Tin tức 24h: Những mối quan hệ phức tạp trong vụ “trùm siêu xe” Phan Công Khanh bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

CTV
Theo luật sư, trong vụ án "trùm siêu xe" Phan Công Khanh, có rất nhiều vấn đề cần được cơ quan công an điều tra làm sáng tỏ để xử lý đúng người, đúng tội, đồng thời đảm bảo quyền lợi người bị hại.

Những mối quan hệ phức tạp trong vụ “trùm siêu xe” Phan Công Khanh bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Phan Công Khanh (29 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM) và Mohamach Da Pha (27 tuổi, quê An Giang) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Công an TP.HCM đề nghị ai là nạn nhân của Phan Công Khanh hãy liên lệ với Phòng Cảnh sát hình sự để phối hợp điều tra.

Nhiều ngày qua, cái tên Phan Công Khanh trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông lẫn mạng xã hội, thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Chân dung "trùm siêu xe" Phan Công Khanh. Ảnh:NLĐ

Dưới góc độ pháp lý, Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Trong vụ việc trên, cơ quan điều tra cần làm rõ thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt của bị can làm căn cứ buộc tội theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra, chị L.N.T.H. (32 tuổi, trú tại TP. Thủ Đức) đã mang giấy tờ gốc chiếc xe đưa cho Phan Công Khanh tại showroom K-Super. Sau khi nhận giấy đăng ký, đăng kiểm chiếc xe, Phan Công Khanh đã yêu cầu Mohamach Da Pha (nhân viên tại showroom K-Super) chạy xe của chi H. đi cầm cố cho Đ.M.H (32 tuổi, ngụ Bình Tân) lấy 2 tỉ đồng.

Thấy lâu xe chưa bán được, chị H. liên tục yêu cầu Phan Công Khanh trả lại giấy tờ cùng với xe, nhưng đối tượng này né tránh. Nghi ngờ, chị H. đến showroom K-Super thì phát hiện xe của mình không còn ở đây. Phan Công Khanh không hợp tác, không có khả năng trả tài sản lại cho chị H. Chị H. đã làm đơn tố cáo Phan Công Khanh.

Mohamach Da Pha bên chiếc xe ô tô hiệu MCLAREN, biển số 51F-8...

Trong vụ việc trên tồn tại hai mối quan hệ dân sự gồm: Quan hệ ủy quyền bán tài sản và cho vay cầm cố tài sản. Công an cần xác định trong hai quan hệ dân sự này thì quan hệ dân sự nào đã bị các bị can lợi dụng để chiếm đoạt tài sản và nạn nhân là chủ xe hay người cho vay tiền? Số tiền vay và giá trị chiếc xe chênh nhau rất nhiều nên việc xác định đối tượng chiếm đoạt chiếc siêu xe hay chiếm đoạt số tiền 2 tỉ đồng cũng sẽ là căn cứ để xác định tính chất của vụ án.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã làm giả giấy tờ đăng ký để bán chiếc xe, gây thiệt hại đến tài sản của chủ sở hữu, thì nạn nhân là chị H. và tài sản chiếm đoạt là chiếc siêu xe.

Còn nếu trường hợp không có hành vi làm giả giấy tờ, không gian dối về chủ sở hữu chiếc xe mà lại mang phương tiện của người khác đi cầm cố để vay tiền thì giao dịch cầm cố tài sản này bị vô hiệu, chủ sở hữu chiếc xe không thể bị mất chiếc xe về mặt pháp lý. Trong trường hợp này hợp đồng vay tiền sẽ bị vô hiệu về biện pháp đảm bảo.

Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với PV về vụ việc.

Trong vụ án này, thông tin ban đầu cho thấy, tài sản cầm cố không thuộc quyền sở hữu của các bị can. Các bị can đã mang chiếc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của người khác đi cầm cố mà không có ủy quyền thì đây là quan hệ dân sự vô hiệu, bên nhận cầm cố không có quyền và không thể định đoạt được chiếc xe ô tô này nếu đến hạn trả nợ mà người vay tiền vi phạm nghĩa vụ trả nợ, bởi vậy về mặt pháp lý thì chủ chiếc xe ô tô này không thể mất chiếc xe ô tô này mà bên chịu rủi ro chính là bên cho vay tiền.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có yếu tố gian dối nào trong quan hệ dân sự vay tiền và cầm cố tài sản là chiếc xe ô tô của người khác hay không? Bên cho vay tiền có biết chiếc xe ô tô này là của người khác, vì sao lại chấp nhận cầm cố cho khoản vay 2 tỉ đồng ? Đồng thời sẽ xác định rõ thời hạn vay là bao lâu, đã đến hạn trả nợ hay chưa, có vi phạm nghĩa vụ dân sự trong quan hệ vay tài sản hay không?

Trường hợp kết quả điều tra chứng minh được các bị can đã thực hiện hành vi gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Vụ 2 nhân viên quán bánh mì Nguyên Sinh đánh khách: Phạt 13 triệu đồng

Liên quan đến vụ 2 nhân viên quán bánh mì Nguyên Sinh (số 17-19 phố Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) có hành vi hành hung thực khách, ngày 12-7, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 nhân viên này.

Vị thực khách sau khi xảy ra xô xát với nhân viên quán bánh mì Nguyên Sinh đã đến Công an phường trình báo. Ảnh chụp màn hình

Theo đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 2 nhân viên của quán bánh mì Nguyên Sinh mỗi người 6,5 triệu đồng về hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 2 người này đã chấp hành quyết định xử phạt hành chính.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh "tố" 2 nhân viên quán bánh mì Nguyên Sinh có hành vi hành hung thực khách.

Theo đó, tối 30-6, 3 người trong một gia đình đến quán bánh mì Nguyên Sinh ăn tối. Thực khách có mang theo lon nước dừa vào quán nên đã bị một số người của quán này chỉ trích là "vô văn hoá", "ngu dốt".

Cảm thấy bị xúc phạm nên 3 vị khách này quyết định không ăn nữa và ra về. Đồng thời, đã "góp ý nhẹ nhàng" trong lúc ra về. Tuy nhiên, chủ quán và nhân viên không có thái độ tiếp thu, tiếp tục nói rằng không nhắm đến gia đình vị khách "như một cách phủ nhận trách nhiệm".

"Mình quá bực bội nên mới nói nếu phiền phức như vậy thì chị làm cái biển thật to đặt ở ngoài để khách chú ý, không phải nơi nào cũng có quy định như vậy (quy định không được mang nước vào quán-PV) và chị cũng đỡ phải nhắc người ta. Chủ quán và nhân viên không hề tiếp nhận góp ý này, bắt đầu xúc phạm mẹ mình, lao vào tát mình và đánh em mình ngã xuống vỉa hè" - vị thực khách chia sẻ.

Vị khách này ngay sau đó đã làm đơn trình báo Công an phường và cho biết bản thân "vô cùng sốc", "thất vọng".

Công an phường Hàng Trống sau đó đã chuyển hồ sơ lên Công an quận Hoàn Kiếm xử lý theo quy định.

Phát hiện bất ngờ khi điều tra tin báo 'Cô gái bị bắt cóc đưa sang Campuchia'

Ngày 12/7, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Tại buổi họp báo, đại tá Nguyễn Đình Thuận Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, đã thông tin về vụ việc người dân phản ánh một phụ nữ ở TP Phan Rang - Tháp Chàm bị bắt cóc, đưa sang Campuchia.

Đại tá Nguyễn Đình Thuận Hải (bìa phải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận) thông tin về vụ việc tại buổi họp báo. Ảnh: L.H.

Trước đó, ngày 1/6, anh N.V.H (SN 1981, ở phường Mỹ Hải, TP Phan Rang- Tháp Chàm) trình báo với cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận về việc em gái ruột là Nguyễn Thị Hoài Phi (SN 1985, ở phường Thanh Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm) đi vào TPHCM từ ngày 23/5/2023 và sau đó bị bắt cóc.

Tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh Ninh Thuận đã phân công lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Công an TPHCM và Công an tỉnh Tây Ninh tổ chức xác minh, truy tìm Nguyễn Thị Hoài Phi. Đến ngày 24/6/2023, Nguyễn Thị Hoài Phi bị Công an tỉnh Tboung Khmum - Campuchia phát hiện, tạm giữ và bàn giao lại cho Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Sau đó, Công an tỉnh Ninh Thuận đã đưa về địa phương, bàn giao lại cho gia đình quản lý.

Theo đại tá Nguyễn Đình Thuận Hải, đến nay chưa có tài liệu chứng minh Nguyễn Thị Hoài Phi bị bắt cóc như trình báo của anh N.V.H.

Tuy nhiên, ngày 4/7/2023, Công an tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận đơn tố giác Hoài Phi có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đang xác minh làm rõ các vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau đợt nắng nóng dài nhất năm, sang đầu tháng 8 nắng nóng mới trở lại

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (12/7), ở Bắc Bộ và khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như: Láng (Hà Nội) 37.1 độ, Hà Nam 37.8 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 38.4 độ, Con Cuông (Nghệ An) 38.1 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 39.0 độ, Ba Đồn (Quảng Bình) 38.4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 39.0 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.

Miền Bắc và miền Trung sẽ đón nắng nóng trở lại vào cuối tháng 7 đầu tháng 8.

Ngày 13-14/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%

Ngày 13/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; khu vực đồng bằng và Hòa Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Ngày 14/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.từ ngày 15/7 nắng nóng kết thúc ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và có khả năng giảm dần ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên.

Nắng nóng duy trì từ nay đến ngày 14/7, sau đó nắng nóng thu hẹp phạm vi và tạm thời chấm dứt. Khoảng cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 nắng nóng có khả năng xuất hiện trở lại tại Bắc Bộ và Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Cơ quan khí tượng dự báo, trong giai đoạn từ ngày 11/7-10/8, dải hội tụ nhiệt đới có xu thế hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn và có thể gây thời tiết xấu (mưa dông, lốc xoáy, sóng mạnh) trên khu vực Biển Đông. Dự báo có khoảng 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông trong giai đoạn nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, trong đó khoảng ngày 15-20/7 có khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông.