Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên trong bối cảnh các bệnh gây viêm đường hô hấp như cúm, Covid-19, phế cầu đang lưu hành cùng lúc. Với cúm, Việt Nam ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm mỗi năm, trong đó có các thai phụ. Còn Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trong vài tuần gần đây với gần 600 ca nhiễm ở 39 tỉnh, thành phố.
Theo bác sĩ Ngọc, tiêm vắc xin cúm trong thai kỳ giúp phòng bệnh, ngăn biến chứng do cúm, giảm nguy cơ bội nhiễm với các tác nhân gây viêm đường hô hấp khác như Covid-19, phế cầu. Tuy nhiên, hiện nhiều mẹ bầu vẫn e ngại tiêm vắc xin vì lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi hoặc xem cúm là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi. Bác sĩ Ngọc nêu các lý do cần tiêm vắc xin sớm để bảo vệ cho cả mẹ và bé.
Cúm đe dọa sức khỏe mẹ bầu và thai nhi
Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ suy giảm tự nhiên để ngăn sự đào thải thai nhi. Điều này dẫn đến việc khả năng chống lại virus, vi khuẩn của cơ thể mẹ suy yếu đáng kể, đặc biệt là trước các mầm bệnh như cúm. Đây là bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp, tốc độ của giọt chứa virus có thể lên đến 1,2 mét mỗi giây.
Mẹ bầu nhiễm virus cúm cũng lâu khỏi hơn người bình thường, kéo dài từ 1-2 tuần. Mắc cúm thường khiến mẹ bầu mệt mỏi, khó ngủ, ăn không ngon, có thể biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang đồng thời xâm nhập các cơ quan khác gây viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim…
Thai kỳ là giai đoạn sức đề kháng của mẹ bầu suy giảm, dễ mắc cúm. Ảnh: Vecteezy
Một khảo sát tổng hợp 152 nghiên cứu đăng tải trên cơ sở dữ liệu y khoa Pubmed cho thấy, phụ nữ mang thai có nguy cơ nhập viện cao hơn 2,4 lần so với người bình thường.
Viêm phổi là biến chứng nguy hiểm nhất với mẹ bầu, tăng nguy cơ tử vong cho mẹ. Tình trạng sốt cao kết hợp với độc tính của virus còn có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu, ngừng phát triển hoặc giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Thai còn có thể mắc dị tật như hở hàm ếch, tim bẩm sinh, rối loạn tâm thần và một số khiếm khuyết khác trên cơ thể.
Mẹ bầu mắc cúm dễ gặp biến chứng nặng, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Ảnh: Vecteezy
Vắc xin giúp giảm biến chứng thai kỳ
Bác sĩ Ngọc cho biết, việc thăm khám và lên kế hoạch tiêm vắc xin là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mẹ và đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin cúm mùa khi được tiêm đều đặn hằng năm có thể làm giảm đến 60% các bệnh liên quan đến cúm, 90% tỷ lệ nhập viện và khoảng 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm. Riêng với phụ nữ mang thai, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tiêm vắc xin cúm giúp giảm gần 40% nguy cơ nhập viện do cúm.
Tiêm vắc xin cúm cho mẹ bầu giúp truyền kháng thể thụ động bảo vệ bé trong 6 tháng chào đời. Ảnh: Vecteezy
Trong những tháng đầu đời, sức đề kháng trẻ còn non yếu, chưa đủ khả năng tự sản sinh kháng thể. Trẻ cũng chưa đủ 6 tháng tuổi để bắt đầu tiêm được vắc xin cúm. Do đó, mẹ tiêm vắc xin đầy đủ sẽ giúp truyền kháng thể thụ động cho thai nhi, bảo vệ trẻ trước bệnh và biến chứng do cúm gây ra. Vắc xin cúm giảm 51% nguy cơ thai lưu và 72% nguy cơ nhập viện do cúm ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Lưu ý khi tiêm phòng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhũ nhi
Vắc xin cúm được sử dụng tại Việt Nam là vắc xin bất hoạt, chứa thành phần của virus cúm đã bị hủy khả năng gây bệnh nhưng vẫn kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống mầm bệnh xâm nhập thật trong tương lai. Do đó có thể tiêm vắc xin cúm cho thai phụ trong tất cả các giai đoạn thai kỳ một cách an toàn. Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, từ tháng thứ 4 trở đi được chuyên gia khuyến cáo là tốt nhất để tiêm.
Hiện Việt Nam có các loại vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới phòng ngừa các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2 và hai chủng cúm B. Trong đó, vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…
Thai phụ tiêm phòng cúm để bảo vệ toàn diện cho mẹ và bé. Ảnh: Mộc Miên
Bên cạnh vắc xin, mẹ bầu nên tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp, hạn chế đến nơi đông người, ô nhiễm và bổ sung các vitamin, đặc biệt là vitamin C, nhằm tăng cường miễn dịch.
Đến khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, gia đình nên cho trẻ tiêm vắc xin cúm để sớm phòng bệnh. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi.
Vắc xin cúm cần tiêm nhắc một mũi hằng năm. Bác sĩ Ngọc giải thích, hiệu quả vắc xin giảm dần theo thời gian, thường từ sau 6 tháng. Virus cúm liên tục biến đổi, thay đổi cấu trúc kháng nguyên, vắc xin cúm được cập nhật mỗi năm phù hợp với chủng cúm đang lưu hành theo khuyến cáo của WHO.
Trẻ đủ 6 tháng tuổi cũng nên được tiêm vắc xin phòng cúm để đảm bảo miễn dịch. Ảnh: Mộc Miên