Thanh Hoá: Tìm giải pháp tạo nguồn thu ngân sách bền vững từ hoạt động xuất nhập khẩu

Thanh Hoá thực hiện nhiều biện pháp đa dạng hoá, ưu đãi và rút ngắn thủ tục hành chính để tạo lập, phát triển các nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Nguy cơ giảm thu  

Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 19.806 tỷ đồng, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2021 (19.806,25 tỷ đồng/12.031.05 tỷ đồng). Kết quả này đạt hơn 180% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (11.000 tỷ đồng) và 113,18% so với chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao (17.500 tỷ đồng).

Trong năm 2023, thu từ Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa dự kiến giảm còn 13.500 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2022. Tuy nhiên, dự kiến năm 2023 công tác thu NSNN của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức do tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến khó lường... từ đó tác động tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Theo ghi nhận từ Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa, các hàng hóa xuất nhập khẩu chịu thuế tại địa phương chủ yếu là hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn, với các mặt hàng như: dầu thô nhập về của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nguyên phụ liệu sản xuất (than đá, dầu cọ, hóa chất, sắt thép phế liệu,..) cho một số dự án đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn, cùng các sản phẩm xuất khẩu truyền thống  như dăm gỗ, đá vôi, tuy nhiên số lượng không nhiều. Theo đó, số thu NSNN từ các nhóm hàng hóa nêu trên chiếm hơn 98% tổng số thu NSNN hàng năm, trong đó Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm khoảng 85%.

Chính sách - Thanh Hoá: Tìm giải pháp tạo nguồn thu ngân sách bền vững từ hoạt động xuất nhập khẩu

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ trọng lớn trong thu NSNN từ XNK trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Mặc dù các mặt hàng trên đem lại các nguồn thu tương đối ổn định thường niên, tuy nhiên do chiếm tỷ trọng lớn nên số thu NSNN bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến động từ các các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn nêu trên.

Đơn cử, số thu từ dầu thô nhập khẩu của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với khoảng 85% tổng thu NSNN hàng năm. Tuy nhiên, nguồn thu này lại phụ thuộc lớn vào sự biến động giá dầu thô thế giới, trong đó chịu sự tác động mạnh bởi các yếu tố vĩ mô như: tình hình chính trị thế giới, nhu cầu dầu thô của thị trường thế giới, quyết định sản lượng của các tổ chức dầu mỏ lớn như OPEC, xung đột vũ trang… do đó gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác dự báo, hoạch định số thu hàng năm.

Cũng theo Cục Hải quan Thanh Hóa, tạm tính trong những tháng đầu năm 2023, giá dầu thô thế giới giảm mạnh so năm 2022 từ mức 98 USD/thùng còn hơn 80 USD/thùng. Mặc dù khi giá dầu giảm sẽ giúp chi phí "logictics" giảm so với cùng kỳ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, thực trạng trên cũng khiến thu NSNN từ dầu thô giảm tới 90 tỷ đồng trên 1 chuyến tàu nhập khẩu.

Mặc khác, theo thông báo của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong năm 2023, đơn vị này sẽ tiến hành bảo dưỡng lớn định kỳ theo thiết kế do đó nhà máy sẽ tạm ngừng nhập khẩu dầu thô với khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng tùy theo mức độ bảo dưỡng. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu dầu thô từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ giảm mạnh, khiến số thu NSNN từ dầu thô năm 2023 nguy cơ sẽ giảm tương ứng 3.000 - 5.000 tỷ đồng, tạm tính với mức giá hiện tại. Trong khi việc tìm kiếm các nguồn thu khác bù đắp sự sụt giảm nêu trên trong bối cảnh kinh tế hiện tại dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tiếp đó, qua công tác nắm bắt tình hình XNK đầu năm 2023 tại một số doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn cho thấy, năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp XNK đang gặp nhiều khó khăn, rất ít đơn đặt hàng mới do nhu cầu thấp của thị trường trong nước và các thị trường nước ngoài truyền thống như EU, Mỹ.

Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc bước đầu tìm kiếm các thị trường mới như Ấn độ, Nga,… điều này cũng sẽ ít nhiều tác động đến thu NSNN do chính sách thuế của Việt Nam đối với các khu vực khác nhau trên thế giới, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến công tác thu NSNN trên địa bàn.

Giải pháp thu bền vững

Theo Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua đơn vị này đã chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng thu và chống thất thu NSNN. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp nhằm vận động, thu hút doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp XNK hàng về làm thủ tục hải quan tại Thanh Hóa; đẩy mạnh đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính – hiện đại hóa hải quan theo lộ trình của ngành Hải quan, tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đảm bảo bố trí đúng người – đúng việc; tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; tập trung kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá… đảm bảo thu đúng, thu đủ góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Thực tế, sau khi có các chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa và qua công tác phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc thu hút, vận động đã có thêm nhiều doanh nghiệp mới tại các tỉnh lân cận (chủ yếu từ Nghệ An) tìm hiểu và đăng ký làm thủ tục tại Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo Cục Hải quan Thanh Hóa thì số doanh nghiệp này hầu hết là doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ vì vậy đóng góp cho thu NSNN từ XNK trên địa bàn còn rất hạn chế.

Trong năm 2022, đã có gần 30 doanh nghiệp mới (chủ yếu là doanh nghiệp ngoài tỉnh) đăng ký làm thủ tục tại các Chi cục trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, đã thu hút thêm tuyến tàu container của hãng VIMC, bên cạnh tuyến của CMA-CGM đang hoạt động trước đó. Đồng thời, với việc cải cách hành chính, nâng cao nghiệp vụ cán bộ chuyên trách, trong năm 2022, Cục Hải quan tỉnh Thanh hóa đã truy thu NSNN hơn 120 tỷ đồng.

Chính sách - Thanh Hoá: Tìm giải pháp tạo nguồn thu ngân sách bền vững từ hoạt động xuất nhập khẩu (Hình 2).

Hầu hết nguồn thu NSNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tới từ các hoạt động XNK qua cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay do ảnh hưởng lớn từ Lọc hóa dầu Nghi Sơn khiến số thu NSNN trên địa bàn giảm sút. Vì vậy, nhằm tạo nguồn thu bền vững từ việc thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, nhất là các "đại bàng" về làm tổ. Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2023 với nội dung chính là khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính và tăng cường nâng cao công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2023, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính – hiện đại hóa hải quan theo lộ trình của ngành Hải quan, trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Bên cạnh đó, sớm tiếp cận triển khai mô hình Hải quan thông minh, Hải quan số để tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Tiếp đó, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa quán triệt, lập kế hoạch và phân công chi tiết cho các đơn vị triển khai thực hiện 7 nhóm giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 479/CT-CTHQ ngày 06/02/2023 của Tổng cục Hải quan. Trong đó, sẽ tập trung cao độ thực hiện các nhóm giải pháp chống thất thu NSNN như: kiểm tra trị giá tại khâu tham vấn, rà soát phân loại và áp dụng mức thuế, tăng cường quản lý đối với công tác miễn - giảm - hoàn thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá, thuế suất, để đảm bảo thu đúng - thu đủ - thu kịp thời.

Về giải pháp chống hành vi gian lận, Cục Hải quan Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc khai báo hải quan đối với hàng hóa XNK trong tất cả các khâu từ trước -  trong – sau thông quan thông qua các biện pháp nghiệp vụ như: trực ban hải quan, giám sát hải quan trực tuyến, kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra theo chuyên đề quản lý tuân thủ,… với mục tiêu không để lọt các hành vi vi phạm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn như cơ quan Thuế, Biên phòng, Công an,... giữa các đơn vị, bộ phận thuộc và trực thuộc Cục Hải quan và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch thu NSNN tại các đơn vị để đạt kết quả cao nhất.

Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 35.400 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa 21.900 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 13.500 tỷ đồng.

Việt Phương