Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vượt 80 tỷ USD

Với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 80 tỷ USD sau 9 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 8,11 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 70,23 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ gặp khó khăn do nhu cầu thị trường suy giảm, nên kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 85,2 tỷ USD). Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 12,5 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,82 tỷ USD; dệt may đạt hơn 11 tỷ USD…

Ngược lại, đến hết tháng 9/2023, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 10,26 tỷ USD, giảm khoảng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 80,5 tỷ USD trong 9 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - Bộ Công Thương nhận định: Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp sản phẩm nguồn như: Bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… Do đó, việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ tạo ưu thế quan trọng là giúp làm "sạch hóa" chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Kinh tế vĩ mô - Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vượt 80 tỷ USD

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ. 

Hơn nữa, Việt Nam và Hoa Kỳ có tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Bởi Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trẻ như: Dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…

Ngoài ra, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.

Dự báo từ nay đến cuối năm và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ có sự khởi sắc hơn khi nhu cầu thị trường tăng lên, tồn kho giảm.

Ở chiều ngược lại, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình gần 7%/năm, dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho công ty của Hoa Kỳ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ Công Thương khuyến cáo, với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là giá cả. Cùng đó, chất lượng và yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi cung ứng sạch và bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Vì vậy, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ.

Qua 10 năm (năm 2012 - 2022), kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng liên tục, từ 25 tỷ USD lên trên 123 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ dần hồi phục 

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,14 tỷ USD, giảm 12% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 1% so với tháng 9/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 760 triệu USD, giảm 9,5% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 1,7% so với tháng 9/2022.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường chủ chốt, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 9/2023 đã dần phục hồi, đạt 616,9 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng 9/2022.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ đạt 5,2 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2022, mức độ giảm đang có xu hướng thu hẹp khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng trong những tháng gần đây.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm, bởi trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 53,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

 

Hương Anh (t/h)