Chẳng biết từ bao giờ giấy khen trở thành một điều kiện để được tặng quà trong dịp Tết thiếu nhi 1/6. Ảnh minh họa.
Không rõ từ khi nào, người Việt lại có thói quen căn cứ vào tờ giấy khen để phân định mức quà tặng cho con em mình trong mỗi dịp Tết thiếu nhi 1/6. Tôi vẫn nhớ hồi bé, khi còn ở nhà với bố mẹ, hàng năm cứ tới ngày này, từ cơ quan của bố mẹ đến tổ dân phố lại đi hỏi chúng tôi về những tờ giấy khen. Cháu nào có giấy khen nộp lại để làm căn cứ 1/6 lên nhận quà.
Và thế, đến bây giờ, khi tôi đi làm, mọi chuyện vẫn như vậy, những người phụ trách công đoàn của công ty lại đi hỏi từng về tờ giấy khen của bọn trẻ. Vẫn là những câu hỏi quen thuộc “Con anh/chị có giấy khen không?", "Cháu có được học sinh giỏi không?", "Nhớ nộp lại giấy khen làm căn cứ đấy"….
Vậy là vô hình chung, người lớn đang tạo ra một thông lệ có phần kém công bằng cho con trẻ khi mà những đứa trẻ không có thành tích, không được học sinh giỏi thì không được quà trong ngày này, mà đãng lẽ ra đây là ngày mà đứa trẻ nào
Liệu có khi nào người lớn chúng ta để ý tới cảm xúc của các con, nhất là những đứa trẻ không được học sinh giỏi? Chúng sẽ có cảm giác tủi thân, chán nản thế nào khi không được nhận những món quà như bạn khác? Bạn thử nghĩ xem, chúng sẽ trả lời ra sao với những câu hỏi kiểu “Năm nay cháu có được học sinh giỏi không ?” hay “Cháu xếp thứ mấy trong lớp?”… khi mà bản thân đứa trẻ đó không là học sinh giỏi ?
Hãy thay những câu hỏi về điểm sô, về thành tích đó bằng những câu nói, câu hỏi mang tính động viên trẻ như “Năm học vừa rồi con có kỷ niệm gì không kể cho mẹ/ba nghe xem nào?” hay “Con cảm thấy thế nào sau một năm học vừa qua?”…
Các bậc phụ huynh à! Đừng đặt lên vai con những áp lực nặng nề về điểm số, về thành tích cuối kỳ. Bởi trẻ con thời nay đã chịu nhiều thiệt thòi trước vô vàn những áp lực trong học tập. Vậy thì hãy để con được nghỉ ngơi và tận hưởng một ngày lễ Tết của riêng chúng thật đúng nghĩa. Đừng biến một ngày Tết thiếu nhi thuần khiết của trẻ thơ thành cuộc ganh đua, khoe thành tích của người lớn.
Thu Hằng