Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Sẽ có nhiều điểm 8, 9 môn Toán

Các giáo viên tổ Toán nhận định với đề thi môn Toán tốt nghiệp THPT đợt 2, tỉ lệ điểm 8, 9 sẽ tương đối nhiều, đỉnh của phổ điểm rơi ở ngưỡng 7 điểm.

Theo tờ Giao thông, nhận định của các giáo viên trong tổ Toán của Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi chính thức môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 bám sát mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ GD&ĐT công bố.

Đồng thời, đề thi có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Điều này đảm bảo sự an tâm cho các thí sinh vì điều kiện đăc biệt của năm 2020 phải lùi thời gian thi so với các bạn và phù hơp với tình hình chung của năm học 2019-2020.

Về nội dung kiến thức, đề thi vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung mà học sinh đã được làm quen và ôn luyện.

Các thí sinh tại điểm thi Trường Chuyên THPT Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) làm bài thi môn Toán. 

Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11. Nội dung đề thi vẫn chủ yếu rơi vào học kì I của lớp 12.

Về độ khó của đề thi, có khoảng hơn 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao (14% tương đương 7 câu).

Nhìn chung, cấu trúc này là phù hợp với mục tiêu của kì thi, những câu hỏi ở mức điểm 8, 9, 10 thuộc kiến thức lớp 11 và học kì I lớp 12 và nhằm mục tiêu phân hóa thí sinh. Những câu hỏi vận dụng cao có dạng thức tương tự như các câu hỏi của đề lần 1. Với đề thi này, tỉ lệ điểm 8, 9 sẽ tương đối nhiều. Điều này cũng tương tự với kết quả đã công bố và phổ điểm của đề thi đợt 1.

TTXVN thông tin thêm, có thể nói, những thí sinh phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực về tâm lí so với các bạn đã thi nhưng nếu các bạn biết cách tập trung ôn tập, làm quen và xử lí các câu hỏi của đề thi đợt 1 thì các em sẽ làm bài tốt tại kì thi đợt 2 này.

Với đề thi này, đỉnh của phổ điểm sẽ rơi ở ngưỡng 7 điểm, và vẫn có 1 khoảng hẹp dùng để phân loại thí sinh cho các mục tiêu xét tuyển đại học.