UAE và Nga vừa thông báo có quyết định cấm xuất khẩu gạo, chỉ 1 tuần sau khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm bán ra quốc tế các loại gạo không phải là Basmati để bình ổn giá trong nước.
Báo VTV đưa tin, ngày 29/7, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo trên mạng xã hội của Bộ Kinh tế nước này về việc cấm xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28/7, áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.
Đồng thời, UAE cũng cấm tái xuất khẩu gạo được nhập từ Ấn Độ sau ngày 20/7. Trong trường họp các doanh nghiệp muốn xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo sẽ phải xin phép Bộ Kinh tế. Nếu được thông qua, giấy phép sẽ có hiệu lực trong 30 ngày.
Mỗi năm UAE nhập khẩu 90% lương thực. Do đó, các siêu thị và nhà cung cấp gạo tại UAE dự báo quyết định cấm xuất khẩu gạo sẽ đẩy giá lương thực tăng cao, dù chỉ là tạm thời.
Mới đây, Chính phủ Nga cũng tạm thời cấm xuất khẩi gạo thô và gạo đã chế biến, sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2023. Quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa. Lệnh cấm này không áp dụng với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng như Abkhazia và Nam Ossetia. Bên cạnh đó, gạo vẫn có thể được gửi ra nước ngoài vì mục đích nhân đạo.
“Làn sóng” cấm xuất khẩu gạo trong tháng 7 bắt nguồn từ việc Tổng cục Ngoại thương (Bộ Công Thương Ấn Độ) ngày 20/7 đã ra thông báo về việc cấm xuấu khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Ấn Độ chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, cũng là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Giờ đây, xuất khẩu tại Ấn Độ sẽ chỉ được tiến hành nếu giới chức cho phép, theo yêu cầu của chính phủ nước khác, nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại nước đó. Với các đơn hàng ký từ trước, giao dịch sẽ vẫn được phép hoàn thành.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo vì cho rằng quyết định này có khả năng làm trầm trọng thêm sự biến động của giá lương thực thế giới. Dẫn đến các biện pháp trả đũa, có thể gây hại cho toàn cầu.
Gạo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân châu Á. Theo phản ánh của giới truyền thông, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường của Ấn Độ đã khiến người Ấn Độ và cộng đồng các nước châu Á khác tại Mỹ xếp hàng dài để mua gạo dự trữ. Gạo basmati - một loại gạo hạt dài của Ấn Độ, không nằm trong lệnh cấm cũng được mua với số lượng lớn. Gạo các loại nhanh chóng "bay khỏi kệ hàng", thậm chí có nơi phải giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 bao.
Khác với Ấn Độ, cả Nga và UAE không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Song, việc thực hiện lệnh cấm cả 2 quốc gia này cũng vẫn khiến thị trường gạo trên toàn cầu thêm chao đảo.
Theo Vietnamnet, điều đáng nói, nguồn cung gạo được dự báo căng thẳng hơn khi El Nino diễn ra trên trên khắp toàn cầu, trong đó nhiều khu vực trồng lúa ở các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng, sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh.
Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới cũng lo ngại sản lượng gạo trong năm nay có thể giảm vì nhiều vùng trồng lúa xứ chùa Vàng đối mặt tình trạng hạn hán, mất mùa.
Ngày 29/7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bày tỏ lo ngại về tình hình nguồn cung lương thực toàn cầu.
Philippines là 1 trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường mua gạo từ Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. dự báo, nguồn cung có thể hạn chế vì nhiều bên mua khác cũng tìm đến Việt Nam.
Do đó, quốc gia này đang phải tìm kiếm thêm gạo từ nguồn cung khác để nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho gạo trên thế giới ước giảm 8,9 triệu tấn, xuống còn 173,5 triệu tấn niên vụ 2022-2023; dự kiến năm 2023 - 2024 còn 170,2 triệu tấn. Dự báo gạo còn thiếu hụt nhiều hơn trong những năm tới.
Hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự báo giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ duy trì quanh mức cao hiện nay cho đến năm 2024 trong bối cảnh thị trường thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Thị trường gạo thế giới sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong niên vụ 2023/2024 khi sản lượng gạo tại nhiều nước phục hồi, thông tin trên tạp chí Công Thương.
Vân Anh (T/h)