Tại họp báo kinh tế-xã hội chiều 11/7, báo Thanh niên dẫn lời Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho hay, hiện thành phố chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu nào như các thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Theo ông Tâm, ca bạch hầu gần nhất ghi nhận tại TP.HCM vào năm 2020, là một bệnh nhân ở tỉnh đến TP.HCM. Từ đó đến nay thành phố chưa ghi nhận thêm ca mắc bạch hầu nào như các thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo HCDC, việc nắm bắt thông tin để phòng bệnh là tốt, tuy nhiên hiện người dân đang có tâm lý hoang mang về dịch bệnh bạch hầu.
"Vi khuẩn bạch hầu vừa gây nhiễm trùng, nhiễm độc lây lan nhanh và có thể gây tử vong. Tuy nhiên khác với các loại dịch bệnh khác, bạch hầu có vắc xin phòng bệnh và có thuốc đặc trị như huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, kháng sinh... Do đó nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi bệnh. Người dân có thể tìm hiểu kiến thức để phòng bệnh nhưng không nên hoang mang trước thông tin không chính xác về dịch bệnh này", ông Tâm cho hay.
Các triệu chứng nhận biết sớm bệnh bạch hầu cần chú ý như xuất hiện giả mạc, vùng họng đóng màng trắng, đau họng, ho sốt, khó thở, mệt mỏi, chán ăn... Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu là có thể gây bít tắc đường hô hấp do giả mạc, biến chứng suy tim, suy đa cơ quan...
Cũng trong ngày 11/7, báo Hà Nội mới đưa tin, HCDC đưa ra khuyến cáo sau khi một số địa phương phía Bắc xuất hiện ca bạch hầu, nguy cơ bệnh lây lan đến TP.HCM cao, bởi thành phố là đầu mối giao thương lớn, dân cư đông.
Theo số liệu từ HCDC, tính đến tuần 27, thành phố ghi nhận 53 ca bệnh sởi và 44 ca bệnh ho gà. Từ đầu năm 2024 đến nay, một số tỉnh phía Bắc đã ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Đây đều là bệnh truyền nhiễm có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
HCDC khuyến cáo, tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Người lớn và trẻ lớn chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm nhắc cần đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ...