"Tiền mất tật mang" vì muốn có đôi mắt "như mơ"

Sau phẫu thuật cắt mí mắt, cô gái 33 tuổi như rơi xuống vực thẳm khi gặp biến chứng hậu phẫu thuật và mất thị lực một bên mắt.

Liang Xiaoning, 33 tuổi, Trung Quốc có bên mắt trái một mí bẩm sinh. Tin rằng mắt của mình "khiếm khuyết" và "khó coi", Liang luôn cố che giấu đôi mắt của mình bằng mũ lưỡi trai, tóc mái ngố và kính đen.

Từ khi còn là một đứa trẻ, cô thường bị bạn bè chế giễu, cười nhạo sau lưng và nhiều lần công khai châm chọc. Lớn lên, đôi mắt trở thành trở ngại trên con đường tìm kiếm công việc, tình yêu và hôn nhân của cô.

Năm 21 tuổi, Liang được bác sĩ nhãn khoa của một bệnh viện cấp 3 nói rằng đôi mắt cô không chỉ xấu xí mà còn có khuyết điểm lớn là bọng mỡ bẩm sinh.

Cùng năm đó, cô lần đầu thử can thiệp thẩm mỹ bằng nâng cơ mí mắt. Nhưng vài tháng sau, mí mắt trái lại sụp xuống. Một năm sau, Liang tiếp tục chỉnh sửa bằng phương pháp cắt ngắn cơ nâng mí trên, nhưng mắt cô lại nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu.

Tháng 11/2018, Liang chỉnh sửa mắt lần 3 tại một phòng khám y tế và thẩm mỹ ở Bắc Kinh với phẫu thuật nâng mí mắt Ptosis.

Sau phẫu thuật, hàng loạt biến chứng xảy ra: mí mắt không thể khép lại, đỏ, sưng và chảy nước mắt liên tục, dẫn đến viêm loét giác mạc, phải điều trị lâu dài. Tháng 5/2019, cô làm một cuộc phẫu thuật thu nhỏ mí mắt khác tại viện thẩm mỹ này. Mí mắt cô đã hạ xuống nhưng không căng.

Những vết loét giác mạc dai dẳng cuối cùng để lại mảng trắng đục. Liang mất gần như toàn bộ thị lực mắt trái. Khi nhận kết luận, Liang đã sốc suốt một thời gian và không dám ra khỏi nhà. Nhiều lần cô nghĩ đến chuyện tự tử.

Sau đó, Liang đã kiện bệnh viện thẩm mỹ ra tòa để đòi quyền lợi. Ngày 24/3, cô nhận được bản án dân sự sơ thẩm từ Tòa án quận Triều Dương với kết luận bác sĩ đã phạm lỗi phẫu thuật và có hành vi gian dối, phải bồi thường cho cô tổng số tiền khoảng 300.000 nhân dân tệ.

Đến nay, Liang vẫn chưa chấp nhận được sự thật mình bị mù một bên mắt. Biến chứng sau những ca phẫu thuật thẩm mỹ càng khiến cô tự ti, muốn che giấu mình. Cô đã thay đổi công việc để ít tiếp xúc với mọi người hơn, mỗi ngày đều cố gắng che giấu đôi mắt dị thường.

Bác sĩ Huang Danping, Giám đốc Khoa Nhãn khoa của Trung tâm Nhãn khoa Trung Sơn thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, cho biết: "Nâng mí mắt Ptosis là một phẫu thuật tạo hình mắt chuyên nghiệp hơn so với cắt mắt hai mí. Sau phẫu thuật, mí mắt có thể không khép lại hoàn toàn, khi ngủ cũng không nhắm hết mí mắt. Sau phẫu thuật, cần chăm sóc kỹ càng, giữ ẩm cho nhãn cầu vào ban ngày, bôi thuốc mỡ để bảo vệ mô giác mạc và giữ ẩm. Sau một thời gian, tình trạng này sẽ hết".

Theo Huang Danping, đây là loại phẫu thuật yêu cầu bác sĩ có trình độ cao, ngoài tác dụng nâng mí còn phải quan tâm đến chức năng đóng lại của mí mắt. Những bệnh nhân gặp biến chứng nên nhanh chóng đến bệnh viện uy tín để được điều trị kịp thời.

Trường hợp của Liang Xiaoning là một điển hình của nhận định trên. Bản Giám định pháp y do cơ quan thẩm định đưa ra cho thấy ca phẫu thuật của Liang vào năm 2018 đã thiếu sót về quy trình phẫu thuật, chỉnh sửa quá nhiều trong quá trình thực hiện, đánh giá và điều trị các biến chứng sau phẫu thuật không đầy đủ và có sai sót trong quá trình phẫu thuật.

Theo The Paper, nhiều cơ sở y tế và thẩm mỹ luôn quảng cáo phẫu thuật tạo hình mắt là loại phẫu thuật "ít biến chứng, nhanh hồi phục", lại khắc phục được những khiếm khuyết bẩm sinh, đem lại đôi mắt đẹp và trẻ trung hơn. Tuy nhiên, không ít trường hợp giống Liang Xiaoning khi phải chịu hàng loạt biến chứng nghiêm trọng gây tổn hại sức khỏe và sa lầy vào vòng xoáy đòi quyền lợi.

Liu Lin, nữ tiếp viên hàng không, bị biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ mắt, cũng đang phát động chiến dịch đòi lại quyền lợi cho mình.

Tháng 8/2021, Liu Lin đã thực hiện cắt mắt hai mí tại bệnh viện thẩm mỹ ở quận Triều Dương để có đôi mắt "trông tràn đầy sức sống hơn".Tuy nhiên, sau phẫu thuật, cô gặp hàng loạt biến chứng dai dẳng như viêm loét giác mạc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tổn thương dây thần kinh thị giác và gần như mất thị lực một bên mắt.

