Sau khoảng hơn một tháng đăng tải trên trang web phim của VTV, Phía trước là bầu trời bất ngờ "nóng" trở lại. Xuất phát từ cảnh phim tổ chức sinh nhật ở xóm trọ, sinh viên đi ăn cơm chịu, cầm đồ để có tiền sinh hoạt; sau đó, phim tiếp tục "gây bão" với những clip trích đoạn về Nguyệt - nhân vật "thảo mai" và đáng ghét nhất phim.
Phía trước là bầu trời trở thành từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên internet những ngày qua. Lượng xem lại bộ phim trên YouTube và trang web của VTV tăng đáng kể. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả cũng chia sẻ về việc đã xem lại toàn bộ 9 tập phim chỉ trong 1-2 ngày.
Phía trước là bầu trời trở thành từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Internet những ngày qua.
Nhân vật gần gũi, nội dung chân thực
Một bộ phim được quan tâm trở lại sau 17 năm, khó có thể là một bộ phim dở. Phía trước là bầu trời, trước hết là một tác phẩm hay từ thời điểm ra mắt vào năm 2001 trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật.
Diễn viên Kiều Anh kể thời điểm đó, cả khu chợ quê chị, cứ đến thứ 7, Chủ nhật là đóng quầy, không bán hàng để về nhà mở tivi và xem phim.
Một phần vì cách đây gần 20 năm, phim truyền hình chưa nhiều và dài tập như bây giờ. Phần khác, như nhiều khán giả đã lý giải về sức nóng của bộ phim trong những ngày qua "Vì Phía trước là bầu trời đã kể một câu chuyện chân thực".
Phía trước là bầu trời xoay quanh 3 nhân vật chính là Nguyệt (Hà Hương), Thương (Thu Nga) và Nhung (Kiều Anh). Cả ba đều xuất thân tỉnh lẻ, vừa tốt nghiệp đại học và chưa có việc làm ổn định. Họ sống trong một xóm trọ sinh viên, nơi mỗi người là một hoàn cảnh, mỗi người là một tính cách.
Xóm trọ như một xã hội thu nhỏ với đủ mọi vui buồn. Đồng thời, xóm trọ trong Phía trước là bầu trời cũng như một xóm trọ kiểu mẫu, mà khó có sinh viên tỉnh lẻ nào lại không thấy mình trong đó.
Xóm trọ sinh viên nào chẳng có một chị Thương hiền lành, tốt bụng, quan tâm đến mọi người; một cô gái thực dụng, thảo mai, toan tính như Nguyệt; một người quyết tâm theo đuổi đam mê như Nhung, một cậu bạn mọt sạch như Nam; một cô gái mải mê yêu đương như Bích hay một chàng mập vui tính, nói nhiều như Nghĩa.
Nhân vật gần gũi, nội dung chân thực đã giúp bộ phim của đạo diễn Đỗ Thanh Hải ăn sâu vào trí nhớ của khán giả trẻ vào thời điểm đó và trở thành ký ức khó quên của cả một thế hệ. Để rồi, sau 17 năm xem lại, nhiều người vẫn rơi nước mắt.
Nhân vật Nhung có nhiều câu nói chứa đựng thông điệp về tuổi trẻ.
Những thông điệp "chưa bao giờ cũ"
Bộ phim không chỉ được yêu thích vì miêu tả chân thực một xóm trọ sinh viên. Điều quan trọng là qua sự chân thực và gần gũi đó, đạo diễn và ê-kíp làm phim đã chuyển tải nhiều thông điệp có giá trị về sinh viên, về tuổi trẻ, và về khát vọng.
"Đã chọn con đường này thì sợ cũng phải đi, hãy cứ nghĩ phía trước mình là bầu trời để có niềm tin mà bước tiếp”, đó là câu nói của nhân vật Nhung dành cho Thảo - cô học trò vừa tốt nghiệp cấp ba lên Hà Nội ôn thi - và cũng là thông điệp của bộ phim.
Không nản chí, không bỏ cuộc, chỉ có như vậy, những cô cậu học trò, sinh viên mới thực hiện được giấc mộng của mình tại thành phố. Và quan trọng hơn, dù có vất vả, có khó khăn cũng phải có niềm tin và hy vọng.
Ở xóm trọ sinh viên ấy, có chuyện mất xe đạp, có cảnh tự vẫn, có chuyện phá thai. Nhưng trên tất cả là tình người. Bích trót dại, cả xóm trọ quan tâm, lo lắng. Nam tự vẫn, cả xóm trọ đưa đi bệnh viện. Họ, những người trong một xóm trọ dường như đã trở thành một gia đình, coi nhau như anh em ruột thịt.
Ngoài ra, Phía trước là bầu trời còn gửi gắm thông điệp đầy nhân văn về tuổi trẻ và những "mảng tối" trong tính cách mỗi con người. Nam, sau khi ăn cắp xe đã tự nhận ra lỗi lầm của mình và khắc phục nó. Nguyệt với bản tính tham lam, thực dụng, cuối phim cũng nhận thực được sự mệt mỏi của việc toan tính.
Tuổi trẻ ai chẳng có sai lầm, ai chẳng có những ích kỷ. Nhưng quan trọng hơn cả, những nhân vật trong Phía trước là bầu trời đã giúp nhiều người trẻ hiểu rằng, chỉ có đi lên bằng thực lực, bằng sự cố gắng của bản thân như Nhung, như Thương mới được tôn trọng, mới được thoải mái trong chính tâm tưởng và suy nghĩ của mình.
Một cảnh quay xóm trọ trong phim của đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Khan hiếm bộ phim về sinh viên
Những ngày qua, Phía trước là bầu trời được nhiều khán giả 8X, 9X xem lại như để sống lại thời thanh xuân với những câu chuyện xung quanh cuộc sống sinh viên ở trọ, tìm kiếm việc làm hay vấn đề yêu đương mà bộ phim đề cập.
Nhưng, phim cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ tuổi, nửa sau 9X, đầu 2000. Có những khán giả nay mới xem phim nhưng đã cảm thấy gần gũi và "thấy mình trong đó". Một câu hỏi được đặt ra: Dường như, học sinh và sinh viên hiện nay đang thiếu một bộ phim như Phía trước là bầu trời?
Đã nhiều năm nay, màn ảnh nhỏ Việt chủ yếu là những bộ phim về tình yêu, gia đình hoặc những bộ phim về đề tài chính luận. Nếu có mới mẻ hơn, đó sẽ là những bộ phim về xã hội đen, về cuộc sống người Việt ở nước ngoài.
Mảng đề tài về sinh viên, về khát vọng tuổi trẻ, về cuộc sống ở trọ của những bạn trẻ tỉnh lẻ lên thành phố học tập, lập nghiệp... dường như đã bị bỏ quên.
17 năm Phía trước là bầu trời vẫn nóng, 17 năm bộ phim về một xóm trọ sinh viên vẫn gây bão mạng xã hội, điều đó cũng chứng tỏ những bộ phim truyền hình hiện nay đã không thể là những "giấc mộng thanh xuân", là câu chuyện hiện thực của chính khán giả trẻ hiện nay.
Không có phim mới, khán giả trẻ, đặc biệt là sinh viên đã phải tìm đến những bộ phim cũ để đồng cảm. Và hiện thực đó cũng là một khoảng trống mà những người làm phim truyền hình có lẽ cần quan tâm!
Theo Zing