Bệnh viện E (Hà Nội) vừa tiếp nhận anh N.T.A., 26 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội được Trung tâm cấp cứu 115 chuyển đến trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím toàn thân…
Nhận thấy đây là ca bệnh nặng, bệnh viện ngay lập tức khởi động báo động đỏ cấp cứu tích cực cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiến vào trạng thái hôn mê sâu, phải duy trì thuốc vận hành liều cao để duy trì nhịp tim, huyết áp.
Để tìm phương án điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và đưa ra quyết định, vừa áp dụng các biện pháp hồi sức, vừa phải giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não nặng nề cho bệnh nhân sau này.
Bệnh nhân được chỉ định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não, giảm thiểu di chứng thần kinh, hồi sức bằng máy thở, lọc máu liên tục…
Sau khi hạ thân nhiệt chỉ huy được 24 giờ, tình trạng bệnh nhân bắt đầu ổn định hơn, có nhịp thở, đồng tử thu nhỏ, có phản xạ. Điều trị 5 ngày, bệnh nhân có các phản xạ tay khi kích thích, huyết áp gần như ổn định trở lại. Sang ngày thứ 7, bệnh nhân có thể mở mắt theo y lệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hải Vinh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E, ngừng tim có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại thì đối với những bệnh nhân ngừng tim ngoại viện, tỷ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10%.
Mặt khác, nhiều bệnh nhân dù sống sót nhưng có di chứng thần kinh nặng nề như tổn thương não, tim… Hậu quả gây phù não, viêm và hoại tử đến chết não và tử vong.
“Vì vậy, trong trường hợp này, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt theo mục tiêu để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Vinh nói.