Từ cú chặn IPO của Ant Group
Tháng 11 vừa qua, thời điểm Ant Group đang phất lên như diều và dự kiến có đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) trị giá 37 tỷ USD, công ty này bất ngờ bị chính quyền chặn cửa.
Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong ngày 3/11 tuyên bố tạm hoãn đợt phát hành IPO của Ant Group. Ngay sau đó, giá cổ phiếu hãng thương mại điện tử Alibaba, công ty nắm cổ phần 33% tại Ant, sụt hơn 8% tại thị trường New York. Tài sản của tỷ phú Jack Ma cũng "bốc hơi" khoảng 3 tỷ USD.
Theo thông báo từ sàn giao dịch Thượng Hải, Ant Group đã báo cáo những vấn đề quan trọng, như thay đổi về môi trường pháp lý liên quan tới công nghệ tài chính. Điều này có thể dẫn tới việc Ant không đáp ứng được các tiêu chuẩn để niêm yết cổ phiếu hay công bố thông tin.
Thông báo được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Jack Ma, người đồng sáng lập Ant Group, cùng hai lãnh đạo cấp cao của tập đoàn, được triệu tập tham gia cuộc họp kín cùng 4 cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc, đứng đầu là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Tại cuộc gặp, nhóm lãnh đạo của Ant Group được thông báo rằng công ty của họ sẽ đối mặt với sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn và chịu ràng buộc về vốn cũng như đòn bẩy tương tự như các ngân hàng.
Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc cho rằng những thay đổi gần đây về quy chế giám sát có thể có "ảnh hưởng lớn" đến cấu trúc kinh doanh và mô hình lợi nhuận của Ant. Cơ quan này cũng lưu ý, việc đình chỉ vụ IPO của Ant là một động thái có trách nhiệm đối với cả nhà đầu tư và thị trường.
Trong khi đó, nhà phân tích Kevin Kwek của Alliance Bernstein đánh giá, việc IPO bị đình chỉ có ảnh hưởng tiêu cực nhưng không phải là dấu hiệu cho thấy mô hình kinh doanh của Ant có vấn đề, mà họ cần thêm thời gian để thay đổi cho phù hợp với các quy định pháp lý.
Phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải (24/10), Jack Ma nói rằng hệ thống giám sát của Trung Quốc đang gây trở ngại cho sự sáng tạo và cần phải cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.
Jack Ma nhận xét, các tổ chức cho vay truyền thống hoạt động giống như “tiệm cầm đồ”, vì các ngân hàng luôn yêu cầu phải có tài sản thế chấp trước khi cho vay. Ông đề xuất, trong tương lai, các quyết định cho vay nên được quyết định bằng phân tích dữ liệu lớn.
Siết chặt quản lý
Ant Group là những sản phẩm mang theo tham vọng của tỷ phú Jack Ma về việc tạo ra một "hệ sinh thái" vừa là nền tảng bán hàng, vừa cung cấp giải pháp thanh toán. Ant Group đã phát triển vượt trội hơn thế, trở thành một công ty cung cấp dịch vụ tài chính. Đây có thể là rắc rối lớn nhất cho chính họ.
Sự trỗi dậy của những công ty công nghệ tài chính như Ant Group đang làm thay đổi bức tranh tài chính - ngân hàng tại Trung Quốc, mà phần lớn lại gây khó khăn cho chính quyền Trung Quốc trong việc tái cấu trúc hệ thống tài chính.
Nhà phân tích Bob Murray cho rằng, mô hình kinh doanh của Ant Group khiến Bắc Kinh khó chịu vì lợi nhuận công ty gắn liền với khoản nợ tư nhân đang tăng cao, trong khi bản thân Ant Group thừa hưởng lợi thế từ chính sách quản lý lỏng lẻo vì họ không được định danh là một ngân hàng.
Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã tìm cách giải quyết những vấn đề trên từ lâu. Hồi đầu năm 2018, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã đình chỉ việc phê duyệt trò chơi điện tử mới vì lo ngại chúng chứa quá nhiều bạo lực và khiến trẻ em gặp vấn đề thị lực. Tencent cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động thái này.
