là các cảng hàng không quốc tế lớn như Tân Sơn Nhất tại các đợt cao điểm tình trạng ùn tắc đã được cải thiện rõ rệt nhờ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc điều phối hoạt động khai thác.

Thời gian tới, lãnh đạo ACV yêu cầu các cảng hàng không, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác khai thác đợt cao điểm hè 2023; bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ; bố trí, sắp xếp nhân lực và động viên người lao động hoàn thành tốt công tác đảm bảo khai thác.

Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, dù mới đầu mùa hè, lượng hành khách đến/đi đã tăng đột biến. Cụ thể, ngày từ ngày 1/6-13/6, tần suất bay của các hãng tại sân bay Tân Sơn Nhất đạt 734 chuyến/ngày (tăng 6% so với tháng 5). Sản lượng hành khách đạt 120.187 khách/ngày (tăng 10% so với tháng 5). Trong đó, khách quốc tế cũng chiếm tỉ lệ lớn.

Kinh tế vĩ mô - Sản lượng khách quốc tế qua đường hàng không tăng gần 500%: Thị trường du lịch đang đà bứt phá

Việt Nam thu hút khách quốc tế. Ảnh minh họa.

Tạo đà phát triển du lịch Việt Nam năm 2023

Mới đây, Quốc hội chốt nâng thời hạn visa lên 90 ngày. Cụ thể, thời hạn visa được nâng từ 30 lên 90 ngày và thời hạn tạm trú với người nhập cảnh diện đơn phương miễn thị thực được nâng từ 15 lên 45 ngày. Luật có hiệu lực từ 15/8/2023.

Theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế.

Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.

Thông tin trên báo Quân Đội Nhân Dân, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2023 ước đạt 916,3 nghìn lượt người; giảm 6,9% so với tháng trước và gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 650.000 tỷ đồng. Trong bốn tháng đầu năm, du lịch Việt đã đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế (đạt 46% mục tiêu đề ra). Các thị trường có lượng khách tăng trưởng tốt trong năm 2023 bao gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Campuchia, Anh, Đức... Để bức tranh tổng thể về triển vọng năm 2023 mang màu sắc tươi sáng, ngành du lịch cần sự nỗ lực đồng bộ từ các bộ, ban, ngành cho đến doanh nghiệp trong cuộc đua hút khách quốc tế trở lại, giữ chân khách nội địa và tăng doanh thu. Bằng những thế mạnh sẵn có, chiến lược phát triển dài hạn và bền vững, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu năm 2023, thậm chí vượt xa con số 8 triệu lượt khách quốc tế cũng như 102 triệu lượt khách nội địa.

Đặc biệt, trong tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GDP. Lượng khách du lịch tăng hàng năm, kéo theo nhu cầu về nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí biến thiên tương ứng. Cơ hội mở ra cho các tập đoàn lớn, để biến các điểm đến thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí của khu vực, ghi dấu ấn du lịch Việt Nam trên thế giới. 

Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải ghen tị. Điển hình, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng liên kết nội tỉnh, liên tỉnh, nội vùng, liên vùng và mở rộng kết nối quốc tế; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, là dư địa lớn để phát triển nhân lực du lịch.

Đất nước có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông (đường bờ biển trải dài hơn 3,2 nghìn km với nhiều bãi biển đẹp; hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều sông lớn; nhiều hang động, đặc biệt Hang Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới; 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới…).

Việt Nam có 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 3 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước.

Việt Nam có 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú, đặc sắc riêng, hòa quyện thành một dân tộc Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử quý báu-yêu nước, yêu chuộng hòa bình, hiền hậu, mến khách, đoàn kết, cần cù, chăm chỉ, linh hoạt, sáng tạo, khát khao làm giàu cho quê hương đất nước.

Trúc Chi (t/h)