Mất đất mới biết mình bị con dâu “khai tử”
Nhìn ngôi nhà của mình tại thửa đất số 70 + 70A tờ bản đồ số 19, số 62A, ngõ 399 Âu Cơ (sổ cũ là tổ 7 cụm 1), phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội mà không thể vào khiến 2 cụ Đỗ Văn Hợp và vợ là Nguyễn Thị An (cùng 88 tuổi, ở quận Tây Hồ) không khỏi xót xa. Thế nhưng, câu chuyện đằng sau đó còn khiến các cụ nghĩ ngợi hơn cả, vợ chồng cụ Hợp vẫn sống khỏe mạnh nhưng lại bị con dâu “khai tử” cách đây 5 năm, phải đến khi nhà đất trên bị mất thì các cụ mới tá hỏa rằng mình “chết” từ bao giờ.
Gặp lại các cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An vào một ngày đầu đông se lạnh, lắng nghe tâm sự của các cụ mới hay, năm 1998, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp chia cho con trai cả tên Đỗ Mạnh Tiến mảnh đất có tổng diện tích hơn 180m2 ở ven Hồ Tây. Bảy năm sau, ông Tiến qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bà Vũ Thị Viễn (vợ ông Tiến) cùng 2 con gái ở lại trong ngôi nhà 3 tầng xây trên mảnh đất này.
Sau khi chồng mất, bà Viễn bí mật đến phòng Công chứng số 3 Hà Nội kê khai giấy tờ và làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm một nửa quyền sở hữu nhà và một nửa quyền sử dụng đất. Các thủ tục được 2 con gái của bà Viễn đồng thuận.
Điều đáng nói ở đây, dù bố mẹ chồng bà Viễn vẫn sống nhưng bà Viễn lại khai rằng 2 cụ đã chết để được nhận số tài sản trên.
Ngày 4/7/2006, trong giấy tờ thông báo về việc khai nhận di sản có xác nhận thông tin của bà Viễn có ghi: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.
Căn cứ vào văn bản của bà Viễn, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở. Đáng chú ý, trong đó có nội dung ghi các cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết.
Sau đó, bà Viễn tự ý thực hiện thủ tục sang tên nhà đất nói trên, đến năm 2015 thì chuyển nhượng nhà đất cho anh Nguyễn Nghĩa và chị Hoàng Thùy Linh tại phòng Công chứng số 1, TP.Hà Nội.
Do bà Viễn không rời khỏi nhà đất trên nên anh Nguyễn Nghĩa và chị Hoàng Thùy Linh đã làm đơn khởi kiện bà Viễn, đòi nhà cho ở nhờ. Phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài trong suốt 5 năm, đến nay chưa có hồi kết. Hai cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự này.
Bố chồng đề nghị xử con dâu theo đúng pháp luật
Nguyên nhân khiến vụ án kéo dài, một phần do bà Vũ Thị Viễn và một số cơ quan, cá nhân liên quan đến vụ án nhiều lần vắng mặt, khiến phiên xử không được diễn ra theo đúng kế hoạch.
Khi được hỏi cụ Hợp, thời điểm nào cụ biết mình bị con dâu “khai tử”? Giọng nói run run, cụ ông cho biết, khoảng năm 2015, khi cháu Đỗ Thị M. (con gái cả của bà Viễn) chạy sang nói với ông: “Ông ơi! Mẹ cháu khai tử ông lâu rồi”, đồng thời thông báo về việc mẹ mình đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho vợ chồng chị Linh. Vợ chồng cụ Hợp gần như ngã ngửa trước tin sét đánh mà cháu nội vừa thông báo.
Kể đến đây, cụ Hợp nhớ lại, ngày xưa khi bà Viễn về làm dâu, chính cụ Hợp đã chạy vạy đi xin việc cho con; sau này lại xin cho bà Viễn ra nước ngoài lao động. Thời điểm bà Viễn ra nước ngoài để lại 2 con gái nhỏ (cháu thứ hai mới được 7 tháng) cho các cụ chăm sóc.
Sau này bà Viễn về nước, các cụ vẫn chạy đi chạy lại, có lúc lại ở cùng trên thửa đất tranh chấp trên vừa để trông nom nhà cửa và chăm cháu cho vợ chồng bà Viễn yên tâm đi làm.
Cụ An thường ngày vẫn trồng trọt ở ngoài bãi, có rau củ sạch, ngon nhất đều mang về cho vợ chồng con cả. Theo lời cụ Hợp kể, sau khi con trai đầu của mình mất đi, có đồ ăn ngon, có ngọn rau sạch, các cụ vẫn mang sang cho 3 mẹ con bà Viễn. Ông bà đối đãi với con dâu không khác gì con gái, thậm chí còn thương hơn bởi hoàn cảnh “mẹ góa, con côi”, nhưng không ngờ bà Viễn lại đang tâm khai tử bố mẹ chồng khi hai cụ vẫn đang còn sống khỏe mạnh để chiếm nhà đất?!
Tại phiên tòa mở lần thứ năm vào ngày 18/9 vừa qua tại TAND TP.Hà Nội, mặc dù vắng mặt một số đương sự nhưng HĐXX vẫn tiến hành xét xử. Căn cứ quá trình hỏi đáp giữa các bên, HĐXX xét thấy việc bà Viễn khai tử bố mẹ chồng khi 2 cụ vẫn đang còn sống có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để làm rõ. Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận hành vi của bà Viễn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì HĐXX sẽ tiếp tục xét xử.
Nói về nhận định của HĐXX, bản thân cụ Hợp bày tỏ quan điểm: “Bố mẹ chồng đang còn sống khỏe mạnh nhưng cô Viễn lại đang tâm khai tử. Sự việc này là quá là sai, quá trầm trọng nên đề nghị cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội”.
Sau 5 phiên tòa, vụ án “con dâu “khai tử” bố mẹ chồng” vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Trong khi đó, vì tuổi đã cao, sức đã yếu nên vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An chỉ mong vụ án nhanh chóng khép lại, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình.