Trung Quốc nổi tiếng với nhiều tòa nhà và dự án hoành tráng và Vạn Lý Trường Thành chắc chắn là công trình vĩ đại nhất trong số đó. Kỳ vĩ và tráng lệ, Vạn Lý Trường Thành trải dài hàng ngàn dặm là kết tinh xương máu và cả trí tuệ của người cổ đại.
Vạn Lý Tường Thành có chiều dài hơn 21.000 km bao gồm cả tường thành do con người xây dựng và tường hào/rào chắn tự nhiên. Trong suốt hơn 2.000 năm xây dựng, Vạn Lý Trường Thành đã chứng kiến sự thịnh suy, thăng trầm của biết bao triều đại Trung Hoa. Năm 1987, UNESCO công nhận Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là Di sản thế giới. Bức trường thành sau 2 thiên niên kỷ vẫn uy nghi, sừng sững ở đó như một người cận vệ trung thành, chứng kiến lịch sử Trung Quốc xoay vần.
Người Trung Quốc có câu "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" (Chưa đến Vạn Lý Trường Thành thì không phải hảo hán). Vạn Lý Trường Thành là niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa, là báu vật mà tổ tiên nhà Tần để lại cho con cháu. Mặc dù quá trình xây dựng bức tường rất bi thảm và gian khổ, nhưng chắc chắn nó đã giúp người dân thời cổ đại chống lại được nạn ngoại xâm và yên tâm phát triển.
Theo các tài liệu lịch sử, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 7 TCN. Trong các cuộc tranh giành bá quyền và thôn tính thời Xuân Thu Chiến Quốc, việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã đáp ứng nhu cầu an ninh và phát triển của các nước chư hầu. Thời kỳ này, các nước chư hầu xây thành để bảo vệ lẫn nhau, tìm kiếm sự cân bằng quyền lực hoặc thiết lập trật tự ngoại giao.
Kể từ đó, các triều đại Trung Nguyên như Tần, Hán, Tùy, Minh hay các chế độ thiểu số như Bắc Ngụy, Bắc Tề và Tấn cũng đã xây Vạn Lý Trường Thành với nhiều kích cỡ khác nhau để chống lại chế độ du mục phía bắc. Thời kỳ này, mục đích xây dựng Vạn Lý Trường Thành chuyển từ phòng thủ lẫn nhau giữa các nước chư hầu sang điều chỉnh mâu thuẫn giữa chế độ nông canh và du mục, duy trì trật tự kinh tế xã hội trong và ngoài Vạn Lý Trường Thành. Nhờ Vạn Lý Trường Thành mà số lượng và quy mô các cuộc chiến tranh đã giảm đi rất nhiều.
Mọi người đều biết rằng người hiện đại sử dụng bê tông để xây dựng nhà cửa bởi nó sẽ rắn chắc hơn. Vào thời cổ đại, không có bê tông, người ta chỉ có thể sử dụng gạch đá và bùn để xây nhà. Tuy nhiên, phương pháp xây dựng này không thể chịu được thử thách của thời gian và nó sẽ sụp đổ sớm muộn. Tần Thủy Hoàng khi ra lệnh xây Vạn Lý Trường Thành đã yêu cầu những người thợ thủ công phát minh ra một vật liệu đặc biệt có thể chống được mưa nắng.
Trải qua hơn 2.000 năm mưa gió, đến nay, Vạn Lý Trường Thành vẫn sừng sững tồn tại. Tại sao một công trình xuất hiện từ thời cổ đại lại có thể vững chắc đến như vậy? Liệu nó có được xây dựng từ những vật liệu quý hiếm và phức tạp nào không?
Các nghiên cứu đã chỉ ra một loại vữa đặc biệt đã giúp cho bức tường trường tồn với thời gian. Theo đó, người thợ hồ thời cổ đại đã trộn súp gạo nếp với đá vôi nung ở nhiệt độ cao và một vài thành phần khác. Loại vữa đặc biệt này rất rắn chắc, không thấm nước và bền hơn rất nhiều so với vữa bằng vôi nguyên chất.
Không chỉ Vạn Lý Trường Thành, rất nhiều công trình khác từ thời cổ đại ở Trung Quốc đều sử dụng vữa từ gạo nếp để xây dựng. Chẳng hạn như Tử Cấm Thành, Khu nghỉ mát núi Thừa Đức, Lăng mộ nhà Thanh, Tường chắn sông Tiền Đường, những ngôi chùa và cầu cổ thời nhà Đường hay nhà Tống ở Tuyền Châu, các bức tường cổ ở Nam Kinh, Tây An, Kinh Châu... Dù trải qua hàng trăm năm lịch sử nhưng những công trình này vẫn sừng sững tồn tại.
Ngay cả thời buổi vật chất dư dả như hiện nay, việc dùng thức ăn để xây dựng cũng rất xa xỉ, huống chi là vào thời cổ đại khi năng suất mùa vụ còn thấp, khi con người còn không đủ ăn và mặc cơ bản. Như vậy, việc dùng súp gạo nếp để xây Vạn Lý Trường Thành đủ thấy các triều đại Trung Quốc cổ đại đã làm một điều xa hoa tới mức nào.