Tác dụng của liều vắc-xin phòng Covid-19 thứ tư, không phải ai cũng biết

Các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho nhóm người nguy cơ cao, ví dụ nhóm suy giảm miễn dịch, có bệnh nền...

Tác dụng tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19

Giảm nguy cơ tử vong: Theo nghiên cứu riêng rẽ của hai tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel công bố ngày 26/3 cho biết, mũi vắc-xin thứ tư ngừa Covid-19 ngoài giảm nguy cơ lây nhiễm có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Cụ thể, trong nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm y tế Clalit lấy số liệu của trên 563.450 bệnh nhân từ 60 đến 100 tuổi, được chia thành hai nhóm: Nhóm I chỉ tiêm 3 mũi vắc-xin và nhóm II đồng ý tiêm thêm mũi vắc-xin thứ tư (chiếm 58%).

Kết quả theo dõi số liệu từ ngày 10/1 đến 20/2 cho thấy, trong giai đoạn này có 232 người trong nhóm I tử vong, tăng mạnh so với 92 người trong nhóm II. Các chuyên gia của Clalit kết luận, nguy cơ tử vong của nhóm tiêm bổ sung mũi 4 đã giảm tới 78%.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Doron Netzer, Giám đốc Ban Y học cộng đồng của Clalit, cho rằng kết quả nghiên cứu đóng vai trò quan trọng vì đa số người dân đang cho rằng biến thể Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ nên không cần tiêm mũi vắc-xin bổ sung.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác của tập đoàn bảo hiểm y tế Maccabi cũng theo dõi hiệu quả của mũi vắc-xin bổ sung đối với 100.000 người trên 60 tuổi tại Israel trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022.

Kết quả cho thấy, mũi vắc-xin thứ 4 mang lại hiệu quả cao hơn 73% so với 3 mũi trước đó trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh Covid-19 trở nặng.

Tuy nhiên, ngay cả mũi 3 cũng đã rất hiệu quả, khi chỉ có dưới 1% người lớn tuổi tiêm mũi 3 bị nhiễm Covid-19 nặng.

Giảm nguy cơ lây nhiễm: Nghiên cứu của Maccabi cho thấy, mũi 4 cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Theo đó, sau khoảng 3 tuần được tiêm, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở những người tiêm mũi 4 đã giảm 64% so với những người chỉ tiêm mũi 3.

Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm xuống còn 29% sau 10 tuần, cho thấy hiệu lực của liều vắc-xin bổ sung giảm đáng kể theo thời gian.

Sức khỏe - Tác dụng của liều vắc-xin phòng Covid-19 thứ tư, không phải ai cũng biết

Sau khi tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia của Clalit, tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel, kết luận, nguy cơ tử vong của nhóm tiêm bổ sung mũi 4 đã giảm tới 78%. Ảnh minh họa.

Cho đến nay, các tác dụng phụ phổ biến nhất khi tiêm liều thứ 3 là đau nhức cơ thể, đau đầu và mệt mỏi, một số gặp cảm giác ớn lạnh và sưng hạch bạch huyết. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng các tác dụng phụ này là dấu hiệu của hệ thống miễn dịch phản ứng với các vắc-xin.

Ở Israel, nhóm đối tượng có nguy cơ cao tiêm liều thứ 4 vào tháng 1. Gần đây, Vương quốc Anh bắt đầu tiêm liều thứ 4 cho những người từ 75 tuổi trở lên.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo tiêm vắc-xin mũi 4 cho nhóm người nguy cơ cao, ví dụ nhóm suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, vì đây là nhóm dễ trở nặng, nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3.

Khi nào Việt Nam sẽ tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19?

Để đảm bảo sức khỏe của cộng đồng và công tác phòng chống dịch, mới đây Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản số 444 gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4.

Cục cho biết, ngày 25/4, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin Bộ Y tế đã tổ chức họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vắc-xin, trong đó có việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).

Tại cuộc họp, hội đồng đã thống nhất kết luận đối với việc tiêm mũi 4. Trong đó, đối tượng tiêm là:

- Người từ 50 tuổi trở lên

- Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng

- Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp).

Vắc-xin sử dụng là vắc-xin mRNA (do Hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc-xin do AstraZeneca sản xuất, vắc-xin cùng loại với mũi 3. Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.

Đối với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 thì phải trì hoãn 3 tháng sau khi mắc.

Trên cơ sở ý kiến kết luận của hội đồng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 và gửi kế hoạch về cục trong ngày 30/4 để tổng hợp gửi Bộ Y tế.

Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 214 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó tổng số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 195,7 triệu liều, cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17,3 triệu liều, cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.366.107 liều (mũi 1).

Trúc Chi (t/h theo Vietnamnet, Thanh Niên Vietnam+)