Liu không thể đi làm. Trước những biến chứng, Liu đã trải qua phẫu thuật laser mống mắt bên trái và phẫu thuật tăng nhãn áp cấp tính ở mắt phải. May mắn, cô đã cứu được đôi mắt, nhưng thị lực mắt phải giảm chỉ còn 1/10.

Đời sống - 'Tiền mất tật mang' vì muốn có đôi mắt 'như mơ'

Liu Lin phải đến bệnh viện nhãn khoa để điều trị biến chứng sau thẩm mỹ.

Nửa năm nay, tuần nào Liu cũng phải đến bệnh viện mắt ở Bắc Kinh để tiếp nhận điều trị. Bác sĩ xác nhận dây thần kinh thị lực của cô đã tổn thương. Liu có thể ghép giác mạc trong tương lai nhưng thị lực không thể phục hồi.

"Nghề của tôi có yêu cầu nghiêm ngặt về thị lực, tôi phải khám sức khỏe hàng năm. Dù bây giờ tôi đang bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng cuối cùng mất tiền thì có lợi ích gì. Tôi chẳng thể bay nữa", Liu buồn bã cho biết.

Bác sĩ điều trị của Liu Lin làm việc tại khoa mắt của một bệnh viện cấp 3 nổi tiếng ở Bắc Kinh, cũng đã điều trị cho nhiều bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng do phẫu thuật tạo hình mắt. Dưới góc độ chuyên môn, ông luôn cho rằng bác sĩ nhãn khoa nên có ngưỡng yêu cầu cao hơn. Đồng thời ông chủ trương “bác sĩ nhãn khoa phải có đủ kiến thức về nhãn khoa”, bởi loại phẫu thuật này cần phải xem xét toàn diện các nguy cơ chứ không chỉ xác định xem có cần thiết không.

Đời sống - 'Tiền mất tật mang' vì muốn có đôi mắt 'như mơ' (Hình 2).

Cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão, ngành thẩm mỹ Trung Quốc còn tồn tại nhiều mặt tối do thiếu sự kiểm soát. Ảnh minh họa.

Phẫu thuật thẩm mỹ hiện không còn là câu chuyện mới mẻ thậm chí người ta còn cảm thấy quen thuộc với khái niệm này. Việc "dao kéo" phổ biến khắp nơi trên thế giới. Trong đó người ta thường nhắc đến Hàn Quốc như "thủ phủ" của việc phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nổi lên như trung tâm.

Báo cáo thống kê toàn cầu năm 2019 của Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế chỉ ra, Trung Quốc đứng thứ 3 về số lượng các ca phẫu thuật thẩm mỹ cũng như mức độ thường xuyên cho du lịch y tế.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường thẩm mỹ nội địa Trung Quốc cao hơn so với thị trường toàn cầu. Trong đó, phụ nữ ở độ tuổi 20 - 35 là động lực tiêu dùng chính. Phẫu thuật thẩm mỹ không còn bị xem là điều cấm kỵ trong văn hóa Trung Quốc.

Thay vì giới hạn các thủ thuật tái tạo để phục hồi diện mạo cho những bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt hay khiếm khuyết bẩm sinh, nhiều người Trung Quốc đã đón nhận những lợi ích của việc phẫu thuật thẩm mỹ.

Đặc biệt là khi thế hệ trẻ trở nên giàu có và quan điểm của họ cũng thoáng hơn. Họ tin rằng ngoại hình đẹp là một lợi thế. Thông thường, người ta nghĩ chỉ những ai lớn tuổi mới tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi các đặc điểm trên gương mặt, phục hồi sự trẻ trung. Nhưng ở Trung Quốc độ tuổi ngày một trẻ hóa. Đáng chú ý là có những trường hợp chỉ mới 13, 14 tuổi.

Dữ liệu cho thấy vào năm 2021, quy mô thị trường làm đẹp của nước này vào khoảng 184,6 tỷ nhân dân tệ, số lượng người dùng sẽ sớm vượt qua mốc 20 triệu người.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão, ngành thẩm mỹ Trung Quốc còn tồn tại nhiều mặt tối do thiếu sự kiểm soát.

Theo thống kê của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 khiếu nại về tình trạng biến dạng do thẩm mỹ nội khoa.

Dữ liệu khiếu nại trên trang web chính thức của Hiệp hội Người tiêu dùng nước này cho thấy từ năm 2015 đến năm 2020, số đơn khiếu nại trong lĩnh vực thẩm mỹ y tế mà hiệp hội nhận được đã tăng từ 483 lên 7.233, số lượng khiếu nại tăng gần 14 lần trong 5 năm.

Ai Xiaoyu, nhân viên của SoYoung, một trong những cộng đồng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc dành cho bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ, cho biết: "Chúng tôi phát hiện rằng hơn 80% trường hợp phẫu thuật bất hợp pháp bị sai, không thể sửa chữa. Họ sẽ bị dị tật trong suốt quãng đời còn lại và nhiều người trong số họ đã phải chịu những tổn thương tâm lý rất lớn khiến họ không dám nằm trên bàn mổ nữa". Tổ chức này đã khởi xướng dự án phi lợi nhuận vào tháng 5/2020 để giúp đỡ các nạn nhân. Tính đến năm 2021, họ nhận được 440 đơn đăng ký và trả tiền phẫu thuật cho 25 người.

Vào tháng 3/2019, Xiao Ran - thành viên Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm mỹ thuộc Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc - đã đệ trình "Đề xuất thiết lập đào tạo tiêu chuẩn cho các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ".

Minh Hoa (t/h theo Zing, Dân Việt)