Tại sao ăn khoai lang có đốm đen, người thì bị ngộ độc, người lại được chuyên gia khen ăn được "thuốc bổ"?

Khoai lang rất ngon và bổ dưỡng, nhưng nếu trên củ có vết thâm, đốm đen thì còn ăn được không?

Thời tiết lạnh của mùa thu đông là thời điểm thích hợp để ăn khoai lang. Thành phần chính của khoai lang là nước và carbohydrate nhưng lượng calo chỉ bằng 1/3 gạo.

Khoai lang rất ngon và bổ dưỡng, chứa một lượng lớn chất xơ, có thể giúp giảm cholesterol trong mạch máu của cơ thể, có lợi cho tim và giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch. Hơn nữa, chất xơ còn có thể điều chỉnh môi trường đường ruột, ngăn ngừa táo bón và ung thư đại trực tràng. 

Hơn nữa, khoai lang còn chứa chất nhầy, có thể duy trì độ đàn hồi của thành mạch máu và giúp hạ huyết áp. Khoai lang cũng có hàm lượng beta - carotene cao, có thể chuyển hóa thành vitamin A và bảo vệ thị lực. Ngoài ra, nó còn chứa phytoestrogen có tác dụng chống nếp nhăn và duy trì làn da mỏng manh, có thể nói là "sản phẩm chăm sóc da” giá rẻ và chất lượng cao. 

Vitamin C trong khoai cũng là dưỡng chất cần thiết cho quá trình chống oxy hóa và sản sinh collagen, có tác dụng làm đẹp da và tăng cường khả năng miễn dịch.

Khoai ngon và bổ dưỡng là vậy nhưng đã bao giờ bạn mua khoai và gặp tình trạng xuất hiện những đốm đen trên khoai? Liệu điều này có ảnh hưởng gì tới chất lượng của nó?

Khoai lang bổ dưỡng, giàu chất xơ lại ít calo hơn gạo. (Ảnh minh họa)

Khoai lang có đốm đen khi nào độc, khi nào không?

Nhiều người khi thấy hiện tượng đốm đen trên khoai sẽ ngay lập tức bỏ đi không ăn vì sợ đã bị hỏng. Quả thực, khi trên khoai xuất hiện nhiều đốm đen khiến ngay cả khoai cũng chuyển sang màu thâm đen, ăn vào cứng và có vị đắng thì rất có thể đó là dấu hiệu nhiễm khuẩn vằn đen.

Loại vi khuẩn này sẽ khiến khoai lang thải chất độc ra ngoài. Nếu vô tình ăn phải, các triệu chứng về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy có thể xảy ra trong vòng vài giờ. Trường hợp nặng có thể xảy ra sốt cao, nhức đầu, hen suyễn và nôn ra máu. Mọi người đều phải cẩn thận.

Khoai lang bị đốm đen có thể do nhiễm khuẩn hoặc do một chất được tiết ra sau khi khoai bị cắt khiến nó xuất hiện đốm đen. (Ảnh minh họa)

Mặc dù bệnh nhiễm khuẩn vằn đen trên khoai lang rất đáng sợ nhưng không có nghĩa là lúc nào thấy đốm đen trên khoai lang cũng có nghĩa là nó không thể ăn. 

Theo chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản Tsumi Hayashi, khi khoai lang bị cắt sẽ tiết ra một chất nhờn chứa các khoáng chất như canxi, magie, phốt pho và một thành phần có tên là jalapin, đây là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp khoai lang có chức năng làm thông suốt đường tiêu hóa, bảo vệ dạ dày và niêm mạc ruột. Khi chất này kết hợp với chất xơ trong khoai lang có thể bổ sung cho nhau, không chỉ điều hòa đường ruột mà còn thúc đẩy nhu động ruột, làm mềm phân, ngăn ngừa táo bón.

Vì vỏ khoai lang cũng sẽ tiết ra jalapin khi bị thương và jalapin có đặc tính chuyển sang màu đen khi tiếp xúc với không khí nên nếu bạn nhìn thấy đốm đen trên vỏ khoai lang thì đừng vội nghĩ rằng khoai lang bị mốc hoặc thối, nhưng cùng đừng quá chú quản vội vàng ăn ngay, nên kiểm tra kỹ lại trước khi ăn. 

Những lưu ý khi ăn khoai lang

Tuy khoai lang mang có nhiều lợi ích, nhưng những người có vấn đề về thận nên hạn chế. Bởi vì khoai lang có hàm lượng kali cao có thể gây hại cho những người đang mắc các bệnh về thận. Khoai lang cũng chứa hàm lượng oxalat cao có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận canxi - oxalat.

Những người đang dùng thuốc chẹn beta (làm tăng nồng độ kali trong cơ thể) cũng không nên ăn nhiều khoai lang. 

Việc ăn quá nhiều khoai lang cũng có thể dẫn đến chứng thừa vitamin A do hàm lượng beta carotene cao trong khoai lang. Lượng viatmin A dư thừa sẽ tích tụ trong gan làm màu da và màu móng chuyển sang màu cam.

Khoai lang cũng rất giàu carbohydrate, do đó những người đang ăn kiêng nghiêm ngặt cũng không nên ăn quá thường xuyên. Nên ăn khoai lang vào buổi sáng để bổ sung năng lượng tốt hơn.

HOÀNG DƯƠNG