Thấy bạn bè quyên góp tiền ủng hộ bão lũ, con gái về xin mẹ nhưng nhận được câu trả lời xót xa

“Từ thiện là tự nguyện, không phải là trách nhiệm” - người mẹ nói.

Dạy con biết sẻ chia, tương thân tương ái là bài học vỡ lòng mà nhiều gia đình đã rèn con từ nhỏ, với hy vọng con lớn lên sẽ trở thành một người giàu tình cảm, có ích cho đời và cho người. Không chỉ bố mẹ, mà thầy cô giáo cũng luôn ưu tiên dạy học sinh những điều này.

Là một người mẹ, tôi tự hào khi bản thân đã giáo dục con gái ngay khi còn nhỏ về giá trị của việc cho đi và nhận lại. Chính vì thế, những ngày qua trước vô số nguồn thông tin cập nhật về tin tức bão lũ ở miền Bắc, cứ đi học về nhà là con gái lại hỏi mẹ tình hình, tự mở tivi ra xem rồi ngồi khóc ngon lành dù tôi không biết con có thực sự hiểu được tất cả những gì đang diễn ra hay không.

Ảnh minh hoạ

Hôm nay, trên đường đón con, đứa trẻ hạnh phúc kể với mẹ về việc nhà trường phát động quyên góp tiền để ủng hộ những bạn ở vùng bão lũ. Con nói con rất muốn tham gia, và hứa với tôi sẽ phụ giúp mẹ công việc nhà, chỉ cần mẹ cho tiền để con có thể góp một chút xíu tấm lòng của mình. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ nghĩa cử cao đẹp này nên đã đồng ý với con. Thấy con hiểu chuyện và sống tình cảm như thế, tôi vui lắm!

Được mẹ cho tiền quyên góp cùng các bạn, con gái tôi hào hứng đến nổi đi khoe chuyện này khắp nơi. Lúc đưa bạn hàng xóm chung lớp về nhà chơi, con vẫn tiếp tục luyên thuyên với bạn, tuy nhiên cô bạn lại bật khóc. Khi tôi hỏi chuyện thì mới biết, hoá ra nhóc tỳ không được mẹ đáp ứng nguyện vọng cho tiền ủng hộ.

Cô bé buồn rầu nói:

- Nhà con nghèo lắm!

Tôi sững sờ trước lời này của đứa trẻ, vì cả chung cư ai cũng biết, bố mẹ bé rất giàu. 

- Ai nói với con là nhà con nghèo? - tôi gặng hỏi

- Là mẹ ạ! mẹ bảo với con là nhà mình làm gì có nhiều tiền mà ủng hộ. Con đã năn nỉ mẹ suốt cả tối, nhưng mẹ vẫn không đồng ý. Lúc con nói mẹ trong lớp các bạn đều quyên góp, mẹ con đã rất tức giận, mẹ còn nói “từ thiện là tự nguyện, không phải là trách nhiệm”.

Ảnh minh hoạ

Nghe những gì bạn học con gái kể, cảm xúc trong tôi lẫn lộn. Tôi biết chuyện nhà người khác thật sự không nằm trong phạm vi mà bản thân phải lo, nhưng tôi vẫn có chút gì đó rất buồn từ tận đáy lòng. Tôi tự hỏi, tại sao một số bậc bố mẹ lại có thể sử dụng câu cửa miệng “nhà mình làm gì có tiền”, “nhà mình rất nghèo” để nuôi dạy con. Liệu họ có thực sự nhận ra, bản thân đang gặp phải lỗi lầm tai hại trên hành trình giáo dục đứa trẻ của mình không… rồi một ngày, người hàng xóm của tôi sẽ phải hối hận, tôi tin là như vậy.

Tâm sự từ độc giả mocnhien…@gmail.com

"Nhà mình nghèo lắm" hẳn là câu nói quen thuộc của khá nhiều bậc phụ huynh khi nuôi dạy con cái. Nhiều người cho rằng đưa ra lý do gia đình nghèo, không có tiển để không thể đáp ứng những nhu cầu mua sắm của con cái là cách giúp đứa trẻ không còn vòi vĩnh, mè nheo, dạy con bằng cuộc sống thiếu thốn để trẻ trải nghiệm những thiếu hụt vật chất, phải bắt đầu bằng những công việc bình thường để đi đến thành công.

Tuy nhiên không phải lúc nào việc nói "nhà mình không có tiền" cũng là cách giáo dục con cái đúng đắn, thậm chí nếu áp dụng quá nhiều, sai trường hợp còn gây nên những tác động tiêu cực đến trẻ, thậm chí là "hủy diệt" một cuộc sống của đứa trẻ.

- Tạo nên một đứa trẻ tự ti, nhút nhát

Những người không có tiền đi đến đâu cũng thường nhút nhát, thiếu tự tin hơn so với những người có điều kiện về kinh tế. Tương tự như vậy, đứa trẻ thường xuyên được nghe bố mẹ nói những câu về chuyện nghèo khó trong tiền bạc sẽ khiến bé hình thành lối suy nghĩ "nghèo khổ", không muốn đụng vào, sờ vào những món đồ mà mình yêu thích. Bởi đơn giản trẻ hiểu rằng bản thân không có tiền thì không được ước mơ và không được sờ vào những thứ đó. Tự ti quá lâu về bản thân có thể khiến trẻ không thể vươn lên được.

- Tâm lý không muốn cố gắng

Việc từ chối mua món đồ gì đó cho con vì bố mẹ không có tiền sẽ hình thành tính tiết kiệm, không chỉ tiêu hoang phí cho trẻ. Song song với đó cũng có thể hình thành lối suy nghĩ an phận đối với mỗi đứa trẻ. Theo đó trẻ chỉ cần suy nghĩ mình không có tiền thì mình không mua món đồ đó. Và món đồ đó thực chất mua về cũng lãng phí. Như vậy thì đúng là tốt nhất không nên mua. Từ đó trẻ không biết cách phấn đấu, tìm cách để đạt được những thứ mình thích, không biết phần đấu trong cuộc sống.

- Thiếu trách nhiệm

Cuộc sống khắc khổ vì không có tiền bạc được bố mẹ định trước trong tiềm thức của trẻ từ đó đứa trẻ sẽ nghĩ rằng chỉ cần lấy lý do không có kinh tế, tài chính là có thể giải quyết được tất cả mọi việc. Từ đó trẻ sẽ thiếu đi tính trách nhiệm của chính bản thân mình. Không có tiền nên không cần đi học, không có tiền thì không cần mua quần áo đẹp, không có tiền thì không cần đi chơi...

Việc yêu cầu, đòi hỏi của con trẻ với các bậc cha mẹ là điều bình thường nên việc cần làm của cha mẹ là nỗ lực làm việc để có điều kiện kinh tế tốt nuôi dạy con cái. Tuy nhiên cha mẹ cần cho con biết rằng vật chất không phải là tất cả của hạnh phúc, để có được những thứ mình muốn, bản thân mình phải phấn đấu và nỗ lực.

TRANG TRI