Tiêm filler môi tưởng đơn giản nhưng làm sai rất khó sửa, chị em lưu ý trước khi làm đẹp đón Tết 2025

Filler môi được xem là một thủ thuật giúp mang lại hiệu quả tức thì giúp bạn sở hữu bở môi căng mọng, thể nhưng, đằng sau vẻ đẹp tức thì ấy là những rủi ro tiềm ẩn mà không phải ai cũng nhận ra. Một quyết định thiếu cân nhắc, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, thậm chí không thể sửa chữa hoàn toàn.

Tiêm filler môi đã trở thành một xu hướng thẩm mỹ toàn cầu, được biết đến như một phương pháp "thần kỳ" giúp phái đẹp nhanh chóng sở hữu đôi môi căng mọng, quyến rũ chỉ sau vài phút. Không chỉ mang lại hiệu quả tức thì, thủ thuật này còn được yêu thích bởi tính chất không xâm lấn, ít đau đớn và thời gian phục hồi nhanh chóng.

Với sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp, filler môi không còn là đặc quyền của giới nghệ sĩ hay những người nổi tiếng, mà đã trở thành lựa chọn phổ biến cho hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới, đặc biệt là trong mùa lễ hội cuối năm khi nhu cầu làm đẹp tăng cao.

  Theo báo cáo của Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình và Tái tạo Khuôn mặt Hoa Kỳ, gần 75% bác sĩ phẫu thuật được khảo sát cho biết số lượng bệnh nhân dưới 30 tuổi yêu cầu tiêm filler và các thủ thuật thẩm mỹ khác đang gia tăng.

Thế nhưng liệu tiêm filler môi có an toàn, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ngừng tiêm filler hoặc muốn thay đổi kết cấu của đôi môi? Đây cũng là hàng loạt câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn trước khi quyết định sử dụng phương pháp này, đặc biệt trong dịp Tết 2025  thời điểm mà mọi người đều mong muốn xuất hiện với diện mạo rạng rỡ nhất.

Tiêm Filler môi là gì? 

Tiêm filler môi là một phương pháp thẩm mỹ không phẫu thuật, trong đó một chất làm đầy (filler) được tiêm vào môi để tăng kích thước, định hình hoặc cải thiện đường nét của môi. Filler thường được làm từ axit hyaluronic (HA), một chất tự nhiên có trong cơ thể, giúp giữ nước và tạo độ căng mọng, mềm mại cho môi.  

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn ngừng tiêm? 

Khi ngừng tiêm filler, filler sẽ dần dà tan đi, và môi trở lại hình dáng tự nhiên. Thời gian filler tan phụ thuộc vào loại filler, số lần tiêm, và lượng filler đã sử dụng. Trong giai đoạn đầu, bạn có thể nhận thấy đôi môi kém đầy đặn, nhưng đây là quá trình tự nhiên.  Filler sẽ tan hoàn toàn nhờ enzyme trong cơ thể, thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Tuy nhiên, nếu filler bị tiêm quá nhiều, đôi môi có thể trở nên nhăn nheo và mất độ đàn hồi.

Vì sao tiêm filler môi hỏng lại khó chữa?

Mặc dù bạn có thể tiêm tan filler nếu có dáng môi không ưng ý sau khi thực hiện thủ thuật, thế nhưng nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc môi. Theo các bác sĩ chuyên gia thẩm mỹ, việc tiêm quá nhiều filler có thể làm rão cấu trúc da môi. Dù filler có được tiêm tan, đôi môi vẫn không trở lại độ đàn hồi như trước đây.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật cắt bỏ phần da môi bị giãn. Tuy nhiên, phương pháp này dễ dẫn đến sọc xơ cứng, khiến môi mất đi vẻ mềm mại và tự nhiên. Đây chính là nguy cơ mà phái đẹp cần đặc biệt chú ý. 

Ngoài việc làm da môi bị giãn, “bạn cũng có thể gặp rủi ro hoại tử khi tiêm nhầm vào mạch máu, dẫn đến mất nguồn cung cấp máu và gây hoại tử mô, bác sĩ Theda Kontis, chuyên gia phẫu thuật tạo hình tại Baltimore, cho biết. Ngoài ra, những dụng cụ như bút tiêm hay xóa nếp nhăn cũng được cảnh báo sẽ có thể gây nhiễm trùng, sẹo và biến chứng nghiêm trọng khác.

Nhiều biến chứng cũng có thể xảy ra trong quá trình tiêm filler cho môi. 

 Làm thế nào để tiêm filler môi an toàn và ít để lại biến chứng? 

1. Chọn địa chỉ thẩm mỹ uy tín 

Trước khi quyết định tiêm filler, hãy bắt đầu bằng một buổi tư vấn chuyên sâu với bác sĩ hoặc các chuyên gia để chia sẻ mong muốn và mối lo ngại của bạn. Đây cũng là cơ hội để bác sĩ giải thích những gì có thể thực hiện nhằm mang lại vẻ đẹp tự nhiên và an toàn nhất.

Hãy ưu tiên chọn bác sĩ có chứng nhận chuyên ngành phẫu thuật tạo hình khuôn mặt hoặc da liễu, hoặc chuyên gia y tế làm việc trực tiếp dưới sự giám sát của họ. Theo bác sĩ Theda Kontis, chuyên gia phẫu thuật tạo hình tại Baltimore: “Nếu đến các bệnh viện các bác sĩ được đào tạo bài bản và sử dụng sản phẩm chất lượng. Nhưng nếu đến spa bạn sẽ không biết chắc sản phẩm đó là gì, hay liệu có chuyên gia y tế sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp hay không.”

2. Không chạy theo xu hướng 

Rất nhiều các chuyên gia thẩm mỹ đều khuyên rằng không nên tiêm filler chỉ để theo đuổi các tiêu chuẩn sắc đẹp trên mạng xã hội, bởi chúng có thể không an toàn, khó đạt được hoặc không phù hợp với khuôn mặt của bạn.

Bác sĩ Kontis cho biết thêm cô thường bắt đầu với liều lượng nhỏ, chỉ một ống tiêm filler hoặc thậm chí nửa ống, và sẽ thêm nếu cần. Điều này nhằm đảm bảo kết quả tự nhiên và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái với sự thay đổi.

3. Chăm sóc môi đúng cách 

Chăm sóc môi đúng cách bằng cách tránh tác động mạnh, không dùng sản phẩm gây kích ứng, duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế hút thuốc và tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Định kỳ gặp bác sĩ để kiểm tra và tiêm dặm khi cần thiết. 

PHUONG NGUYEN