Thủ tướng: Đề xuất cụ thể lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ khám bệnh

Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát, báo cáo trước ngày 30/6/2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Theo Thủ tướng, với các chỉ đạo điều hành vừa qua đã góp phần ổn định mặt bằng giá cả, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, việc kiểm soát giá có nhiều áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Đề xuất cụ thể lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ khám bệnh

Thủ tướng yêu cầu đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng như điện, dịch vụ giáo dục (Ảnh: PT).

Các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...).

“Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024”, Thủ tướng yêu cầu.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ ngành địa phương phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm, có giải pháp kịp thời đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong giới hạn 4 - 4,5%, phấn đấu 4%.

Với từng mặt hàng cụ thể, trước hết là mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung, không để thiếu xăng dầu, điều hành giá theo quy định, tăng kiểm soát thị trường, áp dụng hóa đơn điện tử.

Với các mặt hàng điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và mặt hàng đang xem xét điều chỉnh giá, cần chủ động có phương án điều chỉnh với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát.

Mặt hàng lương thực thực phẩm cần theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá đầu vào, nhu cầu tiêu dùng thị trường các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng cung cầu. Theo dõi sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đảm bảo cung cầu, bình ổn giá.

Với dịch vụ vận tải hàng không, cần ổn định năng lực vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.

Với dịch vụ giáo dục, cần nắm bắt thông tin về mức điều chỉnh học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, đánh giá tổng thể mức độ tăng và tình hình triển khai thực hiện, kiểm soát và điều hành không để tăng giá sách giáo khoa và các dịch vụ giáo dục bất hợp lý gây hậu quả lạm phát giá tiêu dùng.

Thủ tướng cũng yêu cầu công khai, minh bạch trung thực về thông tin giá, tránh thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận, thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng. Xử lý nghiêm việc tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường để ổn định tâm lý.

Nguyễn Thu Huyền/Người đưa tin