Soi vào mũi, phát hiện 33 que nứa trong mũi nữ bệnh nhân

Các bác sĩ phát hiện có dị vật ở khe mũi bên trái của bệnh nhân 18 tuổi ở Nghệ An và tiến hành dùng dụng cụ chuyên dụng gắp thành công dị vật là 33 que nứa.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 8/11, Trung tâm Y tế huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, đã tiến hành gắp nội soi thành công 33 que nứa có kích thước khoảng 3x20mm trong mũi một nữ bệnh nhân.

Cụ thể, bệnh nhân là chị H.M.V (18 tuổi, trú bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, người dân tộc H'Mông) bị thiểu năng trí tuệ không nói được, khó giao tiếp.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân hay chảy dịch mũi, dịch hôi, thỉnh thoảng chảy máu mũi, đã điều trị tại nhà nhiều lần nhưng không đỡ, có khả năng bệnh nhân tự bỏ que vào mũi.

Đời sống - Soi vào mũi, phát hiện 33 que nứa trong mũi nữ bệnh nhân

Hình ảnh các que nứa được lấy ra từ mũi bệnh nhân.

Qua thăm khám và soi mũi, các bác sĩ phát hiện có dị vật ở khe mũi bên trái của bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành dùng dụng cụ chuyên dụng gắp thành công dị vật là 33 que nứa.

"Niêm mạc mũi của bệnh nhân tổn thương rất nặng bị phù nề, khe mũi ứ dịch mủ nên các bác sĩ đã tiến hành bơm rửa mũi, kê đơn tiếp tục điều trị bằng kháng sinh, chống viêm. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị và theo dõi tại Trung tâm y tế", bác sĩ Vi Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm y tế Tương Dương thông tin.

Mách bạn cách phòng ngừa và xử trí dị vật đường thở ở trẻ

Trao đổi với báo Lao Động, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường (Khoa Nhi - Bệnh viện Quân Y 103) chia sẻ cách ngừa và xử trí dị vật đường thở ở trẻ.

Dị vật đường thở là tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ do vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường thở.

Nguyên nhân gây ra dị vật đường thở ở trẻ

Trẻ sặc sữa, cháo, cơm;

Hít vào đường thở các vật nhỏ như: hạt dưa, lạc, kẹo tròn, kẹp ghim…

Dấu hiệu nhận biết

Trẻ đang khỏe mạnh nhưng xuất hiện hội chứng xâm nhập: ho sặc sụa, tím tái, khó thở;

Trẻ khóc yếu đến nặng hơn là không khóc được, tím tái, ý thức tụt dần đến hôn mê.

Cách sơ cứu

Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thở: Nên đặt ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra. Lưu ý, không cố tình móc lấy làm dị vật vào sâu hơn.

Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu phải nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật.

Trẻ dưới 1 tuổi áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái;

- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vỗ lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai;

- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Người lớn và trẻ lớn áp dụng thủ thuật Heimlich

Trẻ còn tỉnh:

- Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn;

- Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được.

Trẻ hôn mê:

- Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân;

- Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất;

- Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên;

- Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Cách phòng tránh

Hạn chế thói quen ngậm đồ chơi hoặc loại bỏ các dị vật nguy cơ con nuốt phải;

Loại bỏ kẹo ngậm khi trẻ < 3 tuổi;

Phát hiện sớm hội chứng xâm nhập.

Trúc Chi (t/h)