Tin tức 24h: Kế "ve sầu thoát xác" bất thành của nghi phạm cướp ngân hàng ở Nghệ An

Mang dao đi cướp ngân hàng bất thành, trên đường trốn chạy, Nguyễn Tuấn Anh vứt dao, cởi bỏ áo khoác nhằm đánh lạc hướng công an.

Kế "ve sầu thoát xác" bất thành của nghi phạm cướp ngân hàng ở Nghệ An

24 giờ phá án

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đang tạm giữ hình sự Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, trú TP Vinh, Nghệ An) để làm rõ hành vi Cướp tài sản. Tuấn Anh là người thực hiện vụ cướp ngân hàng bất thành tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vào ngày 14/11.

Đúng 24 giờ sau khi gây án, Tuấn Anh bị công an bắt giữ tại công ty nơi đối tượng đang giữ chức vụ phó giám đốc.

Khu vực xảy ra vụ cướp tại chi nhánh Agribank thị xã Cửa Lò.

Trước đó, vào khoảng 14h30 ngày 14/11, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Cửa Lò, thị xã Cửa Lò, một người đàn ông bịt mặt, mặc áo khoác màu đỏ, đội mũ bảo hiểm, cầm túi xách màu đen lẻn vào quầy giao dịch bằng lối nội bộ cho nhân viên. Khu vực quầy giao dịch có khoảng 7-8 cán bộ, nhân viên đang làm việc với khách hàng. Phía ngoài sân và trước cổng có vài nhân viên bảo vệ.

Tiếp cận giao dịch viên Hoàng Thị Hằng, ngồi gần két sắt, anh ta gí dao kề cổ, ghé sát tai nói nhỏ “mở két, mở két”. Với tay tự mở két song do vướng người nữ nhân viên nên không lấy được gì bên trong, hắn lùi ra sau.

Mọi người xung quanh lúc này chú ý, thấy hành vi của hắn đã lập tức hô hoán, yêu cầu bỏ dao ra. Tên cướp buông chị Hằng, nhảy lên bàn giao dịch, lao ra cửa chính bỏ chạy. Toàn bộ sự việc diễn ra chưa đến 10 giây. Khi hắn chạy ra cổng lên xe máy tẩu thoát, hai nhân viên ngân hàng lái ôtô đuổi rồi mất dấu.

Hình ảnh tên cướp mặc áo màu đỏ thực hiện hành vi cướp tài sản tại ngân hàng chiều 14/11.

Thượng tá Trần Đức Thân, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, diễn biến vụ việc do camera ghi lại cho thấy đối tượng không phải là cướp chuyên nghiệp. Đây là vụ án nhạy cảm, gây dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nếu để lâu, tên cướp sẽ tẩu tán tang vật, tìm cách đối phó, gây khó khăn cho điều tra.

“Khó khăn nhất trong vụ án này chính là quá trình truy vết, bởi tên cướp có sự chuẩn bị rất kỹ, tạo ra nhiều dữ liệu đánh lạc hướng. Ngoài ra, đối tượng đang rất cần tiền, không loại trừ khả năng sẽ gây ra một vụ cướp tương tự. Do vậy, chúng tôi đặt quyết tâm, huy động nhiều lực lượng tham gia để truy bắt sớm nhất đối tượng gây án”, Thượng tá Thân chia sẻ.

Nguyễn Tuấn Anh cùng tang vật vụ án

Phân tích dữ liệu thu tại hiện trường, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự cho rằng nghi phạm là người gốc Nghệ An, dù nói rất nhanh nhưng phát âm vẫn “đậm tiếng Nghệ”. Ngoài ra, tên cướp dùng băng keo màu đen che biển số, điều này cho thấy xe này là chính chủ, nếu là biển số giả không ai che giấu như vậy.

Lần theo dấu vết nóng nghi phạm từ hệ thống camera công cộng và người dân cung cấp, ban chuyên án thấy nghi phạm mặc áo khoác đỏ, bỏ chạy về hướng phường Thu Thủy, Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò). Tuy nhiên, khi đến gần khu vực xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) thì cơ quan điều tra mất dấu.

Kiểm tra nhiều dữ liệu khác, cảnh sát lại thấy một người đàn ông mặc áo màu đen, đi xe máy tương tự, biển số không còn dán băng keo. Xâu chuỗi việc này, ban chuyên án xác định “hai người là một”.