Trong báo cáo ổn định tài chính năm 2018, PBoC cũng cảnh báo, việc điều tiết ngày càng trở nên khó khăn do các công ty nhanh chóng mở rộng tài chính thông qua các liên minh xuyên biên giới và cấu trúc doanh nghiệp ngày càng phức tạp thông qua các giao dịch kết nối và đầu tư vào các tổ chức tài chính hiện có.
Do vậy, nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực vá các lỗ hổng quy định và tăng cường duy trì sự ổn định khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế và gây ra các khoản nợ xấu chồng chất.
Để ngăn chặn rủi ro tràn lan và thúc đẩy lưu thông lành mạnh giữa nền kinh tế và ngành tài chính, PBoC sẽ áp đặt các quy định mới hoàn chỉnh, bền vững và triệt để hơn đối với các dòng tiền vốn. Theo đó, các công ty sẽ cần số vốn đăng ký ít nhất là 5 tỷ nhân dân tệ, chiếm 50% tổng số vốn đăng ký đã được kiểm soát.
Năm 2016, trong cuộc trao đổi với chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi đó là bà Christine Lagarde, Thống đốc Zhou Xiaochuan nhận định Ant Group là một kẻ cho vay ngầm với yêu cầu vốn “nhẹ nhàng” hơn các ngân hành truyền thống. “Sớm hay muộn chúng tôi sẽ nghiên cứu về vấn đề này để tạo cạnh tranh cân bằng hơn”, ông nói.
Trước các quy định mới chặt chẽ hơn, tại bản cáo bạch cho đợt IPO vào tháng trước, Ant có kế hoạch xin giấy phép nắm giữ tài chính thông qua Công ty Công nghệ mạng tín dụng tài chính Chiết Giang. Ant cũng xem xét đưa một số tổ chức tài chính vào hoạt động.
Fintech vào tầm ngắm
Vụ việc của Ant Group là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các nhà kinh doanh tư nhân Trung Quốc. Kể từ tháng 9, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát đối với các ông lớn ngành fintech.
Sau Ant, Tencent và Baidu buộc phải gỡ bỏ các ứng dụng cho phép người dùng so sánh mức lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng do giới chức nước này lo ngại dòng tiền chảy vào những ngân hàng nhỏ có thể khiến thị trường tài chính trở nên mất cân bằng.
PboC cho hay họ sẽ từng bước thiết lập hệ thống quy định quản lý công nghệ tài chính (fintech) và sẽ phát huy tối đa công nghệ này để tối ưu hóa dòng tín dụng, giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Tại Trung Quốc, các khoản cho vay do các ngân hàng mở rộng thông qua các nền tảng trực tuyến đạt 1.430 tỷ nhân dân tệ vào ngày 30/6, bằng 22% các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân không bao gồm các khoản vay thế chấp và thẻ tín dụng.
Theo một số quan chức Trung Quốc, biện pháp trên nhằm ngăn cản việc một công ty công nghệ tài chính thâu tóm quá nhiều thị phần. Bởi, trên thực tế, càng ôm trọn nhiều miếng bánh thị phần, các nền tảng sẽ càng khiến nền kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro nợ xấu tăng cao. Giới chức Trung Quốc thậm chí còn cân nhắc áp thuế kỹ thuật số đối với những công ty công nghệ nắm giữ lượng lớn dữ liệu cá nhân.
Sau tuyên bố trên của Ủy ban chứng khoán Trung Quốc, Ant ra tuyên bố rằng công ty cam kết "đón nhận" các quy chế giám sát. Sự ngạo mạn của Jack Ma giờ đã biến thành sự khiêm nhường.
Tỷ phú Jack Ma chia sẻ sẵn sàng làm những gì đất nước cần để cứu vãn mối quan hệ đang dần xấu đi với cơ quan chức năng, trong đó bao gồm cả việc quốc hữu hóa một phần đế chế tài chính Ant Group.
Mặc dù vậy, Jack Ma vẫn bày tỏ quan điểm: “Đổi mới luôn đi kèm với rủi ro. Sẽ không có đổi mới không rủi ro... Rủi ro lớn nhất là bạn cố gắng giảm thiểu rủi ro xuống 0”.