Chuẩn bị cho từng kịch bản số ca mắc bệnh
Ngày 27/7, HĐND Tp.HCM tổ chức giám sát về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM cho thấy, tính đến ngày 22/7, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy là 32.011 ca (18.196 ca nội trú và 13.815 ca ngoại trú).
Số lượng này là tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8.128 ca); tăng 122,7% so với cùng kì giai đoạn 2016 - 2020 (14.374 ca).
Năm 2022 số ca mắc sốt xuất huyết theo tuần tăng sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình 5 năm (2016 - 2020). Số ca bắt đầu tăng liên tục từ tuần 13 đến nay. Trong đó số ca nặng là 502 ca, chiếm tỷ lệ 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.
Trong năm 2022, có 6 quận, huyện ghi nhận số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất địa phương là quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận Tân Phú.
Đặc biệt, huyện Cần Giờ có số ca tuyệt đối ít nhất Tp.HCM nhưng tính trên 100.000 dân thì rất cao, đứng thứ 7/22 quận, huyện.
Số ca sốt xuất huyết tử vong tích lũy đến tuần 29 là 14 ca. Cụ thể, 1 ca quận 6, 1 ca quận 11, 1 ca quận 12, 2 ca ở huyện Bình Chánh, 3 ca ở huyện Củ Chi, 2 ca ở quận Bình Tân, 1 ca ở huyện Hóc Môn, 1 ca ở quận Gò Vấp, 1 ca ở Tp.Thủ Đức và 1 ca ở quận 8. Tình hình tử vong do sốt xuất huyết năm nay tăng 11 ca so với cùng kỳ năm 2021 là 3 ca.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết: “Bắt đầu từ quý I/2022, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND Tp.HCM ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết”.
Để chủ động trong công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn Tp.HCM theo 3 kịch bản. Một, là dưới 2.000 ca. Hai, là từ 2.000 đến 4.000 ca. Và ba, là từ 4.000-6.000 ca.
Từ số liệu các ca đang điều trị tại bệnh viện, ngành y tế Tp.HCM sẽ chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do sốt xuất huyết.
Sở Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền…để tiếp nhận, điều trị người bệnh.
Thiếu cơ sở vật chất và nhân lực
Kiểm soát điểm nguy cơ là chiến lược kiểm soát chủ động bệnh sốt xuất huyết do Tp.HCM triển khai từ năm 2010, được cập nhật thường xuyên, lần gần nhất là từ năm 2019. Hiện nay, Viện Pasteur Tp.HCM cũng khuyến khích các tỉnh thực hiện chiến lược này như là biện pháp kiểm soát dịch sốt xuất huyết chủ động trong điều kiện nhân lực hạn chế.
Cách thức này nhằm mục đích kiểm soát trung gian truyền bệnh, phòng chống sốt xuất huyết. Trung bình hàng tháng, Tp.HCM có 6.423 điểm nguy cơ nhóm 1 (chiếm 50,6%), 5387 nhóm 2 (42,5%) và 872 nhóm 3 (6,9%).
Nhận định chung của Sở Y tế cho rằng, hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ chưa thực sự tốt, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch tần xuất giám sát không đạt. Các địa phương chưa quyết liệt trong việc xóa điểm nguy cơ nhóm 2 và xử phạt đối với điểm nguy cơ nhóm 3.
Đại diện Sở Y tế cũng chỉ ra, hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến là kênh chủ yếu để thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày nhưng đã bị tê liệt.
“Các bệnh viện trở lại hình thức báo cáo bằng cách gửi email danh sách ca bệnh cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM và mất rất nhiều thời gian để xử lý dữ liệu và tải lên phần mềm GIS, từ đó quận huyện phường xã mới tiếp nhận, xác minh, điều tra, xử lý”, ông Hưng trình bày.
Sự thiếu hụt lớn về nhân sự việc cả về chuyên môn phòng chống dịch và cả về truyền thông. Hiện tượng thiếu nhân sự và chuyên môn không phù hợp, phải kiêm nhiệm nhiều công tác gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc.
Do đó, Sở Y tế đề xuất Tp.HCM có chính sách, cơ chế để vận hành, duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên cũng như cơ chế chính sách thu hút nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng.