Tại sao người Nhật sống thọ nhưng lại có tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày cao? Hóa ra họ rất thích ăn món này

CTV
Nước Nhật nổi tiếng là quốc gia sống thọ nhưng không có nghĩa người dân nơi đây hoàn toàn tránh xa được mọi bệnh tật, thậm chí căn bệnh ung thư dạ dày còn là mối lo của họ.

Theo tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới World Cancer Research Fund International, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 5 trên toàn thế giới. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới và thứ 7 ở phụ nữ. Có hơn 1 triệu ca ung thư dạ dày mới vào năm 2020.

Tổ chức này cũng đã xếp loại top 10 quốc gia có tỷ lệ ung thư dạ dày và số ca tử vong do ung thư dạ dày cao nhất năm 2020. Đứng đầu là Mông Cổ và bất ngờ thay khi Nhật Bản đứng thứ 2. Trong khi Nhật Bản luôn được mệnh danh là quốc gia có tuổi thọ cao, nhiều người sống tới hơn 100 tuổi nhưng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở quốc gia này lại cao.

Ung thư dạ dày khá phổ biến ở Nhật - quốc gia có nhiều người sống thọ nhất nhì thế giới. (Ảnh minh họa)

Thực tế, ung thư dạ dày ở Nhật đang có xu hướng giảm nhưng nó vẫn là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở quốc gia này. Thậm chí có rất nhiều nghiên cứu về ung thư dạ dày ở Nhật cho thấy sự quan tâm của các chuyên gia y tế với thực trạng này.

Theo thống kê năm 2018 ở Nhật, ước tính cứ 10 nam giới thì có 1 người mắc ung thư dạ dày, còn ở nữ giới cứ 21 người thì có khoảng 1 người sẽ mắc bệnh này.

Vậy tại sao một quốc gia luôn xếp đầu về tuổi thọ lại có tỷ lệ mắc ung thư nhiều như vậy.

Do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày bao gồm viêm mãn tính niêm mạc dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và thói quen sinh hoạt (chế độ ăn nhiều muối, hút thuốc lá, ăn không đủ rau và trái cây).

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã được tiến hành ở Nhật Bản đã xác định nhiễm vi khuẩn H. pylori là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây ung thư dạ dày. Các nghiên cứu khoa học cho biết chủng H. pylori có khả năng gây ung thư sẽ gây đột biến và tác động trực tiếp đến việc hình thành các khối u có trong niêm mạc dạ dày. Trường hợp các tế bào của khối u này là tế bào đột biến ác tính thì chúng sẽ phát triển thành ung thư dạ dày. Ngoài ra, khuẩn H. pylori mang tên EPIYA D mang gen biến đổi thể gen A liên quan đến cytokine cũng có thể gây ung thư dạ dày nhưng theo một cơ chế khác.

Nhiều nghiên cứu ở Nhật Bản đã xác định nhiễm vi khuẩn H. pylori là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa)

Nhiễm H. pylori phổ biến ở người Nhật Bản trung niên và cao tuổi. Một nghiên cứu dịch tễ học về nhiễm H. pylori ở những cư dân khỏe mạnh ở Sapporo (Nhật Bản) cho thấy tỷ lệ nhiễm H. pylori là 70%-80% đối với những người sinh trước năm 1950. Đối với những cư dân sinh sau năm 1950, tỷ lệ nhiễm H. pylori tăng khoảng 1% với mỗi năm sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm H. pylori ở Nhật cũng đã giảm dần trong vài thập kỷ qua.

Hút thuốc lá

Thuốc lá làm suy giảm khả năng chống viêm, kháng khuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn H. pylori gây ung thư dạ dày sinh sôi. (Ảnh minh họa)

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học trong vài thập kỷ qua đã xem xét mối liên quan giữa hút thuốc lá và nguy cơ ung thư dạ dày ở Nhật Bản, phần lớn cho thấy nguy cơ gia tăng đáng kể ở những người hút thuốc so với những đối tượng chưa bao giờ hút thuốc.

Theo dữ liệu từ nghiên cứu Hisayama, một nghiên cứu về ảnh hưởng của hút thuốc lá và nhiễm H. pylori với người dân Nhật, có khoảng 28,4% trường hợp ung thư dạ dày có liên quan đến hút thuốc lá. Các chuyên gia kết luận rằng có bằng chứng thuyết phục về việc hút thuốc lá vừa phải làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở người dân Nhật Bản.

Lý do thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày được nhiều nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới chứng minh, thuốc lá làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, giảm khả năng chống viêm, kháng khuẩn, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn H. pylori gây ung thư dạ dày sinh sôi và phát triển.

Chế độ ăn nhiều muối

Ăn nhiều muối và tiếp xúc với các hợp chất N -nitroso làm tăng đáng kể nguy cơ ở những người bị nhiễm H. pylori Bằng chứng từ các nghiên cứu thực nghiệm và dịch tễ học trong nhiều năm ở Nhật cho thấy ăn nhiều muối/thức ăn mặn có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở người dân Nhật Bản.

Thực tế, người Nhật có rất nhiều loại thực phẩm chứa nhiều muối do họ có thói quen ướp muối vào các đồ ăn. Các thực phẩm chứa nhiều muối phổ biến ở xứ sở hoa anh đào gồm: súp miso, các loại rau ngâm muối, trứng cá muối, chất bảo quản cá muối và cá khô hoặc muối.

Các món ăn Nhật được ướp trong nhiều muối (từ trái qua phải) như canh miso, trứng cá muối, shiozuke (một loại rau củ muối). (Ảnh minh họa)

Tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng muối cao như trứng cá muối và chất bảo quản cá muối có liên quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Hàm lượng muối trong các loại thực phẩm muối này là hơn 5%; các loại thực phẩm chứa muối khác như súp miso, rau ngâm và cá khô rất đa dạng, nhưng tỷ lệ muối ít hơn 5%.

Tuy nhiên, lượng trứng cá muối và các món ăn được bảo quản bởi muối lại không được tiêu thụ nhiều bằng các món ít muối như súp miso và các loại rau ngâm. Dù vậy, việc ăn những thực phẩm dù ít muối nhưng thường xuyên và trong mọi bữa ăn cũng có thể khiến tiêu thụ muối quá mức.

Lý do ăn mặn có thể tăng nguy cơ ung thư dạ dày làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.