Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân là hiện tượng cân nặng vượt quá so với chiều cao, còn béo phì là sự rối loạn chuyển hóa mỡ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, nội tiết. Khi đánh giá béo phì thì không chỉ tính đến cân nặng, mà phải tính cả tỉ lệ mỡ trong cơ thể.
Cũng theo WHO, việc giảm cân đòi hỏi một quá trình điều chỉnh dinh dưỡng và tiêu hao năng lượng cơ thể, còn tác động bằng thuốc để giảm cân nhanh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bởi lẽ khi áp dụng biện pháp giảm cân nhanh, thì cơ thể cũng giảm trao đổi chất, thể tích các cơ giảm, dẫn đến suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nuôi dưỡng da…
Tuy nhiên, đánh vào tâm lý của phần lớn chị em phụ nữ, muốn thon thả thật nhanh, nhiều trung tâm làm đẹp, thẩm mỹ viện đã và đang quảng cáo liệu pháp tiêm thuốc tan mỡ.
Theo ghi nhận, tại Việt Nam, hiện có khoảng 100 loại thuốc giảm béo đang lưu hành trên thị trường, gồm 2 dạng là thuốc uống và thuốc tiêm – trong đó thuốc tiêm là những loại như Photphatidylcholine, Deoxycholate, Lipostabil, Dermaheal LL Liponsaure hoặc tổng hợp 3 chất Choline, Inostiol và Methionine. Nhưng dù thuộc dạng nào, nó cũng vẫn quy về 3 loại chính. Đó là thuốc làm no ống tiêu hóa, thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và thuốc gây chán ăn.
Thuốc tiêm giảm cân Lipostabil
Theo Giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, thì: “Tất cả những loại thuốc này đều có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe người sử dụng, trong đó nguy hiểm nhất là loại thuốc gây chán ăn Lipostabil.
Việc tiêm thuốc Lipostabil vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh,… trong vùng tiêm thuốc. Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ sẽ giải phóng ra triglyceride (dầu) ở dạng nhũ tương. Lượng nhũ tương này nếu không được hút ra khỏi cơ thể sẽ gây ứ đọng tại chỗ. Cơ thể sẽ giải quyết lượng dầu ứ đọng bằng cách huy động các đại thực bào và bạch cầu trung tính đến thực bào dọn dẹp phần nhũ tương và các tế bào chết này. Vùng được tiêm hình thành một lượng lớn các hạt mỡ di động (nằm trong các bạch cầu và đại thực bào) đi vào trong máu, đến gan, thận để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, phản ứng này của cơ thể không thể giải quyết ngay lượng lớn triglyceride ứ đọng, gây nên hiện tượng u nang tại chỗ, viêm mô tế bào, thậm chí hoại tử da, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ nguy hiểm.
Thuốc tiêm giảm cân vitamin B12
Chất thứ hai được đồn đại có thể tiêm để giảm cân là vitamin B12. Cách làm đẹp này được lý giải là làm tăng tốc quá trình chuyển hoá, tiêu hao năng lượng. Điều này là sai, vitamin nói chung chỉ là chất xúc tác các phản ứng chứ không thể làm tiêu hao năng lượng. Bệnh nhân được chỉ định tiêm khi thiếu vitamin B12 sẽ gây thiếu máu đặc biệt, còn gọi thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Tiêm vitamin B12 có thể bị nguy hiểm do dị ứng, thậm chí sốc phản vệ gây chết người.
Chế phẩm chứa cholin, inostiol và methionin
Chất thứ ba được dùng để tiêm trực tiếp là chế phẩm chứa: cholin, inostiol và methionin. Chúng giúp ngăn ngừa quá trình mỡ tích tụ quanh gan. Ba chất này đều bắt nguồn từ thực phẩm, có thể liên quan đến chuyển hoá mỡ nhưng quảng cáo có tác dụng làm tan mỡ đến độ giảm cân, chống béo phì chỉ là lời đồn.
Một số trường hợp béo phì bắt buộc dùng thuốc (thuốc được thừa nhận dùng trong điều trị hiện nay là Orlistat), không dùng các loại thực phẩm chức năng, thuốc tiêm để giảm cân. Tiêm thuốc giảm cân luôn là cách rất nguy hiểm vì gây ra nhiều phản ứng đối với cơ thể, thậm chí là hiện tượng sốc phản vệ gây chết người. Những người có nhu cầu giảm cân nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn biện pháp thích hợp và an toàn.
Nguy cơ từ tiêm thuốc giảm cân
TS-BS Phan Minh Hoàng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ kiêm Phó Giám đốc BV quận 2 (TP.HCM), cho biết, tiêm thuốc giảm béo chỉ được xem là kỹ thuật hỗ trợ, không được xem là phương pháp thay thế cho phẫu thuật hút mỡ. Tiêm thuốc giảm béo chỉ được thực hiện cho những vùng lắng đọng mỡ cục bộ nhỏ (cằm, bắp tay, vùng lưng…). Áp dụng phương pháp này cho vùng nhiều mỡ như bụng sẽ không mang lại hiệu quả.
PGS-TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, cho biết tiêm thuốc giảm béo có nguy cơ hủy hoại tế bào mỡ, phá vỡ tế bào mạch máu, thần kinh hoặc những tế bào chung quanh. Điều này dẫn đến nguy cơ gây viêm, thậm chí gây hoại tử da tại chỗ. Chết, tiêm thuốc giảm béo còn có nguy cơ gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Theo ông Hùng, nhiều biến chứng nguy hại do tiêm thuốc giảm béo gây ra nên Brazil và một số nước châu Âu cấm hoặc không khuyến cáo sử dụng.
Theo Tcvn.gov.vn