SGK nhiều "sạn": Đề nghị bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng hơn

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, đại biểu các địa phương đã có những đề xuất mạnh mẽ để đổi mới căn bản và toàn diện.

Tập huấn sách giáo khoa quá ngắn dẫn đến “sạn”

Ngày 31/10, bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết: “Để hạn chế những vấn đề về sách giáo khoa trong thời gian qua, cũng như tạo sự đồng thuận trong nhận định, đánh giá chất lượng, tôi đề nghị bộ GD&ĐT quan tâm tới việc lấy ý kiến rộng hơn ngoài ý kiến của những giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giảng viên đại học và giáo viên trong hội đồng thẩm định của Bộ, cần quan tâm tới ý kiến của giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy trên lớp. Đây là kênh thông tin rất quan trọng từ thực tế giúp Bộ và hội đồng thẩm định có lựa chọn sát hơn.

Theo tôi, đây cũng là hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giáo viên đối với sách giáo khoa và đối với công tác truyền thông của ngành. Khi đội ngũ mình đã hiểu, đã rõ, nhận định đúng và đồng thuận, uy tín của ngành giáo dục được nâng lên, nhất là trước thông tin dư luận và báo chí”.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

“Việc tập huấn giáo viên, cá nhân tôi cho rằng, việc GD&ĐT giao cho nhà xuất bản phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng sách giáo khoa lớp 1 đối với sở GD&ĐT không quá 2 ngày là quá ngắn, chưa đủ thời gian để báo cáo viên và học viên kết nối, chia sẻ, tập trung sâu rộng cùng làm rõ ngữ liệu trong sách giáo khoa, tiếp cận và khai thác sách giáo khoa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngành giáo dục chậm phát hiện ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo khi đã được tập huấn, bồi dưỡng một cách khoa học, hợp lý về tham gia và chuẩn mực về phương pháp” - bà Thanh chia sẻ quan điểm.

Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long phân tích thêm: “Cá nhân tôi cho rằng, ngữ liệu sách đối với tiểu học phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, ý nghĩa giáo dục tường minh thì nội dung bài học sẽ ấn tượng hơn đối với học sinh, hình thành được những cảm xúc tích cực. Cứ như thế, tình yêu gia đình, cộng đồng lớn dần qua từng bài học. Đất nước mình có tinh thần đoàn kết vô cùng mạnh mẽ, trong những ngày qua, cả nước hướng về miền Trung ruột thịt bằng sư chia sẻ, yêu thương, tình cảm này bắt nguồn từ nhiều yếu tố nhưng trong đó có phần quan trọng của giáo dục trong việc bồi dưỡng tâm hồn nhân cách học sinh qua từng bài học giản dị.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy học sinh tiểu học hiện nay rất thông minh và có điều kiện tiếp cận thông tin, nếu bài học không rõ ràng và dễ hiểu, các em có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, dễ dẫn đến sai lệch trong nhận thức mà chúng ta không kiểm soát được".

Những ngữ liệu được lựa chọn và chuyển tải chưa phù hợp.

Cần đầu tư mạnh mẽ ở vùng khó

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ngành giáo dục cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục nhất là ở các vùng miền còn nhiều khó khăn.

“Đây là điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Câu chuyện về lễ khai giảng ở ngôi trường trên đỉnh núi đầy mây và gió ở vùng cao tỉnh Quảng Nam năm học 2019-2020 chỉ có 2 cô giáo và 34 học sinh, trong đó, có những em với khuôn mặt còn lấm lem và đôi chân trần là một câu chuyện rất xúc động. Đây không phải là hình ảnh đại diện cho tất cả ngôi trường trên Tổ quốc, nhưng cũng là hình ảnh đáng suy ngẫm để có nhà quản lý đầu tư mạnh mẽ, quan tâm hơn nữa đến điều kiện cơ sở vật chất. Bởi lẽ, khi điều kiện dạy học tốt thì thầy mới phát huy hết khả năng sáng tạo, trò phát huy trí thông minh để nắm bắt tri thức tiên tiến, chất lượng giáo dục mới nâng lên ngang tầm các nước trong khu vực” - bà Nguyễn Thị Quyên Thanh lý giải.

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - cũng đánh giá: “Hiện nay, không có các văn bản hướng dẫn về thực hiện định mức học sinh trên số nhân viên nuôi dưỡng, nguồn kinh phí để chi trả cho nhân viên. Ở các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú thì các chế độ chính sách cho giáo viên, người chăm sóc bán trú hiện nay còn bất cập. Ví dụ, hiện nay, theo quy định Nghị định 116 thì trường ban trú được hỗ trợ 5 định mức và người chăm sóc mà mỗi người tương đương với 50 học sinh, tức là tương đương với 250 học sinh bán trú, trong đó, tỉnh Yên Bái có những trường lên tới 800 học sinh bán trú thậm chí đông hơn. Chúng tôi phải dùng nguồn hỗ trợ của địa phương mà địa phương cũng chỉ 5 định mức, thì số vượt trội lên là không có cơ sở để hỗ trợ. Điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng chăm sóc bán trú.

Hiện nay, tôi nhận thấy định mức giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ trong các trường THPT có nhiều điểm bất hợp lý, nhất là khi chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, đối với các trường ở các vùng miền khác nhau, có điều kiện cơ sở vật chất khác nhau, mà áp dụng chung một định mức giáo viên thì tôi cho rằng không phù hợp”.

“Để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong giai đoạn tới, nhất là giáo dục, đào tạo ở đồng bào dân tộc thiểu số, tôi có 4 kiến nghị. Trước tiên, đề nghị Chính phủ và bộ GD&ĐT tổng kết đánh giá để điều chỉnh bổ sung chính sách với các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú theo hướng tích hợp các chính sách đã có và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Tiếp theo, quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở và vật chất của các trường thuộc vùng cao, vùng sâu vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng đồng bộ hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, áp dụng mô hình giáo dục thông minh mà một số địa phương đã áp dụng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục 2020.

Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh quy định về định mức giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có sự phân biệt giữa vùng thấp và vùng cao, giữa các cơ sở giáo dục đào tạo có điều kiện vật chất kỹ thuật khác nhau. Ví dụ, đã được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại thì định mức giáo viên sẽ khác với những trường chưa được đầu tư. Cuối cùng, đề nghị Bộ hướng dẫn, công nhận đạt chuẩn quốc gia với các trường mầm non và phổ thông có nhiều cấp học. Hiện nay, sau sắp xếp của chúng tôi, do có những địa bàn số lượng học sinh ít nên có những trường bao gồm cả 3 cấp học từ mầm non cho đến tiểu học và THCS, việc công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với loại hình các trường này thì Bộ chưa có hướng dẫn, khó khăn cho địa phương nhất là trong việc thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới” - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh.

“Cởi trói” cho tuyển dụng giáo viên

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng có những đề xuất liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên theo quy định về lộ trình đào tạo của Luật Giáo dục 2019.

“Theo thống kê của bộ GD&ĐT, cả nước thiếu trên 42.000 giáo viên đối với mầm non và trên 20.000 giáo viên tiểu học. Chính phủ đã có Nghị quyết 102 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là không có nguồn để tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc do áp dụng quy định điều kiện về trình độ chuẩn của giáo viên các cấp học theo Luật Giáo dục trong việc tuyển dụng, rất khó để thực hiện tốt chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp"”.

Do đó bà Thanh đề xuất bộ GD&ĐT nghiên cứu đề xuất việc tuyển dụng sinh viên có bằng trung cấp sư phạm mầm non và cao đẳng sư phạm tiểu học trong giai đoạn chuyển tiếp này, song song đó, sinh viên được tuyển dụng phải có cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo đến năm 2025, và thời điểm này trùng với lộ trình trong Nghị định 71 về lộ trình nâng chuẩn của giáo viên và quá thời gian cam kết nếu không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng theo Luật Giáo dục.

"Theo tôi, giải pháp này vừa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên để dạy 2 buổi/ngày, nhất là đối với cấp tiểu học vừa tạo điều kiện cho các em sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa đáp ứng về quy định trình độ đào tạo có cơ hội tham gia tuyển dụng, có việc làm để có cơ hội lo cho việc học của mình tham gia nâng chuẩn trong thời gian tới” - bà Thanh đề cập.

Mỗi người cần phải biết 3 ngôn ngữ

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Mỗi người cần phải biết 3 ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ để giữ gìn văn hoá truyền thống; tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ máy lập trình coding để giao tiếp người với máy”. Ông đề xuất, bộ GD&ĐT cân nhắc nên đưa 3 cả môn này thành 3 môn học bắt buộc ở cấp phổ thông.

Bộ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bên cạnh đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia mà thủ tướng Chính phủ đã ký năm nay, coi chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục là ưu tiên số 1. Bởi vậy, ngành giáo dục phải đi đầu về chuyển đổi số.