Bất ngờ chân dung tên cướp

Đến 12h trưa 15/11, Ban chuyên án đã dựng sơ bộ chân dung, lai lịch của nghi phạm vụ cướp là Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, ngụ phường Trường Thi, TP Vinh). Tuấn Anh là Phó giám đốc Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và làng nghề Phổ Hải, đóng ở xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; đã kết hôn. Trong mắt mọi người, nghi phạm từng tốt nghiệp đại học, công việc ổn định và gia đình có điều kiện. Tuấn Anh là hình mẫu của những người "thành đạt tự thân".

Thượng tá Trần Đức Thân, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An làm việc với Nguyễn Tuấn Anh (áo đen)

“Một điều đặc biệt là các đặc điểm về Nguyễn Tuấn Anh thu thập được hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của tên cướp. Bình thường anh ta ăn mặc lịch sự, bảnh bao, sử dụng ô tô Camry làm phương tiện đi lại. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, Tuấn Anh luôn nhận được sự nể trọng của nhiều người. Các dữ liệu cho thấy Tuấn Anh dường như hoàn toàn không có mối liên quan gì đến vụ cướp tại ngân hàng nói trên", Thượng tá Trần Đức Thân cho hay.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên hình sự nhận thấy Tuấn Anh không đơn thuần như những thông tin thu thập được. Thời gian qua, Tuấn Anh có tham gia đầu tư trên mạng. Nhiều khả năng thua lỗ trong đầu tư khiến anh ta túng quá hóa liều.

Trên cơ sở kết quả xác minh, điều tra ban đầu, Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo cần bắt giữ ngay Nguyễn Tuấn Anh - nghi can số một của vụ cướp. Một tổ công tác được phân công tới công ty nơi Tuấn Anh làm việc. Bị bắt, vị phó giám đốc tỏ vẻ bất ngờ nhưng sau đó phải cúi đầu nhận tội trước hàng loạt bằng chứng mà cảnh sát đưa ra.

Làm việc với công an, Tuấn Anh khai nhận đã khảo sát kỹ ngân hàng này trước khi gây án một tuần. Sau khi mượn xe của bạn, Tuấn Anh dùng băng dính để che biển số. Trong quá trình thực hiện vụ cướp đối tượng mặc áo đỏ nhằm thu hút sự chú ý. Khi chạy trốn, đến đoạn đường vắng, anh ta thay áo đen chuẩn bị trước đó để che giấu đặc điểm, tháo băng dính che biển số xe, vứt chiếc áo đỏ và con dao gây án.

Tuấn Anh khai, do thua lỗ trong đầu tư trên mạng dẫn tới nợ một khoản tiền lớn nên lên kế hoạch đi cướp ngân hàng để trả nợ. Việc Nguyễn Tuấn Anh bị bắt giữ do thực hiện vụ cướp ngân hàng gây sốc cho người thân và bạn bè, đồng nghiệp...

Vụ cháy nhà trọ 2 người chết: Ông Hiệp “khùng” được giảm 6 tháng tù

Ông Nguyễn Thế Hiệp.

Ngày 17/11, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm đưa ông Nguyễn Thế Hiệp hay còn gọi là Hiệp “khùng” (75 tuổi, ở Hà Nội) ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Đầu tháng 12/2022, tại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) đã tuyên phạt ông Hiệp “khùng” mức án 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Ngoài mức án tù, Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng cho các bị hại của vụ cháy. HĐXX cũng cấm ông Hiệp kinh doanh nhà trọ 5 năm sau khi chấp hành xong bản án.

Phiên tòa hôm nay (17/11) được mở ra để xem xét kháng cáo kêu oan của ông Hiệp “khùng”. Sau khi xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử đã giảm 6 tháng tù đối với ông Nguyễn Thế Hiệp. Như vậy, ông Hiệp phải chịu mức án là 8 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, ông Hiệp kinh doanh cho thuê 5 phòng trọ tại khu vực ngách tập thể cơ khí C70, ngõ 879 Đê La Thành. Trong quá trình kinh doanh, ông Hiệp tự ý cơi nới, mở rộng nhà trọ bằng cách dựng khung sắt, sau đó làm sàn và vách ngăn phòng bằng các vật liệu: gỗ dán, tôn, xốp… Lắp đặt hệ thống điện không đồng bộ, tự ý câu dẫn điện từ nhà này qua nhà khác để sử dụng, không có thiết kế đảm bảo yêu cầu về phòng cháy.

Trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn, ngày 3/4/2018, đoàn kiểm tra liên ngành của phường Ngọc Khánh đã yêu cầu ông Hiệp dừng ngay hoạt động kinh doanh; làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, hồ sơ phương án, phương tiện phòng cháy chữa cháy. Ông Hiệp kí cam kết thực hiện nhưng sau đó đã không thực hiện theo yêu cầu.

Đến ngày 17/9/2018, tại khu nhà trọ của ông Hiệp xảy ra cháy. Nguyên nhân do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh.

Vụ cháy đã làm chết 2 người là vợ chồng anh Tạ Văn Tính (SN 1976) và chị Hà Thị Lành (SN 1977), cùng ở Phú Thọ, gây thiệt hại gần 1,9 tỷ đồng.

Diễn biến đợt lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua tại Huế

Đến trưa 17-11, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế, nước trên sông Bồ, sông Hương đều trên mức báo động 2 và đang xuống, mức ngập đang giảm dần. Hiện, đa số khu vực dân cư ở TP Huế nước đã rút, còn khoảng 6.172 nhà bị ngập từ 0,2-0,6 m. Người dân và các chính quyền địa phương đang khẩn trương dọn dẹp bùn, vệ sinh đường sá, nhà cửa.

Cầu gỗ lim ở sông Hương qua TP Huế dần hiện ra sau nhiều ngày bị lũ nhấn chìm.

Đến nay, Quốc lộ 1A qua tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thông tuyến toàn bộ. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn gần ga Văn Xá (Hương Trà) và ga Phò Trạch (Phong Điền) bị ngập khoảng 0,3 - 0,5m, làm các chuyến tàu SE2, SE4 và SE6 (cùng chạy hướng Nam - Bắc) phải dừng lại ở Ga Huế, toàn bộ 494 hành khách đi tàu được bố trí ăn uống trên tàu, tạm thời sinh hoạt tại Ga Huế. Đến chiều ngày 16/11, các đoàn tàu đã tiếp hành trình. Các tuyến Tỉnh lộ: ngập sâu từ 0,4m đến 0,6m, một số nơi ngập sâu hơn 0,8m. Các tuyến đường giao thông địa phương bị ngập bình quân từ 0,5 đến 0,7 m.

Sông Hương một màu nước bạc.

Ông Lê Kim Nam, Chủ tịch UBND phường Hương Sơ (TP Huế), cho biết thi thể nạn nhân thứ 2 vụ lật ghe xảy ra ở phường Hương Vinh (TP Huế) là cháu Nguyễn Thị H. (SN 2005; trú phường Hương Sơ) vừa được tìm thấy. Trước đó, vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 15-11, tại đường kiệt 251 đường Đặng Tất, phường Hương Vinh khi lũ đang ngập sâu, cháu H. cùng mẹ là chị Huỳnh Thị B. (SN 1981) và 6 người dùng ghe đi mua thực phẩm thì ghe bị lật do nước chảy xiết. Hai mẹ con chị B. bị nước cuốn trôi, số người còn lại bơi vào bờ an toàn. Trưa cùng ngày, người dân tìm thấy thi thể chị B., còn cháu H. bị mất tích và đến nay mới được tìm thấy.

Lực lượng công an dọn dẹp bùn đất sau lũ rút trên đường phố.

Đến khuya 16-11, thi thể cháu H.P.Q.N. (SN 2020, trú TDP Tây Trì Nhơn, phường Phú Thượng) mất tích sau khi trượt chân rơi xuống sông Phổ Lợi được tìm thấy. Trước đó, khoảng 9 giờ cùng ngày, cháu N. đang chơi cùng bạn không may bị trượt chân rơi xuống sông Phổ Lợi mất tích. Như vậy, đến nay mưa lũ đã làm 3 người ở Thừa Thiên – Huế chết, 2 người bị thương do sạt lở đất.

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết mực nước trên sông Hương tại các trạm Kim Long (TP Huế) và trên sông Bồ tại Phú Ốc đều trên báo động 3 trong đợt lụt vừa qua. Trong đó, cao nhất ở Kim Long đạt +4,34 m vào tối 15-11 và thống kê cho thấy đây là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm gần đây. Các hồ chứa đã liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du.

Mưa lũ vừa qua đã làm khoảng 17.453 nhà dân bị ngập từ 0,3-1,0m, tập trung tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc và TP Huế. Đến nay, đợt mưa lũ đã làm sạt lở nhiều nơi, trong đó tuyến đường ra khu du lịch Laguna (huyện Phú Lộc) bị sạt trượt mái dốc taluy dài khoảng 150m. Quốc lộ 49; đường Hồ Chí Minh bị sạt lở núi, lấp đường nên không thể lưu thông. Bờ sông Bù Lu ở huyện Phú lộc tiếp tục bị sạt lở khoảng 660 m, nhiều đoạn bờ biển ở Phú Lộc bị xói lở nặng.

2 vợ chồng lớn tuổi thiệt mạng sau đám cháy ở Hải Dương

Sáng 17-11, trao đổi với PLO, lãnh đạo UBND huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho biết, rạng sáng cùng ngày, tại ngôi nhà số 38 đường Nguyễn Trãi, thị trấn Nam Sách, huyện này đã xảy ra một vụ cháy khiến hai người thiệt mạng.

Thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào khoảng 1 giờ 55 phút tại gia đình ông Trần Quang Đ, 61 tuổi. Ngôi nhà có kết cấu dạng ống, hai tầng, diện tích khoảng 80 m2 được gia đình ông Đại dùng để ở, kết hợp kinh doanh tạp hoá.

Do kinh doanh tạp hoá, nhiều hàng hoá dễ cháy nên khi ngọn lửa bùng lên, rất nhanh đám cháy đã bùng phát lớn và có nhiều khói, khí độc.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường, điều tra vụ việc. Ảnh: Mạnh Tú

Ở thời điểm xảy ra cháy, trong ngôi nhà có năm người, trong đó có ông Trần Văn Quang (88 tuổi, bố ông Đại), bà Trần Thị Vinh (86 tuổi, mẹ ông Đại đang ốm, nằm liệt giường).

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND huyện Nam Sách đã xuống hiện trường chỉ đạo các lực lượng và nhân dân tích cực tham gia chữa cháy.

Phòng cảnh sát PCCC và CNCH công an tỉnh Hải Dương đã huy động ba xe chữa cháy, một xe chỉ huy cùng 30 cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy.

Đến khoảng 2 giờ 35 phút, ngày 17-11, lực lượng chức năng đã khống chế và dập tắt được đám cháy và hỗ trợ, đưa các nạn nhân thoát ra ngoài.

Bố mẹ ông Đại do bị ngạt khói được đưa đi cấp cứu tuy nhiên đến khoảng 4 giờ sáng đã tử vong tại bệnh viện.

Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được cơ quan chức năng xác định là do nổ ti vi dẫn đến chập điện gây ra cháy.

UBND huyện Nam Sách sau đó đã chỉ đạo lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường để phục vụ điều tra, đồng thời hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 3 triệu đồng và hỗ trợ gia đình lo tang sự.

Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Truy thăng cấp bậc hàm với chiến sĩ công an hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ

Ngày 17-11, Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an, đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm từ thượng úy lên đại úy đối với chiến sĩ Trần Trung Hiếu, cán bộ Công an xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh hi sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Đồng đội tiễn biệt Đại úy Trần Trung Hiếu. Ảnh: Công an tỉnh Hà Tĩnh

Trước đó, khoảng 15 giờ 45 phút ngày 13-11, thượng úy Trần Trung Hiếu, cán bộ Công an xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), đang làm nhiệm vụ tại đền chợ Củi (Nghi Xuân), phát hiện Trần Trọng Gia Bảo (26 tuổi, ngụ thôn 1, ngụ xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) có biểu hiện nghi vấn mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình tiếp cận đối tượng để kiểm tra, thượng uý Hiếu bất ngờ bị Trần Trọng Gia Bảo dùng hung khí tấn công gây thương tích nặng.

Mặc dù đã được các y, bác sĩ tận tình nỗ lực cứu chữa, đồng đội, gia đình và người thân hết lòng chăm sóc song do vết thương quá nặng, thượng úy Trần Trung Hiếu đã hi sinh vào hồi 6 giờ 35 phút ngày 17-11.

Được biết, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp an ninh, thượng úy Hiếu được phân công về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Nghi Xuân. Đến năm 2017, thượng úy Hiếu thi đậu vào chuyên ngành điều tra hình sự của Học viện Cảnh sát nhân dân theo diện vừa học, vừa làm. Đến tháng 7-2018, thượng úy Hiếu được điều động về công tác tại Công an xã Xuân Hồng.

Thượng uý Hiếu đã lập gia đình, có 2 con nhỏ. Con đầu sức khỏe yếu nên thường xuyên đau ốm, con út mới 10 tháng tuổi.

K.T