Tiết lộ sốc về “Kiều nữ” dựng kịch bản lừa đảo online bị bắt: Từng học ĐH có tiếng, thành thạo 3 ngôn ngữ

Trong mắt bạn bè, Phạm Thị Huyền Tr. là một người tài giỏi, biết tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, thi đỗ một trường ĐH đào tạo ngôn ngữ tốp đầu Hà Nội.

VOV dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Bắc Ninh, Phạm Thị Huyền Tr. (26 tuổi, quê huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) được xác định là quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các "Cào 1, Cào 2, Cào 3" trong đường dây lừa đảo hơn 13.000 người, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xuyên biên giới.

Phạm Thị Huyền Tr. trước khi bị bắt. Ảnh: Tiền Phong

Phạm Thị Huyền Tr. trước khi bị bắt. Ảnh: Tiền Phong

Nhóm này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng (Campuchia) với thủ đoạn giả danh công an cấp phường, công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế.

Chúng chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Để tạo thành vòng tròn khép kín, lừa đảo trót lọt, những kẻ quản lý chia làm 3 nhóm gồm Cào 1, Cào 2, Cào 3 và phân công nhiệm vụ cụ thể.

Ngoài Phạm Thị Huyền Tr. còn 4 đồng phạm khác gồm: Nguyễn Văn M. (36 tuổi, ở TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Đỗ Văn Ngh. (25 tuổi, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), Đinh Như Q. (23 tuổi, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và Nguyễn Đức T. (32 tuổi, ở quận An Dương, TP. Hải Phòng).

Phạm Thị Huyền Tr. tại cơ quan điều tra. Ảnh: Tiền Phong

Phạm Thị Huyền Tr. tại cơ quan điều tra. Ảnh: Tiền Phong

Dược biết, dù mới chỉ 26 tuổi, nhưng Phạm Thị Huyền Tr. là đối tượng quản lý cấp cao trong công ty. Ngoài nhiệm vụ phiên dịch cho đối tượng cầm đầu người nước ngoài, thì công việc chính là xây dựng, chỉnh sửa kịch bản lừa đảo sao cho phù hợp với tâm lý và thực tế mà người dân đang gặp phải.

Theo Tiền Phong, đối tượng Phạm Thị Huyền Tr., quản lý của công ty lừa đảo ở Campuchia kể lại: "Sau khi vào công ty thì ông chủ thấy cách diễn đạt của mình ổn. Ông chủ viết lại văn theo ý của ông chủ, thì mình dịch cho sát ý… Kịch bản có nhiều chi tiết phù hợp với tâm lý của người dân".

Nắm bắt những thủ tục hành chính mà cơ quan nhà nước đang triển khai, chẳng hạn như thủ tục làm thẻ Căn cước công dân gắn chip cho trẻ em, cập nhật VNeID… các đối tượng sẽ tiến hành gọi điện tiếp cận nạn nhân dựa trên danh bạ có sẵn.

Hiện Ban Chuyên án đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để làm rõ các đối tượng và các hành vi phạm tội khác của tổ chức lừa đảo này.

Thùy Dung (T/h)/Đời sống Pháp luật