Vì sao có tái nhiễm Covid-19?
Tái dương tính là tình trạng người mắc Covid-19 có thời gian mang virus SARS-CoV-2 kéo dài. Một số người có thể mang virus kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này dù xét nghiệm dương tính vẫn nhưng đa số không còn khả năng gây lây truyền sau 2 tuần nhiễm virus.
Tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, sau đó lại nhiễm lại. Mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc-xin sẽ có miễn dịch bảo vệ khá lâu. Một số người có thể nồng độ kháng thể bảo vệ sẽ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ, những trường hợp tái nhiễm Covid-19 sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc-xin mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có thể có một số bệnh nhân có diễn biến nặng.
Đặc biệt trong trường hợp lần nhiễm sau do một biến chủng virus có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước nên kháng thể bảo vệ của lần nhiễm trước có hiệu quả bảo vệ thấp với chủng nhiễm sau.
Ngoài việc đã có những người lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron, trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận những trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.
Ai có nguy cơ tái nghiễm Covid-19 cao hơn?
Những người tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm cao hơn.
Xác suất tái nhiễm cũng có thể cao hơn ở những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên hơn so với những người sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân hiệu quả.
Người bệnh tái nhiễm là một lần nhiễm virus mới và phát bệnh. Do đó họ vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.
Tái nhiễm Covid-19 có nguy hiểm?
Những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có thể có một số bệnh nhân có diễn biến nặng. Đặc biệt các vấn đề hậu Covid-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm.
Theo Bộ Y tế, đến nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước được của virus SARS-CoV-2.
TS. Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: "Điều lạ ở virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm.
Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn".
Số ca Covid-19 tăng vọt
Có thể thấy số ca hai ngày trở lại đây đã tăng vọt, vượt mức: 2.000 ca/ ngày, tăng khoảng 45% so 1 ngày trước đó. Hôm qua 3/8 cũng là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong hơn 2 tháng qua. Có thể thấy Covid-19 đang có dấu hiệu phức tạp trở lại và Hà Nội hiện là địa phương chiếm tỉ lệ số ca mắc mới cao nhất khi trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 300 ca.
ThS.BS: Đào Hữu Thân, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội: "Không như các bệnh truyền nhiễm khác thì một người có thể nhiễm đi nhiễm lại Covid-19 nhiều lần. Biến thể BA.5 với khả năng lây lan mạnh hơn đã xuất hiện ở Việt Nam, đây là những yếu tố có thể kích hoạt lần sóng mới".
Vì sao biến thể mới của Covid-19 có thể khiến nhiều người tái nhiễm bệnh?
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc Covid-19 mới ghi nhận trong ngày đã tăng cao trở lại, với 1.000 - 1.800 ca liên tục từ 2 tuần nay, trong khi nhiều ngày trước đó số ca mắc trung bình 500 - 900 ca/ngày.
Tại miền Bắc, trong các tháng 1 - 6 có 69 - 100% ca mắc qua giám sát xét nghiệm được xác định do Omicron biến thể BA.1, BA.2; 3 ca nhiễm BA.5 đầu tiên ghi nhận trong tháng 6. Trong tháng 7, số ca mắc do Omicron vẫn chiếm 100%, nhưng đã ghi nhận thêm 6 ca nhiễm biến thể BA.5.
Theo chuyên gia dịch tễ, VN đã ghi nhận các ca mắc Covid-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron trong cộng đồng. Đây đều là những biến thể lây lan nhanh và có khả năng "né" miễn dịch. Nghĩa là những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
Đáng lưu ý, xét nghiệm giám sát mới nhất tại phía nam cho thấy trong số hơn 30 mẫu được giải trình tự gien thì biến thể phụ BA.4, BA.5 chiếm ưu thế; đồng thời phát hiện thêm biến thể phụ BA.2.12.1.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng do Bộ Y tế tổ chức hôm 21/7, đại diện Viện Pasteur Tp.HCM cho hay trong số hơn 30 mẫu được giải trình tự gien đã ghi nhận biến thể phụ BA.2, BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng thấp hơn BA.4, BA.5. Việc tăng tỷ lệ nhiễm BA.4 và BA.5 thường đi kèm với tăng số ca mắc mới. BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron. BA.4 và BA.5 có khả năng kháng với kháng thể vắc xin cao gấp 3 - 4 lần so với các biến thể cũ của Omicron. BA.2.12.1 tăng 1,8 lần khả năng kháng với kháng thể tạo ra từ vắc xin so với BA.2. Ở một số quốc gia, sự gia tăng ca bệnh cũng dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện, nhập ICU (hồi sức cấp cứu) và tử vong.
Tái nhiễm Covid-19 điều trị như thế nào?
Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu.
Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng.
Việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân.
Những người có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng (nếu có).
Những người không may có diễn biến nặng thì sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.
Phòng ngừa Covid-19
Các nhà khoa học cần thêm thời gian để nghiên cứu về SARS-CoV-2. Khi virus liên tục thay đổi với các biến chủng mới, nhiều nghiên cứu được thực hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng mọi thứ có thể diễn ra theo một trong hai cách: Tình trạng tái nhiễm tồi tệ hơn nhiều hoặc đạt đến mức độ mà chúng ta có khả năng miễn dịch suốt đời.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng mọi người vẫn nên tuân thủ các biện pháp an toàn để bảo vệ mình trước nguy cơ tái nhiễm. Điều quan trọng là phải tiêm phòng và tăng cường nếu bạn đủ điều kiện.
Khẩu trang vẫn là cần thiết, đặc biệt nếu bạn ở nơi công cộng, đông đúc. Tốt nhất là tránh tái nhiễm vì bạn có thể gặp các triệu chứng nhẹ nhưng vẫn không biết về những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đối với sức khỏe của cơ thể.
Triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 nhắc lại
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 Bộ Y tế vừa có văn bản mới nhất hướng dẫn về đối tượng tiêm, liều lượng tiêm, các mũi tiêm nhắc lại và loại vắc-xin Covid-19 cho người từ 5 tuổi trở lên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký công văn hướng dẫn tiêm vắc-xin Covid-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế liên tục cập nhật và ban hành các văn bản hướng dẫn tiêm vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng trên cơ sở hướng dẫn của nhà sản xuất, khuyến cáo của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.
Để thuận lợi trong quá trình tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng và trên cơ sở các hướng dẫn đã ban hành, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại - mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Khẩn trương tổ chức triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 mũi 4 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12 -17 tuổi .