Một trường đại học thưởng Tết Nguyên đán 2024 cho lao công 20 triệu đồng/người
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Trường Đại học Công thương TP.HCM, cho biết tiền thưởng Tết Nguyên đán 2024 của trường là 20 triệu đồng/người từ lao công đến hiệu trưởng, không phân biệt vị trí, chức danh, bằng cấp.
Cụ thể, theo quy chế chi tiêu nội bộ 2023 của trường này, tiền thu nhập tháng 13 (hay còn được hiểu là tiền thưởng Tết) đối với viên chức, người lao động có mức chung là 20 triệu đồng/người.
Trường Đại học Công thương TP.HCM. Ảnh sưu tầm
Mức thưởng này áp dụng cho tất cả viên chức và người lao động của trường, thành viên Hội đồng trường có thời gian làm việc từ một năm trở lên.
Mức thưởng này không áp dụng với hợp đồng công nhật, thời vụ.
Năm 2023, trường này cũng áp dụng mức thưởng tết 20 triệu đồng/người đối với tất cả người lao động.
Chính sách thưởng tết "lao công như hiệu trưởng" được Trường Đại học Công thương TP.HCM áp dụng từ năm 2022 nhận được sự đồng thuận của người lao động.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương TP.HCM - hàng tháng, cán bộ quản lý, giảng viên làm việc tại trường tùy chức danh, vị trí, bằng cấp đã có mức thu nhập cao hơn những nhân viên khác.
Liên quan đến việc trường đại học thưởng Tết cho tất cả người lao động cùng mức, trước đó, dịp Tết Nguyên đán 2023 Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã thực hiện khi thưởng Tết từ hiệu trưởng cho đến lao công, tạp vụ cùng mức 12,75 triệu đồng.
VTC News dẫn lời đại diện trường học cho biết, tất cả mọi người ai cũng có nhu cầu đón Tết như nhau, không phân biệt chức vụ, trình độ, hệ số lương, thâm niên... nên trường chọn hình thức thưởng Tết đồng đều từ quản lý đến nhân viên.
Hơn 500 chung cư ở TPHCM vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy
Trong số 531 chung cư tồn tại vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có 249 trường hợp có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo.
Đây là con số được Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TPHCM đưa ra tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 và Chỉ thị số 04 của UBND TPHCM về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), sáng 2/11.
Đại tá Tâm cho biết, qua khảo sát, đánh giá 1.049 cơ sở nhà chung cư theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng chức năng phát hiện 531 nhà chung cư tồn tại nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động.
Một căn hộ chung cư ở quận 6 xảy ra cháy hồi tháng 1/2023. Ảnh: Hoàng Thuận
Cụ thể, 95 trường hợp không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy; 120 trường hợp không đảm bảo giải pháp ngăn cháy; 188 trường hợp không đảm bảo điều kiện thoát nạn; 249 trường hợp có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo và 121 trường hợp vi phạm khác.
Chung cư vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động là 24 cơ sở, trong đó cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các bộ phận hoặc toàn bộ nhà chung cư là 14 cơ sở.
Đại tá Tâm cũng cho biết, trong 5 năm qua, TPHCM xảy ra 1.532 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 85,36 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn xảy ra 2.142 vụ cháy thuộc diện không phải thống kê, trong đó, có trên 1.500 vụ cháy cỏ, rác, phế liệu và khoảng gần 600 vụ chạm chập tại các trụ điện, cháy tại các nhà ở riêng lẻ, được xử lý kịp thời không để xảy ra thiệt hại về tài sản.
Trên địa bàn TPHCM hiện có hơn 1.6 triệu nhà ở hộ gia đình, gần 80.000 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, trong đó, có hơn 50.000 nhà ở kết hợp kinh doanh từ 2 tầng trở lên.
Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị báo cháy tại cơ sở cho thuê phòng ở TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Thuận
Nói về hạn chế, khó khăn trong công tác PCCC, Đại tá Tâm cho biết, một số hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh có mặt bằng nhỏ hẹp, thường sử dụng ki-ốt cho thuê hoặc nhà ống đã xây dựng từ nhiều năm trước để hoạt động.
Do đó, việc kiến nghị mở thêm lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp không thể thực hiện do không còn không gian để mở lối thoát nạn thứ 2 hoặc không thể trổ mái, qua ban công, lô gia để qua nhà bên cạnh an toàn.
Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính phần lớn còn chưa cương quyết, mức phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe; đặc biệt là trong quá trình sử dụng, người dân tự ý cơi nới, cải tạo không đảm bảo theo giấy phép xây dựng và ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn PCCC của công trình.
Việc trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố chưa được chú trọng; đa số phương tiện và vật tư kỹ thuật phục vụ công tác chữa cháy đã quá cũ, xuống cấp, hư hỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Quá trình sinh sống, kinh doanh, nhiều người dân tại một số chung cư, nhà cao tầng đã tự ý cơi nới về mặt xây dựng khi chưa có ý kiến về xây dựng và an toàn PCCC của cơ quan có thẩm quyền; xuất hiện các hành vi xâm lấn hành lang, lối đi chung, bố trí bãi giữ xe trên đường đi nội bộ và xung quanh công trình ảnh hưởng đến yêu cầu về khoảng cách phòng cháy chống cháy, giải pháp ngăn cháy và giao thông phục vụ chữa cháy…
Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, các điều kiện an toàn PCCC giữa cư dân, ban quản trị và ban quản lý, chủ đầu tư; xung đột lợi ích trong lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, kinh phí vận hành… làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, công tác kiểm tra, hướng dẫn, thực hiện các điều kiện an toàn PCCC.
Truy tố cựu cảnh sát giao thông bắt cóc bé trai, đòi 15 tỷ đồng tiền chuộc
Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trước khi gây án, Trung từng mang cấp bậc thượng úy, công tác tại Đội tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguyễn Đức Trung tại cơ quan công an.
Cáo trạng xác định, khoảng năm 2019, Trung vay tiền của nhiều người để sử dụng vào mục đích cá nhân và bị thúc ép trả nợ.
Sau đó, Trung nảy sinh ý định đi tìm những nhà có điều kiện về kinh tế để trộm cắp tài sản, bán lấy tiền trả nợ.
Ngày 4/7, Trung thuê một ô tô sử dụng làm phương tiện đi phạm tội, sau đó lắp biển số giả để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Trung mua của một người đàn ông không quen biết một khẩu súng hiệu ZORAKI M906-TD cỡ 9mm, loại súng bắn đạn cao su để làm hung khí chống trả nếu bị người dân phát hiện.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ công cụ phạm tội, Trung chọn địa điểm là khu đô thị Việt Hưng thuộc phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) để trộm cắp tài sản, song không tìm được nhà nào sơ hở.
Đến chiều 14/8, Trung nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em nhằm đe dọa người nhà của cháu bé và đòi tiền chuộc.
Để thực hiện hành vi bắt cóc, Trung đã mua thêm 1 cuộn băng dính loại to, 1 đôi găng tay và 2 dây chun buộc hàng cất trên ô tô.
Trung điều khiển ô tô đi đến số nhà D7-BT7, khu đô thị Việt Hưng, thấy cháu N. H. P. (7 tuổi) đang đi xe đạp một mình. Sau đó, đối tượng đã bắt cóc cháu P. đưa lên ô tô, dùng dây buộc tay và đưa cháu bé di chuyển qua nhiều địa bàn tại TP Hà Nội.
Sau khi hỏi cháu P. và biết được số điện thoại của chị Đ. T. H. (là mẹ cháu P.), Trung đã gọi điện thoại cho chị này, đe dọa và đòi 15 tỷ đồng tiền chuộc con.
Gia đình của chị H. chuẩn bị được tổng cộng hơn 13 tỷ đồng.
Theo yêu cầu của Trung, chị H. để tiền trong túi xách màu đen rồi mang lên ô tô, lái xe theo chỉ dẫn của Trung đến đường gom gần Khu công nghiệp Đồng Văn (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Đến nơi, chị H. xuống ô tô và mang theo túi tiền để xuống đất. Trung lấy túi tiền rồi thả cháu P. ra và lái xe bỏ trốn.
Ngay sau đó, Trung bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ cùng vật chứng.
Cặp vợ chồng tuyên bố vỡ hụi 20 tỉ đồng, cả trăm hộ dân ở Thanh Hóa điêu đứng
Ngày 2-11, tin từ Công an TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc vợ chồng bà Trương Thị Dung và ông Vũ Tiến Tại (ngụ phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn) tuyên bố vỡ hụi và đã đưa vụ việc vào quy trình giải quyết điều tra, xác minh để xử lý theo quy định.
Gần 100 hộ dân ở TP Sầm Sơn lo lắng, đứng ngồi không yên khi vợ chồng bà Trương Thị Dung tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán 20 tỉ đồng chơi hụi cho người dân
Theo Công an TP Sầm Sơn, ngày 15-10, Công an TP Sầm Sơn nhận được tin báo tố giác của một số người dân về việc hơn 2 năm qua, vợ chồng bà Dung, ông Tại ở phường Quảng Vinh đã đứng ra kêu gọi khoảng 100 người trên địa bàn phường và một số phường, xã lân cận góp hụi.
Vài tháng gần đây, nhiều người góp hụi đến hạn lấy tiền nhưng bà Dung liên tục khất. Đến đầu tháng 10-2023, bà Dung tuyên bố vỡ hụi, không còn khả năng trả tiền cho những người góp hụi.
Qua xác minh ban đầu, Công an TP Sầm Sơn cho biết sự việc nhiều người dân góp phường, hụi cho chủ hụi ở phường Quảng Vinh là có thật. Vợ chồng chủ hụi là bà Dung và ông Tại làm nghề buôn bán tự do. Hiện tại, số người đến khai báo tham gia góp hụi với bà Dung lên tới gần 100 người, tổng số tiền góp cho chủ hụi khoảng 20 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Công an TP Sầm Sơn cả chủ hụi và người góp hụi đều chưa chấp hành đúng các quy định tại Nghị định 19/CP năm 2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.
Việc vợ chồng bà Dung tuyên bố vỡ hụi khiến nhiều người dân trên địa bàn TP Sầm Sơn đứng ngồi không yên, nhiều người lo lắng khi tiền không đòi được, thậm chí nhiều gia đình còn vay mượn người thân, bạn bè để góp hụi cho vợ chồng bà Dung.
Ông L.H. (ngụ phường Quảng Vinh) cho biết gia đình ông góp phường, hụi với bà Dung nhiều lần với số tiền 150 triệu đồng, đến hẹn ông đến lấy tiền thì bà Dung đã đi khỏi địa phương, điện thoại liên lạc không được. "Tiền chúng tôi gom góp mãi mới có được ít để dành, tin tưởng người cùng địa phương nên chúng tôi gửi khi cần thì sẽ lấy, nhưng gia đình bà Dung lại ôm tiền rồi thông báo vỡ nợ. Chúng tôi rất lo lắng, mong công an giúp người dân đòi lại tiền" - ông H. lo lắng.