Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng ký thay Giám đốc, phê duyệt Gói thầu số 02 để mua sắm thuốc, trong đó 19/23 sản phẩm giá cao hơn giá nhập khẩu và thị trường cả chục tỷ đồng.
Đấu thầu mua sắm thuốc là việc làm thường xuyên liên tục ở các cơ sở y tế nhằm đảm bảo vận hành tốt quy trình khám chữa bệnh. Gần đây, Chính phủ luôn quan tâm và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cả về mặt pháp lý và thực tiễn để ngành y tế làm tốt vai trò chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước về y tế, những năm qua, sở Y tế Hà Nội đã làm tốt và tạo nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực như: y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh… Đơn vị này cũng làm chủ đầu tư phê duyệt nhiều gói thầu do trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội mời thầu.
Trong chuyên đề nghiên cứu về luật Đấu thầu (sửa đổi) và trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu do các sở, ban, ngành tổ chức nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả công tác sử dụng vốn đầu tư công, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật cũng tìm hiểu ngẫu nhiên công tác đấu thầu thuốc của sở Y tế Hà Nội.
Theo thông tin từ mạng đấu thầu Quốc gia, vào tháng 6/2023, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng ký thay Giám đốc phê duyệt Gói số 02: Gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nguồn thu do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán và nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị.
Gói thầu đấu thầu rộng rãi qua mạng, kết quả mở thầu có 4 nhà thầu tham dự là các công ty: TNHH Một thành viên Dược liệu TW2, TNHH Một thành viên Vimedimex Bình Dương, Cổ phần Dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội và TNHH Dược phẩm Gigamed. Đây cũng là 4 doanh nghiệp trúng gói thầu này với giá 92.837.151.499 đồng (Chín mươi hai tỷ, tám trăm ba mươi bảy triệu, một trăm năm mươi mốt nghìn, bốn trăm chín mươi chín đồng).
Trong số 23 loại thuốc được mua sắm, có 19 mã trùng tên thuốc, tên hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cơ sở sản xuất, nước sản xuất, quy cách đóng gói, thậm chí trùng khớp cả giấy đăng ký lưu hành hoặc giấp phép nhập khẩu so với sản phẩm mà một số đơn vị nhập khẩu về Việt Nam, nhưng giá được sở Y tế Hà Nội phê duyệt lại cao hơn nhiều.
Đơn cử như Lipitor – một loại thuốc trị rối loạn mỡ máu – hoạt chất Atorvastatin (Atorvastatin hemicalci.1,5 H2O), hàm lượng 20mg, bào chế dưới dạng viên nén bao phim, sản xuất bởi Pfizer Pharmaceuticals LLC; đóng gói Pfize Manufacturing Deutschland GmbH; hộp 3 vỉ x 10 viên, (GĐKLH: VN-17767-14; xuất xứ: Mỹ) có đơn giá trúng thầu là 15.941 đồng/viên.
Tuy nhiên, theo dữ liệu xuất nhập khẩu mà PV có được, từ năm 2021 đến năm 2022, loại thuốc này được nhập khẩu về Việt Nam 9 lần với số lượng lớn. Riêng năm 2022, công ty TNHH Viatris Việt Nam nhập 4 lần với giá 233.864 đồng/hộp 30 viên (tương đương 7.795 đồng/viên), khi cộng 10% thuế (VAT và nhập khẩu) giá là 8.575 đồng. Nếu so sánh ở mức giá này thì số tiền sở Y tế Hà Nội mua cao hơn giá nhập khẩu 10.821.503.600 đồng.
Ở một góc nhìn khác, PV đã dành thời gian dạo qua một vòng chợ thuốc Hapulico (85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi bán buôn dược phẩm được đánh giá lớn nhất miền Bắc, nhiều quầy bán hộp này. Người bán cho biết, hộp có date (hạn sử dụng – PV) xa, với 3 loại hàm lượng 10mg, 20mg và 40mg, tất cả đều từ hãng Pfize, xuất xứ Mỹ. Đối với loại PV tìm mua hàm lượng 20mg, những người bán phát giá khác nhau nhưng dao động trong khoảng từ 398.000 – 410.000/ hộp (tức 13.267 - 13.667 đồng/ viên).
Trên hộp thuốc này ghi rõ doanh nghiệp nhập khẩu là công ty TNHH Viatris Việt Nam (tòa nhà Friendship Tower, 31 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh). Đây cũng chính là công ty đã nhập khẩu 4 lần loại thuốc này về Việt Nam trong năm 2022 mà chúng tôi nhắc đến ở trên.
Ngoài Lipitor, 18 mã hàng khác cũng có sự chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu, tổng chênh lệch từ hàng trăm triệu tới hàng tỷ đồng. Ví dụ như: Diflucan IV (VN-20842-17 của Pháp, dạng lọ) chênh 4.627.778.090 đồng; Diflucan (VN-22185-19 của Pháp, dạng viên) chênh 1.529.306.915 đồng; Pantoloc 40mg (VN-18402-14, của Đức, dạng viên) chênh 1.431.011.114 đồng; Risperdal (VN-18914-15, của Ý, dạng viên) chênh 1.353.938.521 đồng; Dalacin C (VN-16855-13 của Bỉ, dạng ống), chênh 951.379.224 đồng; Zitromax (VN-21930-19, của Ý, dạng lọ), chênh 845.080.069 đồng…
Tính tổng 19/23 hàng hóa, nếu so với giá nhập khẩu, sở Y tế Hà Nội mua sắm cao hơn 26.134.081.953 đồng. Còn nếu tham khảo mức giá thị trường như PV nêu ở trên thì phía Sở có thể đã tiết kiệm được từ 18.653.842.391 đến 19.241.489.591 đồng.
Dẫu biết rằng, doanh nghiệp bán thuốc cho chủ đầu tư cũng phải tính bài toán lợi nhuận cho riêng mình, cũng như chịu các khoản chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân sự,…Thế nhưng, khi giá gói thầu chênh lệch cao hơn giá thị trường hay giá nhập khẩu từ 18 đến 26 tỷ đồng là rất đáng suy ngẫm..
Trên tinh thần xây dựng, với mong muốn trao đổi thông tin thiết thực về giá trị hàng hóa được mua sắm trong gói thầu đã nêu ở trên, ngày 19/10, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ tới sở Y tế Hà Nội. Trao đổi nhanh qua điện thoại, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Văn phòng cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo từ lành đạo Sở, đơn vị đã giao bộ phận chuyên môn kiểm tra rồi trả lời lại báo chí. Tuy nhiên cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi.
Minh bạch thông tin sẽ “minh oan” cho chủ đầu tư
Liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm nói chung, luật sư Nguyễn Sương, công ty luật Hợp danh FDVN đưa ý kiến: “Nếu hoạt động đấu thầu có dấu hiệu nâng khống, đội giá, gây thiệt hại cho Nhà nước thì tùy từng trường hợp khác nhau có các chế tài khác nhau. Ngoài xử lý hành chính, các hành vi thông thầu, cố ý làm trái, dấu hiệu trục lợi làm thất thoát, thiệt hại cho tài sản Nhà nước thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: Điều 222 tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng;…
Để sức răng đe được lan tỏa thì việc thanh kiểm tra cần phải được tiến hành nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền tìm ra sai phạm, xử lý kịp thời nếu có. Còn không có sai phạm thì việc làm này cũng là cách để minh bạch thông tin, minh oan cho chủ đầu tư”.
Ngọc Bảo – Thuận Nguyễn