Nơm nớp vì nợ
Gia đình ông Triệu Đình T. (dân tộc Dao), thường trú tại xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) vay tiền của một người đàn ông tên Huy trên địa bàn. Ông T. cho biết, ông vay 200 triệu đồng nhưng bị cắt lãi 30 triệu đồng nên chỉ thực nhận 170 triệu đồng. Để vay được số tiền trên, ông phải đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Huy. “Chúng tôi không biết chữ nên chủ nợ tự tính lãi mẹ, lãi con rồi làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, giá chỉ có 250 triệu đồng. Trong khi đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi có diện tích hơn 2,2 ha. Tài sản gắn liền với đất là cây lâu năm, hơn 2.200 cây cà phê. Giờ gia đình tôi không còn chỗ ở, mất đất sản xuất”, ông T. nói.
Gia đình bà Nguyễn Thị S. (dân tộc Mnông) cũng rơi vào bẫy của tín dụng đen. Bà S. cho biết, bà vay 70 triệu đồng nhưng đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền bà phải trả đã lên tới hơn 300 triệu đồng. Trong giấy vay tiền tuy không quy định lãi suất nhưng mỗi tháng bà phải trả 5.600.000 đồng tiền lãi, nếu không trả đúng hạn sẽ bị phạt 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, thậm chí cao hơn.
Nhận thấy gia đình bà không đủ khả năng chi trả, các đối tượng cho vay gợi ý bà S. vay thêm 20 triệu đồng để trả lãi của khoản vay cũ. Số tiền này không được rút ra mà để trừ dần mỗi tháng 600 nghìn đồng cho đến hết. Số tiền vay bổ sung đó lại tiếp tục được cộng vào tiền gốc vay ban đầu. “Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con. Nhà tôi làm nông, chăn nuôi nhỏ, cả tháng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng. Làm bao nhiêu cũng không đủ trả nợ, cả nhà tôi đã khánh kiệt rồi”, bà S. thở dài.
Bà cho biết, ngày nào chủ nợ cũng dẫn người đến xem nhà, ra giá bán nhà. “Họ cho cả người đến chửi bới, ăn ngủ ở nhà tôi cả tuần để thúc ép trả tiền. Không chỉ tôi, nhiều hộ vay chưa trả hết nợ cho cơ sở này đều chung cảnh ngộ”, bà S. nói.
Không chỉ ông T., bà S., một cán bộ xã Đắk N’Drót (xin được giấu tên) cho biết, tại địa phương, còn rất nhiều hộ gia đình vay nóng bị ép buộc sang tên nhà, đất. Thế nhưng, nhiều người dân không dám tố cáo vì sợ các đối tượng cho vay nặng lãi thuê xã hội đen đến nhà hành hung, đe dọa tính mạng.
Lời khuyên của chuyên gia
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Công an tỉnh Ðắk Nông đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây liên quan đến hội nhóm đòi nợ thuê, các đối tượng cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, tình trạng vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động rất tinh vi, lách luật không ghi lãi suất vay, lập hợp đồng mua bán tài sản bằng thỏa thuận miệng. Việc xử lý các đối tượng này gặp khó khăn vì không có bằng chứng xác thực.
Luật sư Ngô Quang Kim – Trưởng văn phòng luật 4.1 & cộng sự cho biết: “Sau khi nghiên cứu các số liệu, các vụ việc tín dụng đen trên địa bàn tỉnh (Đắk Nông), chúng tôi thấy, các hoạt động cho vay nặng lãi luôn đi cùng với các băng nhóm đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, chiếm đoạt tài sản… Các đối tượng cho vay thường có tiền án, tiền sự, sẵn sàng xâm hại đến thân thể, tính mạng hoặc làm tổn hại tinh thần người vay tiền. Chúng hù dọa bắt họ ký nhận nợ, thế chấp tài sản. Một số công ty đòi nợ thuê cũng tham gia vào đường dây cho vay nặng lãi để bẻ lái theo hướng dân sự hóa nên rất khó xử lý hình sự".
Cũng theo luật sư Ngô Quang Kim, người dân nên tìm những chính sách vay vốn ưu đãi, được pháp luật đảm bảo để tránh những hậu quả sau này. Khi cần vay vốn, nên liên hệ, giao dịch với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng hợp pháp để ký kết hợp đồng vay mượn. “Dù có thể mất nhiều thời gian hơn một chút nhưng thủ tục vay tiền chặt chẽ, lãi suất thấp, hợp pháp và an toàn”, ông nói.
Hoàng Long - Người Đưa Tin