Theo quy định mới, lao động nữ có quyền lựa chọn làm công việc ảnh hưởng tới sức khỏe

Lao động nữ có quyền lựa chọn làm công việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và nuôi con, nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động khi làm nghề.

Từ ngày 1/1/2021, Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con sẽ có hiệu lực. Đáng chú ý trong quy định mới được áp dụng, người lao động, bao gồm cả nam và nữ có thể tùy ý lựa chọn công việc.

Cụ thể, Điều 11 Thông tư này quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

-Công bố công khai để người lao động biết về những nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con đang có tại nơi làm việc;

- Cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để người lao động lựa chọn, quyết định làm việc;

Thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, khi sử dụng người lao động làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, người lao động phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để xem xét, quyết định việc giao kết, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định.

Ngoài ra, người lao động phải tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động khi làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con theo hợp đồng lao động.

So sánh với trước đây, Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH “cấm” sử dụng lao động nữ làm một số công việc nhất định, thì nay, người lao động nam và nữ có quyền lựa chọn công việc.